FTA Anh-Mỹ có thể được ký chỉ vài tháng sau khi Anh rời EU

09:42' - 07/11/2017
BNEWS Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cảnh báo việc London nhượng EU quá nhiều trong “thỏa thuận ly hôn” Brexit có thể cản trở Anh đạt được một hiệp định thương mại tự do (FTA) với Mỹ.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu tại Hội nghị thường niên 2017 của Liên đoàn Công nghiệp Anh (CBI), Bộ trưởng Ross khẳng định một FTA Anh-Mỹ hoàn toàn có thể được ký kết sớm, chỉ vài tháng sau khi Anh rời khỏi EU chứ không kéo dài đến 10 năm như một số người lo ngại.

Tuy nhiên, ông Ross cũng cảnh báo về những khó khăn trong đàm phán FTA Anh-Mỹ nếu Anh quyết định nhượng bộ EU trong những vấn đề thương mại khiến Mỹ không hài lòng, đặc biệt là lệnh cấm của EU đối với gia cầm nhúng chlor và thực phẩm biến đổi gien của Mỹ.

Bên cạnh đó, ông Ross cũng chỉ trích EU áp đặt mức thuế cao hơn Mỹ đối với “đại đa số” hàng hóa trao đổi giữa hai bên – trong đó có mức thuế 10% đối với ô tô, so với mức 2,5% của Mỹ.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ cho rằng FTA với Mỹ sẽ là thỏa thuận quan trọng nhất của Anh thời hậu Brexit, xuất phát từ quan hệ đặc biệt giữa hai nước về địa chính trị, quân sự và quan điểm thương mại. Anh và Mỹ đầu tư vào nhau khoản vốn khổng lồ lên đến 1.200 tỷ USD.

Washington tin tưởng một FTA Anh-Mỹ hậu Brexit "sẽ không phải chờ quá lâu" trong khi việc tái ký kết Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) giữa Mỹ, Canada và Mexico sẽ khó khăn hơn nhiều.

Tuyên bố này được cho là báo hiệu những khó khăn sắp tới của London trong việc phải lựa chọn giữa 2 đối tác thương mại hàng đầu là EU và Mỹ với những đòi hỏi rất khác nhau.

Tuy nhiên, những bình luận của ông Ross cũng có thể được xem như một sự yểm trợ đối với Thủ tướng Anh Theresa May trong bối cảnh đàm phán Brexit vẫn chưa đạt được đột phá và tiến gần tới nguy cơ Anh sẽ phải rời EU vào tháng 3/2019 mà không đạt được thỏa thuận nào.

Một FTA với Mỹ cũng sẽ có vai trò sống còn đối với chiến lược “Nước Anh toàn cầu” của London thời hậu Brexit, góp phần thuyết phục những cử tri Anh ủng hộ việc ở lại châu Âu rằng Anh vẫn sẽ có một tương lai tươi sáng hơn sau khi rời khỏi EU.

Theo quy định, Anh và Mỹ chỉ có thể chính thức đàm phán về thương mại sau Brexit, tuy nhiên hai bên đã tiến hành các cuộc bàn thảo mang tính “tìm hiểu” đề phòng trường hợp Anh không đạt được thỏa thuận với EU sau tháng 3/2019. Anh và Mỹ đang thúc đẩy triển khai kế hoạch “Bầu trời mở” đối với hàng không, chuyển giao vật liệu hạt nhân và một loạt các vấn đề kỹ thuật.

>>>Kinh tế Anh trước sức ép do vấn đề Brexit

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục