Kinh tế Anh trước sức ép do vấn đề Brexit

05:30' - 07/11/2017
BNEWS Tăng trưởng của Anh đạt 0,4% trong quý III/2017, tốt hơn dự báo nhưng lạm phát tăng đã tác động mạnh tới sức mua của các hộ gia đình.
Thủ tướng Anh Theresa May đối mặt với sức ép kinh tế do vấn đề Brexit. Ảnh: AFP/TTXVN

Tháng 9 vừa qua, lạm phát của Anh lên đến gần 3%, mức cao nhất trong 5 năm qua và việc giá cả tăng đã ảnh hưởng tới chất lượng tăng trưởng. 

Andrew Samuelson, một trợ lý giám đốc, 30 tuổi, sống tại London, nói: “Ở London, giá cả trong các nhà hàng tăng quá nhanh”.

Khi đi siêu thị, Samuelson chú ý hơn tới các nhãn hàng giá rẻ. Muốn thay máy tính mới, Samuelson dự kiến phải chờ tới năm sau và muốn mua 1 bộ đã qua sử dụng thay vì mới để tiết kiệm tiền. Samuelson nói về cuộc sống của mình: “Từ vài tháng nay, tôi phải tính toán từng xu. Tôi vẫn trả được tiền góp mua nhà hàng tháng, nhưng túi tiền hạn hẹp hơn trước kia, chủ yếu vì giá cả đắt hơn một chút”. 

Các số liệu được công bố ngày 25/10 cho thấy kinh tế Anh tăng 0,4% trong quý III/2017, sau mức tăng 0,3% trong 2 quý trước.

Theo đánh giá của Dan Hanson, nhà kinh tế làm việc cho hàng tư vấn Bloomberg Intelligence, kết quả này cao hơn dự báo nhưng vẫn gây thất vọng vì mức chuẩn của Anh phải là 0,6%. Với tốc độ này, tăng trưởng sẽ chỉ đạt 1,5% trong cả năm 2017, tức là thấp hơn so với mức kỳ vọng của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra. 

Theo các dự báo trước đây, Viện Washington đã bày tỏ sự quan ngại về tình hình kinh tế Anh. Theo đánh giá của Viện này, tăng trưởng của Anh không thể vượt quá 1,5% vào năm 2018. Bi quan hơn, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đánh giá Anh sẽ chỉ đạt 1%.

Ngày 17/10 vừa qua, Tổng thư ký OECD José Angel Gurria cảnh báo “Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) sẽ dẫn tới những bất trắc nghiêm trọng có thể bóp nghẹt tăng trưởng của Anh trong những năm tới”. Ông thậm chí còn gợi ý Anh nên tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý mới về việc có nên ở lại EU hay không, một đề xuất tất nhiên đã khiến cho Chính phủ Anh tức giận. 

Sau chiến thắng của những người đòi tách Anh khỏi EU trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6/2016, kinh tế Anh đã khiến cho các dự báo trở nên sai lầm khi chứng tỏ tăng trưởng ổn định.

Việc đồng bảng Anh đã giảm giá tới 15% so với euro đã khiến cho giá hàng hóa nhập khẩu tăng, nhưng người tiêu dùng Anh đã sử dụng tiền tiết kiệm để duy trì mức sinh hoạt, nguồn lực có tỷ trọng chiếm tới 60% nền kinh tế. Xuất khẩu của Anh đã chứng kiến sức cạnh tranh tăng vọt, hỗ trợ cho sản xuất công nghiệp để đạt mức tăng trưởng tới 1% trong quý III/2017. 

Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp chỉ chiếm 10% nền kinh tế còn sức mua của các hộ gia đình đang giảm sút. Trong quý I/2017, tỷ lệ tiết kiệm của người dân đã giảm xuống còn 1,7% thu nhập, mức thấp nhất trong lịch sử, trong khi tỷ lệ bình quân trong 50 năm trở lại đây đạt tới 9,2%.

Lý do là mặc dù tỷ lệ thất nghiệp chỉ ở mức 4,3%, thấp nhất kể từ năm 1975, song mức tăng lương không đủ bù vào khoảng trống do giá cả tăng tạo ra. 

Theo chuyên gia kinh tế Hanson, từ tháng 7 đến tháng 8 vừa qua, lương chỉ tăng 2,2%, thấp hơn lạm phát là 3%, do đó đã ảnh hưởng mạnh tới sức mua.

Về chi tiết, Cơ quan Thống kê Quốc gia cho biết giá các mặt hàng lương thực đã tăng 3,4% trong tháng 9, giá giao thông vận tải tăng 4,9%, các mặt hàng văn hóa phẩm và dịch vụ giải trí, như sách vở tăng 13,7%. Tính cả năm 2017, lạm phát sẽ đạt khoảng 2,7% và 2,8% vào năm 2018. 

Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) sẽ có cuộc họp định kỳ vào ngày 2/11 tới. Chỉ số giá tiêu dùng hiện đã vượt quá mục tiêu đặt ra là 2%, do đó, theo Andrew Goodwin, chuyên gia của Cơ quan phân tích tài chính Oxford Economics (Anh), thực trạng này “có thể thuyết phục BoA tăng lãi suất thêm 1/4 điểm phần trăm để tôn trọng các cam kết” của họ.

Tỷ lệ lạm phát cao hiện nay được đánh giá là xấu vì nó không xuất phát từ việc thu nhập tăng, mà do giá cả hàng hóa nhập khẩu cao gây ra. Trong điều kiện đó, tăng lãi suất - đồng nghĩa với việc tăng chi phí tín dụng - có thể sẽ làm giảm nhu cầu của các hộ gia đình. 

BoE cũng mới thắt chặt quy định về cấp tín dụng. Gần đây, việc Chính phủ bảo thủ Anh đã đưa ra chính sách tăng thuế và cắt giảm ngân sách, nhất là ngân sách dành cho an sinh xã hội, cũng có thể tác động tới tăng trưởng.

Theo ông Goodwin, các biện pháp này có thể sẽ làm giảm tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tới 0,6% từ nay đến năm 2020. Cộng với những bất trắc do Brexit gây ra, chắc chắn kinh tế Anh sẽ còn phải chịu những hậu quả nặng nề khác. 

Hiện tại, rất nhiều doanh nghiệp đã tạm hoãn các khoản đầu tư để chờ tình hình rõ ràng hơn. Ông Hanson nhận xét: “Điều đó phụ thuộc rất nhiều vào kịch bản đàm phán giữa Thủ tướng Theresa May và các đối tác châu Âu đưa Anh rời khỏi EU. Nó làm cho các dự báo trở nên không chắc chắn”, ông Hanson nhận xét.

Chuyên gia kinh tế này cũng cho rằng những căn bệnh của nền kinh tế Anh không chỉ gói gọn trong Brexit. Năm 2016, thâm hụt thương mại lên tới 135 tỷ bảng Anh. Mặc dù lương tối thiểu tăng từ 7,2 lên 7,5 bảng Anh một giờ hồi tháng 4, thị trường lao động vẫn rất bất bình đẳng.

Viện nghiên cứu độc lập Resolution Foundation cho biết tỷ lệ người lao động nghèo lên tới 19,3%. Theo ông Goodwin, năng suất lao động của Anh rất thấp, thấp hơn nhiều so với mức trước khủng hoảng, hậu quả của mức đầu tư cho sáng tạo giảm sút trong nhiều năm. 

Theo một số nhà kinh tế, lãi suất thấp đã góp phần duy trì hàng loạt công ty sản xuất cầm chừng và gần như không đầu tư. Chuyên gia Hanson nhận định điều này rất đáng lo ngại vì trong dài hạn, chỉ có tăng sức sản xuất thì mới có khả năng bảo đảm được tăng trưởng cao bền vững. 

Quan điểm này đã nhận được sự đồng tình của Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond. Ngày 25/10 vừa qua, ông đã bày tỏ sự hài lòng về tỷ lệ tăng trưởng nhưng cũng nói thêm rằng ưu tiên của chính phủ, nhất là trong năm tài chính tới, là hỗ trợ sức sản xuất để tạo thêm việc làm có thu nhập cao trên khắp cả nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục