Gây dựng lòng tin giữa chính quyền và doanh nghiệp

07:28' - 06/08/2016
BNEWS Để hiện thực hóa những mục tiêu của Nghị quyết 35. một trong những việc cần được giải quyết là phải khắc phục được tình trạng lệch pha giữa Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Ảnh: tuoitre.vn

Cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển là nội dung quan trọng và cốt lõi của Nghị quyết 35/NQ-CP (Nghị quyết 35) về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp đến năm 2020.

Phóng viên BNEWS đã có cuộc trò chuyện với ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về vấn đề này.

BNEWS: Căn cứ nào để xác định sự lệch pha giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với cộng đồng các doanh nghiệp, thưa ông?

Ông Đậu Anh Tuấn: Việc đánh giá môi trường kinh doanh tại các địa phương là thuận lợi hay khó khăn; chính quyền có được xem là đồng hành với doanh nghiệp hay không phụ thuộc nhiều vào quyết định hành chính của các cơ quan quản lý Nhà nước và quyết định kinh doanh của doanh nghiệp.

Sự thành bại của một dự án đầu tư hay sự thành công của một doanh nghiệp phụ thuộc lớn vào thời gian và tốc độ mà sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp ấy được đưa ra thị trường. Do vậy, điều doanh nghiệp cần là quyết định hành chính phải được đưa ra càng nhanh càng tốt, càng dễ dự đoán càng tốt.

Khâu giải quyết thủ tục hành chính cần thực hiện một cách nhanh chóng và thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Ảnh:Danh Lam/TTXVN

Trong khi đó, điều kiện kinh doanh được ban hành trong tuần này, tháng này có thể khác rất nhiều so với tuần trước, tháng trước. Nhiều quyết định hành chính còn có thể bị “dùng dằng”, kéo dài cả tháng, dù đáng ra có thể chỉ hoàn thành trong một vài ngày. Điều này cho thấy khoảng cách giữa mong muốn và nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp so với thực tiễn ban hành chính sách của các cơ quan công quyền. Đó có thể gọi là lệch pha.

BNEWS: Đơn giản thì việc các cơ quan Nhà nước chậm trễ trong ra quyết định hành chính là do đâu, thưa ông?

Ông Đậu Anh Tuấn: Đúng như vậy, có thể nói rằng sự phối hợp liên ngành ở nhiều cấp địa phương, thậm chí cả cấp bộ ngành Trung ương, là khâu yếu nhất hiện nay. Một thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp và nhà đầu tư thường liên quan đến nhiều ngành, nhiều cơ quan.

Nhưng sự hợp tác giữa các cơ quan này lại thường rất lỏng lẻo. Cơ quan nào cũng quan trọng và đối với yêu cầu hay điều kiện của cơ quan nào thì doanh nghiệp cũng phải thực hiện trước.

Đáng chú ý là dù có thể không tìm được bất cứ cơ quan nào chịu trách nhiệm chính trong toàn bộ quy trình hành chính này, nhưng bất cứ cơ quan nào cũng có thể gây khó khăn hoặc làm cho tiến trình thủ tục đó đi vào ngõ cụt. Thậm chí, từng công chức Nhà nước cũng dễ dàng có thể gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, dù có thể đó là doanh nghiệp lớn.

Trong khi đó, giữa doanh nghiệp và Nhà nước luôn có sự bất cân xứng về vị trí, về thông tin, nên dù cho không hài lòng thì cũng ít có doanh nghiệp nào dám đi đến cùng để bảo vệ quyền lợi của mình. 

BNEWS: Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này ?

Ông Đậu Anh Tuấn: Tôi từng nhớ, cách đây nhiều năm, có trường hợp một doanh nghiệp đã báo lên lãnh đạo tỉnh về việc gây khó khăn của một cơ quan ngang sở. Sau khi được can thiệp, vụ việc của doanh nghiệp đã được giải quyết, nhưng từ đó, dần dần doanh nghiệp liên tục đón nhận sự “trừng phạt” từ chính cơ quan đó và vị lãnh đạo tỉnh dù biết nhưng cũng không làm gì được.

Cần tạo dựng tốt lòng tin giữa doanh nghiệp và Nhà nước trong việc cải thiện môi trường kinh doanh. Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN.

Như vậy muốn đấu tranh đến cùng để bảo vệ quyền lợi của mình thì doanh nghiệp liệu có đảm bảo được rằng những công việc khác mình đang làm có đúng không?

BNEWS: Phải chăng doanh nghiệp thiếu niềm tin vào bộ máy Nhà nước, các cấp, ngành quản lý, thưa ông?

Ông Đậu Anh Tuấn: Tôi cho rằng, cái thiếu nhất của môi trường kinh doanh ở Việt Nam là: Lòng tin giữa chính quyền và doanh nghiệp.

Ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, trong mắt nhiều lãnh đạo và công chức Nhà nước các doanh nghiệp tư nhân luôn có trình độ thấp, làm ăn chụp giật, sẵn sàng vi phạm pháp luật. Còn trong mắt của chính các doanh nghiệp tư nhân này thì quan chức với thói quan liêu, hách dịch, thậm chí hay vòi vĩnh…

Nhiều công chức Nhà nước còn tìm cách chứng minh cho doanh nghiệp thấy vai trò và tầm quan trọng của mình, tạo ra khó khăn, gây phiền hà ngay từ khi tiếp xúc để doanh nghiệp phải ý thức rằng “muốn qua sông thì phải luỵ đò”. Trong một mối quan hệ như thế thì có tồn tại niềm tin hay không?

BNEWS:Vậy theo ông, làm sao để gây dựng lại niềm tin trong người dân và doanh nghiệp về một Nhà nước với dung mạo mới: Nhà nước kiến tạo phát triển, với một Chính phủ hành động và tận tình phục vụ?

Ông Đậu Anh Tuấn: Quan trọng là rút ngắn khoảng cách giữa lời nói với việc làm; giữa mong muốn, nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp với các quyết sách ban hành từ Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương.

Chỉ cần một thái độ khác thôi; chỉ cần công chức sẵn sàng “xắn tay áo” vào để giải quyết, đồng hành cùng doanh nghiệp, không đặt ra điều kiện gì ngay từ đầu thì sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh thân thiện và thuận lợi cho doanh nghiệp. Hẳn nhiên, mọi thứ sẽ thay đổi.

BNEWS: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục