Cải cách môi trường kinh doanh: Cuộc đua không dừng (Bài 1)

07:01' - 20/06/2016
BNEWS Nếu coi cải thiện môi trường kinh doanh là một cuộc đua, thì đó là cuộc đua đặc biệt, vì không có điểm dừng.

Bài 1: Những tín hiệu cải cách

Ngọn cờ cải cách môi trường kinh doanh đã được Chính phủ cùng các bộ, ngành phất cao trong thời gian qua và có những dấu ấn nhất định. Nhưng nếu coi cải thiện môi trường kinh doanh là một cuộc đua, thì đó là cuộc đua đặc biệt, vì không có điểm dừng.

Thông điệp và hành động của Chính phủ nhiệm kỳ mới đang tạo nhiều kỳ vọng cho doanh nghiệp. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN

Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang trong một giai đoạn đầy “phấn khích”, khi hàng loạt các động thái lắng nghe ý kiến, cam kết thay đổi và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động đã được Chính phủ cùng các bộ, ngành thực hiện trong thời gian qua.

Những sự kiện được xem là tín hiệu cải cách cho nền kinh tế Việt Nam là kế hoạch “quốc gia khởi nghiệp”; trong đó hướng tới mục tiêu Việt Nam đến năm 2020 sẽ có 1 triệu doanh nghiệp.

Chỉ trong thời gian ngắn, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19/2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 – 2017, định hướng đến năm 2020 (Nghị quyết 19/2016); Nghị quyết 35/2016/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 với đầy đủ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển (Nghị quyết 35).

Cùng với đó, các vấn đề cải cách thể chế để tạo thuận lợi cho nền kinh tế cũng được đặt ra; trong đó mục tiêu mà Chính phủ hướng tới là trở thành một chính phủ kiến tạo và phục vụ, thay vì điều hành nền kinh tế bằng mệnh lệnh hành chính như trước.

Tất cả những tín hiệu trên đang đặt cho doanh nghiệp nhiều kỳ vọng với một bước ngoặt thật sự về cải cách môi trường kinh doanh và mở ra một giai đoạn mới cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Nhìn lại hơn hai năm trước, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu và rộng vào kinh tế khu vực và thế giới, việc minh bạch hóa, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, thì việc khai thông những vướng mắc trong môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong chiến lược cạnh tranh toàn cầu là một vấn đề cấp thiết.

Môi trường kinh doanh của Việt Nam qua hai năm thực hiện Nghị quyết 19 đã cải thiện đáng kể. Ảnh minh họa: TTXVN

Để hiện thực hóa mục tiêu đó, trong hai năm 2014 và 2015, Chính phủ đã ban hành hai nghị quyết cùng mang số 19: Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 và Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015-2016 (gọi chung là Nghị quyết 19).

Các Nghị quyết 19 được coi là Nghị quyết cải tiến khi lấy chỉ số Doing Business của một tổ chức quốc tế là Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra để chấm điểm cải cách trong nước trên nhiều lĩnh vực. Nghị quyết 19 đã đặt mục tiêu Việt Nam có môi trường kinh doanh bằng tốp đầu của ASEAN.

Theo đánh giá của Chính phủ, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 19, môi trường đầu tư kinh doanh Việt Nam đã có bước cải thiện, năng lực cạnh tranh được nâng lên, được các tổ chức quốc tế có uy tín ghi nhận, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, Việt Nam được đánh giá là nước có nhiều giải pháp cải cách về môi trường kinh doanh nhất và có cải thiện nhiều nhất trong số các nước ASEAN. Một số chỉ tiêu Việt Nam đã vượt so với mục tiêu ASEAN - 6 như: Khởi sự kinh doanh, bảo vệ nhà đầu tư, chỉ tiêu nộp thuế và bảo hiểm xã hội...

Mặc dù vậy, xét về tổng thể, môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn chưa đạt được mức ASEAN - 6 vào cuối năm 2015. Thậm chí, một số chỉ tiêu môi trường kinh doanh của Việt Nam còn bị tụt hạng so với các nước trong khu vực như: Xuất nhập khẩu thông quan qua biên giới, giấy phép xây dựng.

Cụ thể, theo báo cáo “Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 19 (2014 và 2015) và giới thiệu các nội dung cơ bản của Nghị quyết 19-2016” do CIEM thực hiện,  chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn còn cách khá xa so với Thái Lan, Malaysia và Singapore.

Về thời gian tiếp cận điện năng, Việt Nam đã giảm được 56 ngày, cải thiện 27 bậc tuy nhiên thứ hạng vẫn thấp hơn so với các nước ASEAN 4 gồm 4 nước Thái Lan, Singapore, Malaysia và Philippines. Thời gian nộp thuế và bảo hiểm xã hội Việt Nam đã giảm 102 giờ, tăng 4 bậc, song thứ hạng vẫn còn thấp…

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, môi trường đầu tư ở Việt Nam có những lợi thế, thậm chí còn lợi thế hơn cả Indonesia, Thái Lan và Malaysia bởi Việt Nam có môi trường xã hội và chính trị ổn định.

Nhưng lợi thế đó không được phát huy, môi trường đầu tư vẫn dậm chân tại chỗ do còn nhiều vấn đề tồn tại; trong đó có vấn đề từ bộ máy quản lý. Quyết tâm của Chính phủ rất cao nhưng bộ phận thừa hành còn chưa được cải thiện.

Xem tiếp:

>> Cải cách môi trường kinh doanh: Cuộc đua không dừng: Bài 2: Cần giải các điểm nghẽn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục