Giá dầu châu Á nhích nhẹ phiên cuối tuần

16:30' - 28/04/2017
BNEWS Giá dầu trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 28/4 đi lên tại thị trường châu Á.
Giá dầu châu Á nhích nhẹ phiên cuối tuần. Ảnh minh họa: EPA

Tuy nhiên, "vàng đen" vẫn đang hướng tới tuần mất giá thứ hai liên tiếp do lo ngại thỏa thuận cắt giảm sản lượng do Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) khởi xướng chưa giúp làm giảm đáng kể nguồn cung dầu dư thừa trên toàn cầu.

Chiều phiên này, tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) tăng 46 xu Mỹ (0,94%), lên 49,43 USD/thùng. Tuy vậy, mặt hàng này vẫn thấp hơn một chút so với mức giá tuần trước và lùi khoảng 8% so với mức "đỉnh" của tháng Tư.

Trong khi dầu Brent Biển Bắc được mua bán ở mức 51,91 USD/thùng, tăng 47 xu (0,91%) so với phiên trước đó. Giá dầu Brent ước mất khoảng 8,5% so với mức cao nhất xác lập được trong tháng 4/2017, đồng thời hướng tới tuần xuống giá thứ hai liên tiếp.

Đà tăng của giá dầu phiên này chủ yếu nhờ nhận định mới đây của OPEC rằng tổ chức này sẽ hướng đến một thỏa thuận nhằm "làm dịu" tình trạng dôi dư nguồn cung trên toàn cầu.

Cuối tháng 11/2016, các nước OPEC đã đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày - thỏa thuận hạn chế sản lượng đầu tiên của khối này kể từ năm 2008. Đầu tháng 12/2016, 11 nước sản xuất khác ngoài OPEC cũng cam kết giảm sản lượng 558.000 thùng/ngày, đưa tổng mức cắt giảm của các nước trong và ngoài OPEC lên gần 1,8 triệu thùng/ngày.

Tuy nhiên, các nước này đang đứng trước áp lực phải gia hạn kế hoạch cắt giảm sản lượng tới hết năm 2017 nhằm bù đắp cho sự gia tăng sản lượng tại các quốc gia khác, nhất là Mỹ. Theo kế hoạch, các bộ trưởng OPEC sẽ nhóm họp vào tháng Năm tới tại Vienna (Áo) để quyết định có kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ kể trên hay không.

Sản lượng dầu của Mỹ đã tăng 10% kể từ giữa năm 2016, lên 9,27 triệu thùng/ngày. Công ty tư vấn năng lượng Consultancy Rystad Energy dự báo sản lượng dầu khí đá phiến của Mỹ mỗi tháng sẽ tăng thêm 100.000 thùng/ngày trong thời gian từ nay tới cuối năm và sang cả năm 2018.

Con số này cao hơn dự tính của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) với mức tăng sản lượng hàng tháng trong năm nay và năm tới lần lượt chỉ là 29.000 thùng/ngày và 57.000 thùng/ngày.

Ngoài Mỹ, Libya - một thành viên của OPEC nhưng đứng ngoài kế hoạch cắt giảm trên - đang tiếp tục tăng sản lượng và điều này tạo thêm áp lực đối với nguồn cung dầu mỏ trên thị trường thế giới.

>>> Giá dầu thế giới giảm do quan ngại nhu cầu thấp

>>> Tình trạng dư cung tiếp tục kéo giá dầu châu Á đi xuống

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục