Giá dầu châu Á tăng trong phiên ngày 27/9

16:50' - 27/09/2017
BNEWS Giá dầu châu Á đi lên trong phiên ngày 27/9 sau khi dự trữ dầu tại Mỹ bất ngờ giảm do các nhà máy lọc dầu nâng sản lượng và do mối đe dọa Thổ Nhĩ Kỳ sẽ "chặn" các tuyển xuất khẩu dầu từ Iraq.

Giá dầu châu Á đi lên trong phiên ngày 27/9, trong đó dầu giá dầu Brent Biển Bắc giao dịch gần mức “đỉnh” của 26 tháng ghi nhận được trong phiên trước đó, sau khi dự trữ dầu tại Mỹ bất ngờ giảm do các nhà máy lọc dầu nâng sản lượng và do mối đe dọa Thổ Nhĩ Kỳ sẽ "chặn" các tuyển xuất khẩu dầu từ Iraq.

Giá dầu châu Á tăng song vẫn chịu sức ép từ tình trạng dư thừa nguồn cung. Ảnh: Reuters

Tại Jakarta (Indonesia), lúc 13 giờ 03 phút (giờ Việt Nam), giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 11/2017 tăng 29 xu Mỹ (0,5%) lên 58,73 USD/thùng. Giá loại dầu này thấp hơn 1% so với mức đỉnh 59,49 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 7/2015, ghi nhận được hôm 26/9 và cao hơn 34% so với mức “đáy” của năm 2017.
Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao cùng kỳ hạn tăng 34 xu Mỹ (0,7%) lên 52,22 USD/thùng, thấp hơn 0,7% so với mức cao nhất của 5 tháng ghi nhận được trong phiên trước đó là 52,43 USD/thùng.
Viện Xăng dầu Mỹ (API) công bố báo cáo cho thấy lượng dầu dự trữ tại các kho ở Mỹ đã giảm khoảng 761.000 thùng trong tuần trước do các nhiều nhà máy lọc dầu tăng cường sản xuất, trong khi dự trữ xăng tăng và dự trữ sản phẩm chưng cất giảm, trái ngược với đồn đoán của thị trường. Số liệu của API cũng cho thấy công suất lọc dầu tăng khoảng 1,3 triệu thùng/ngày.
Sản lượng dầu thô tại Texas, một trong những khu vực sản xuất dầu đá phiến lớn nhất tại Mỹ, trong tháng Bảy đã giảm 1% so với cùng kỳ năm trước. Bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sản lượng dầu của Mỹ giảm đều có lợi cho giá dầu giữa lúc nhu cầu thế giới ngày một tăng.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) sẽ công bố số liệu dự trữ chính thức vào cuối ngày hôm nay (27/9).
Ngày 26/9, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Tayyip Erdogan, tuyên bố nước này sẽ đóng cửa biên giới với khu vực tự trị của người Kurd ở miền Bắc Iraq, đồng thời đe dọa sẽ cắt đứt các tuyến xuất khẩu dầu mỏ chủ chốt ở khu vực này. Trong một bài phát biểu, Tổng thống Erdogan cho rằng cuộc trưng cầu ý dân về độc lập của khu vực người Kurd là hành động "bất hợp pháp", đồng thời tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đóng cửa khẩu biên giới Habur tại khu vực nói trên.

Các tuyến xuất khẩu dầu mỏ từ miền Bắc Iraq ra thế giới bên ngoài thông qua cảng Ceyhan của Thổ Nhĩ Kỳ là tuyến đường kinh tế huyết mạch của khu vực người Kurd với 500.000-600.0000 thùng dầu được vận chuyển mỗi ngày.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục