Giải pháp cho ngành chăn nuôi bò thịt. Bài 1: Xây dựng thương hiệu “thịt bò Hà Nội”

18:23' - 09/12/2016
BNEWS Mặc dù, ngành chăn nuôi bò thịt ở Hà Nội khá ổn định song khi hội nhập thì ngành chăn nuôi bò thịt cũng ít nhiều cũng chịu tác động.
Phun thuốc tiêu độc khử trùng chuồng trại chống dịch lở mồm long móng ở bò. Nguồn: TTXVN
Ngành chăn nuôi bò thịt ở Hà Nội khá ổn định và có hiệu quả về kinh tế. Ảnh TTXVN

Hà Nội là địa phương có nhiều điều kiện để phát triển chăn nuôi đàn gia súc lớn; trong đó, chăn nuôi bò thịt là mũi nhọn, có tính ổn định cao. Những năm qua, ngành chăn nuôi bò thịt đã mang lại hiệu quả kinh tế không nhỏ.

Tuy nhiên, bối cảnh hội nhập đặt ra cho người chăn nuôi bài toán làm sao để phát triển đàn bò nhanh và bền vững; đồng thời, có sức cạnh tranh trên thị trường. Bài học từ thực tế cho thấy, xây dựng thương hiệu và cải thiện chất lượng giống chính là “chìa khóa” để giải bài toán này.

Bài 1: Xây dựng thương hiệu “thịt bò Hà Nội”

Mặc dù, ngành chăn nuôi bò thịt ở Hà Nội có tính ổn định và hiệu quả kinh tế cao, song khi các “cường quốc bò thịt” như Australia, Mỹ, Hàn Quốc... tiến vào Việt Nam thì ngành chăn nuôi bò thịt cũng ít nhiều cũng chịu tác động.

Để không bị “thất thủ” ngay trên sân nhà, người chăn nuôi phải thay đổi cách nghĩ, cách làm và phương pháp quản lý, đặc biệt xây dựng thương hiệu tốt để làm cho ngành chăn nuôi bò thịt phát triển.

Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội, mỗi năm, Hà Nội tiêu thụ khoảng 100.000 tấn thịt bò; trong đó, nguồn cung của thành phố mới chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu, số còn lại phải nhập từ các tỉnh thành khác và từ nước ngoài.

Không chỉ có nhu cầu tiêu thụ lớn, Hà Nội cũng là địa phương có điều kiện tốt để phát triển, chăn nuôi gia súc, gia cầm; trong đó, có bò thịt với hơn 60% dân số sản xuất nông nghiệp và điều kiện tự nhiên chia ra các vùng rõ rệt như đồi, núi, bán sơn địa, vùng bãi ven sông, vùng đồng bằng và vùng chiêm trũng.

Hà Nội hiện có 19 xã trọng điểm về chăn nuôi bò thịt, tập trung tại các huyện như Ba Vì, Gia Lâm, Quốc Oai, Phúc Thọ, Chương Mỹ…

Bà Nguyễn Thị Từ, người chăn nuôi bò ở xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm - một trong những vùng trọng điểm chăn nuôi bò thịt của thành phố, cho biết, với tổng đàn bò gần 1.800 con, những năm qua, việc chăn nuôi bò thịt đã giúp cho gia đình bà và nhiều hộ khác trong xã Lệ Chi ổn định cuộc sống, thu nhập lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Sản phẩm thịt bò cung cấp cho thị trường được đón nhận, có sức tiêu thụ ngày càng lớn, nên các hộ có xu hướng mở rộng chăn nuôi và kết nối với các đơn vị, địa phương khác để tiêu thụ. 

 Giải nhất cho cặp bò mẹ con tại cuộc thị bò thịt năm 2016. Ảnh: Đỗ Phương Anh

Mặc dù, ngành chăn nuôi bò thịt có khả năng mang lại lợi nhuận kinh tế cao song sự phát triển vẫn chưa tương xứng, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm thịt bò nhập khẩu.

Tính đến tháng 6/2016, tổng đàn bò của thành phố đạt hơn 125.000 con, sản lượng thịt bò đạt trên 5.000 tấn. So với nhu cầu, lượng thịt bò cung ứng ra thị trường như vậy là còn rất “khiêm tốn”.

Chất lượng thịt bò ở Hà Nội không thua kém các địa phương khác trong cả nước và không cách biệt nhiều so với thịt bò nhập ngoại. Song, thịt bò Việt vẫn gặp bất lợi về giá thành, dẫn đến khó cạnh tranh.

Ông Tạ Văn Tường, Giám đốc, Trung tâm Phát triển chăn nuôi thành phố Hà Nội, cho biết, một trong các nguyên nhân khiến ngành chăn nuôi bò thịt chưa phát triển mạnh là do tỷ lệ chăn nuôi bò trong khu dân cư còn cao, tình trạng giết mổ thủ công tràn lan, thiếu điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, sự liên kết giữa những người chăn nuôi với nhau và với các cơ sở giết mổ, doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm chưa nhiều, thương hiệu thịt bò Hà Nội còn đang trong quá trình xây dựng.

Để ngành chăn nuôi bò thịt phát triển, việc xây dựng thương hiệu là điều bắt buộc, ông Tạ Viết Hùng, Hợp tác xã đầu tư nông trại và phát triển bò BV (Hà Nội), khẳng định, giá trị thương hiệu chiếm 70% đến 80%, bởi thương hiệu khẳng định nguồn gốc, xuất xứ, cũng như chất lượng và mức độ an toàn của thịt, tạo uy tín và niềm tin nơi người tiêu dùng.

Để xây dựng thương hiệu, trước hết phải quan tâm đến việc cải thiện chất lượng đàn bò. Không thể giữ mãi phương pháp chăn nuôi nhỏ lẻ theo kiểu truyền thống mà phải chăn nuôi tập trung, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến để ngành chăn nuôi phát triển bền vững và hiệu quả, làm lợi cho người nông dân, ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội nhận định.

Sớm nhận thức được điều này, Công ty cổ phần giống gia súc Hà Nội đã mở 2 cửa hàng bán thịt bò sạch trên địa bàn Hà Nội và đang làm thủ tục mở thêm 3 cửa hàng; đồng thời, xây dựng lò giết mổ gia súc sạch tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm.

Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Tổng giám đốc, Công ty cổ phần giống gia súc Hà Nội, cho rằng, cần sớm hoàn thiện chuỗi sản xuất và tiêu thụ thịt bò trên địa bàn thành phố. Đây là giải pháp hết sức quan trọng, giúp người sản xuất yên tâm về đầu ra cho sản phầm, người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm sạch, đồng thời điều tiết được từ khâu sản xuất đến lưu thông phân phối giúp cho người sản xuất đỡ thiệt thòi./.
Bài 2: Làm tốt khâu giống, nâng cao chất lượng thịt

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục