Cần có hệ thống giám sát chăn nuôi tại Việt Nam

12:55' - 07/12/2016
BNEWS Mục tiêu của hệ thống giám sát chăn nuôi là thu thập các thông tin chăn nuôi thường xuyên một cách chính xác, kịp thời để phục vụ: quản lý nhà nước, xây dựng các chính sách phát triển…
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi, Bộ NN&PTNT phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thành Trung/BNEWS

Ngày 7/12, tại Hà Nội, Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc tổ chức Hội thảo “Mô hình giám sát phát triển chăn nuôi Việt Nam”.

Ông Hoàng Vũ Quang, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn cho biết, theo nghiên cứu, thời gian qua ngành chăn nuôi đang theo xu thế số lượng hộ nông dân giảm dần; hộ chăn nuôi giảm nhanh. Đồng thời, quy mô sản xuất của hộ tăng nhanh, nhất là hộ chăn nuôi; chuyển đổi địa bàn sản xuất, chăn nuôi tại khu dân cự đông đúc giảm dần.

Đặc biệt, liên kết theo chuỗi, sản xuất gắn với thương hiệu, chứng nhận chất lượng ngày càng được chú ý; áp dụng công nghệ tiên tiến ngày càng nhiều.

Do đó, việc xây dựng hệ thống giám sát chăn nuôi nhằm phục vụ quản lý nhà nước, cung cấp thông tin cho các tác nhân phát triển; cung cấp thông tin cho người sản xuất … Từ đó mới có thể đánh giá chính xác sự phát triển của ngành chăn nuôi.

Mục tiêu của hệ thống giám sát chăn nuôi là thu thập các thông tin chăn nuôi thường xuyên một cách chính xác, kịp thời để phục vụ: quản lý nhà nước, xây dựng các chính sách phát triển…

Mô hình sẽ cập nhật thông tin hiện trạng chăn nuôi như: quy mô đàn, cơ cấu giống; tình hình bán sản phẩm, sử dụng thức ăn chăn nuôi, giá cả đầu vào đầu ra; thông tin dịch bệnh… Tất cả số liệu sẽ được cập nhật định kỳ hàng quý, tổng hợp, phân tích thông tin.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, chăn nuôi Việt Nam đang trong quá trình tái cơ cấu, chuyển từ chăn nuôi nông hộ sang mô hình trang trại, tập đoàn. Thực tế, tỷ lệ người dân tham gia làm nông nghiệp tại Việt Nam là rất lớn.

Chẳng hạn, các nước phát triển chỉ có khoảng 3% số người làm nông nghiệp, còn tại Việt Nam có đến 50-60%. Do số lượng và thành phần tham gia làm nông nghiệp nhiều đã gây khó khăn cho việc thống kê, đánh giá sự phát triển.

Do đó, ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng: “Cần có giải pháp để thống kê, đánh giá, phân tích được động thái của quá trình phát triển ngành chăn nuôi cũng như xu thế ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ đi đến đâu.

Đương nhiên chúng ta không thể dựa vào số lượng quá nhiều hộ chăn nuôi bởi quá trình cạnh tranh về năng suất, chất lượng, đặc biệt là an toàn vệ sinh thực phẩm trong chăn nuôi”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục