Giải pháp nào cho nỗi ám ảnh tắc nghẽn giao thông những ngày giáp Tết?

13:39' - 19/01/2017
BNEWS Tắc đường, kẹt xe trong những ngày giáp tết trên địa bàn Hà Nội đang trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người, nhiều gia đình, nếp sống sinh hoạt bị xáo trộn, ảnh hưởng.

Tắc nghẽn giao thông xảy ra thường xuyên trên các tuyến đường của Hà Nội ngày giáp tết.  Ảnh: Quang Quyết-TTXVN

“Giá như có thể bay được” đó là ước mơ của hàng triệu người tham gia giao thông trên địa bàn Hà Nội trong những ngày giáp Tết 2017, khi mà tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra trên diện rộng. Lưu lượng người và hàng hóa dồn về Thủ đô khiến hạ tầng giao thông trở nên quá tải.
Tắc đường khó kiểm soát
Mặc dù là chiều muộn ngày thứ bảy (14/1) nhưng suốt trục đường Kim Giang chật cứng người và phương tiện. Con đường nhỏ ven sông không chứa nổi hai dòng phương tiện ngược chiều nhau “giống như hai con dê qua cầu” đều cố nhoi lên phía trước gây ra tình trạng “tắc nghẽn”.

Phải nhích gần 1 tiếng đồng hồ từ đường Kim Giang về chung cư Linh Đàm, chị Tuyết ngán ngẩm, “Xe buýt, ô tô, xe máy chen ngang dọc, mạnh ai nấy đi thế này thì có thoát lên giời!”.
Đặc biệt mưa rét kéo dài khiến tình trạng giao thông thêm lộn xộn. Số lượng phương tiện ô tô, taxi hoạt động hết công suất, kèm theo sự hối hả, chen lấn của người tham gia giao thông khiến bức tranh kẹt xe, tắc đường thực sự trở thành nỗi ám ảnh của người dân khi phải ra đường.
Tình trạng ùn tắc đặc biệt nghiêm trọng ở các trục đường như Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương, Tố Hữu, Trần Phú (Hà Đông), Trần Duy Hưng, Láng, Tây Sơn, Nguyễn Lương Bằng, Tôn Đức Thắng, Cầu Giấy, Xuân Thủy, Đê La Thành, Trường Chinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Chí Thanh, vành đai 3 trên cao… hàng đoàn phương tiện ùn ứ kéo dài, thậm chí đường Nguyễn Trãi chỉ một bên làn đường, ô tô dàn hàng 6 còn xe máy cứ chỗ nào có khe hở là lách vào.
Tại các nút giao thông như Hai Bà Trưng - Lê Duẩn, Hàng Bông - Điện Biên Phủ, Giải Phóng - Nguyễn Hữu Thọ, hầm chui Trung Hòa và nhiều nút giao cắt khác nhiều lúc cũng rối loạn do các phương tiện không tuân thủ đèn tín hiệu và chỉ dẫn của lực lượng cảnh sát giao thông.

Hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế trong khi lưu lượng người đổ về Thủ đô tăng đột biến vào những ngày cuối năm là nguyên nhân gây ra tình trạng ùn tắc giao thông mất kiểm soát trên địa bàn Thủ đô trong những ngày gần đây. Bên cạnh đó, tình trạng bất chấp quy định lấn làn, vượt đèn đỏ, không nhường nhịn nhau khi tham gia giao thông chính là nguyên nhân làm gia tăng tình trạng tắc đường, kẹt xe ở Hà Nội.
Và giải pháp tình thế
Lường trước tình trạng tắc đường, kẹt xe những ngày giáp Tết, từ trước Tết Dương lịch, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 231/KH-UBND, trong đó nêu rõ mục tiêu không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài, nhất là dịp trước Tết.
Theo đó, các lực lượng chức năng được huy động tối đa quân số để chốt trực hướng dẫn, phân luồng giao thông, nhất là tại những điểm giao cắt dòng phương tiện, các vị trí đang có công trình thi công.

Ngoài ra, Giám đốc Công an thành phố ban hành Mệnh lệnh số 01, tăng cường thêm 200 cảnh sát cơ động tham gia phối hợp điều tiết giao thông trên các tuyến đường chính, từ ngày 6/1 đến 15/2/2017. Tại các tuyến phố, ngõ ra vào các khu dân cư có lực lượng công an phường và đội trật tự địa phương hỗ trợ hướng dẫn phương tiện, hạn chế xung đột dẫn đến mất trật tự giao thông.

Các dòng xe nối đuôi nhau trên các con đường của Thủ đô. Ảnh: Quang Quyết-TTXVN

Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (PC67) Công an thành phố Hà Nội cho biết, để bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giảm tối đa ùn tắc, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia giao thông trên các tuyến trọng điểm ra vào thành phố, đặc biệt tại 60 điểm chợ hoa, chợ Tết… các đơn vị chủ động phối hợp với công an các quận, huyện thị xã tăng cường lực lượng làm nhiệm vụ chỉ huy, điều khiển, hướng dẫn, phân luồng giao thông.
Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đã chỉ đạo bố trí tăng cường 200 cảnh sát cơ động phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ chỉ huy, điều khiển giao thông trong giờ cao điểm từ ngày 6/1 đến hết ngày 15/2.
“Trong quá trình làm nhiệm vụ, tập trung chủ yếu vào công tác hướng dẫn, phân luồng, vận động người tham gia giao thông chấp hành nghiêm các quy định về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị; không xử lý vi phạm trong giờ cao điểm, trừ các trường hợp cố tình không chấp hành, gây cản trở giao thông; kịp thời xử lý, giải quyết ngay các trường hợp phức tạp liên quan đến trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là các nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông” – Đại tá Đào Vịnh Thắng lưu ý.
Cũng vào dịp này, Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội phối hợp với các phòng nghiệp vụ của Sở Giao thông vận tải và các đơn vị chức năng khảo sát các tuyến, nút, điểm giao cắt chưa hợp lý về tổ chức giao thông để tổ chức phân luồng, điều chỉnh chu kỳ đèn phù hợp nhằm giảm nguy cơ ùn tắc.

Đồng thời, tổ chức làm việc với các chủ đầu tư, nhà thầu các công trình, dự án xây dựng trên các tuyến đường, phố để kịp thời thu dọn nguyên vật liệu, phương tiện máy móc… không để bừa bãi, gây cản trở, ùn tắc giao thông; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định về thi công, bảo trì công trình trong phạm vi đất dành cho đường bộ...
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, Sở đã phối hợp Công an thành phố và các quận, huyện rà soát những điểm có nguy cơ ùn tắc để có giải pháp phân luồng phù hợp với thực tế và lưu lượng phương tiện tại từng thời điểm; đồng thời tiếp tục kiểm tra, điều chỉnh phương án tổ chức giao thông và tổ chức các tuyến buýt kết nối để nâng hiệu quả tuyến buýt nhanh BRT, đồng thời tăng cường lực lượng chốt trực trong khung giờ cao điểm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục