Giảm thất thoát, lãng phí thực phẩm bằng giải pháp công nghệ

17:11' - 07/03/2018
BNEWS Ứng dụng công nghệ lạnh – mát vào chuỗi thực phẩm, nông sản góp phần rất lớn vào việc giảm lãng phí, thất thoát thực phẩm.
Giảm thất thoát, lãng phí thực phẩm bằng giải pháp công nghệ. Ảnh minh họa: TTXVN

Ngày 7/3, tại Hội nghị Cung ứng lạnh Toàn cầu 2018 diễn ra ở Tp. Hồ Chí Minh, ông David Appel, Chủ tịch Carrier Transicold & Refrigeration Systems, cho biết việc ứng dụng công nghệ lạnh – mát vào chuỗi thực phẩm, nông sản không chỉ giúp sản phẩm tươi, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. Đồng thời, góp phần rất lớn vào việc giảm lãng phí, thất thoát thực phẩm, tạo ra nhiều hơn lượng lương thực và giảm lượng khí thải trong việc sản xuất lương thực.
Theo ông David Appel, công nghệ và giải pháp mới không chỉ giúp cho chuỗi cung ứng lạnh-mát quản trị hiệu quả hơn, mà còn giúp giảm khí thải CO2, tăng cường hoạt động thương mại giữa các nước, giúp cải thiện nạn đói.

Do đó, việc kêu gọi và tập trung được nhiều chuyên gia thế giới đại diện cơ quan chính quyền, khối kinh tế tư nhân, khối khoa học - nghiên cứu để cùng thảo luận và chung tay triển khai các chiến lược, giải pháp thiết thực giúp giảm lãng phí thực phẩm tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Thống kê trên toàn thế giới, chỉ có 10% lượng thực phẩm – nông sản tươi sống được bảo quản lạnh-mát. Đây là cơ hội để cắt giảm lãng phí thực phẩm và cải thiện việc phân phối thực phẩm hiệu quả hơn thông qua ứng dụng công nghệ bảo quản lạnh – mát trên chuỗi. Tuy nhiên, để có thể ứng dụng thành công và hiệu quả nhất, các đơn vị tham gia chuỗi chuỗi thực phẩm, nông sản, cần phải hiểu nhu cầu thực tế tại từng địa phương cũng như các thị trường.
Chia sẻ về hiện trạng thất thoát nông sản tại Việt Nam, ông Julien Brun, chuyên gia đến từ nước Pháp, cho rằng với nền tảng sản xuất nông nghiệp và mức tăng trưởng kinh tế nhanh, Việt Nam cũng gặp nhiều thách thức trong lãng phí thực phẩm, nông sản trên chuỗi cũng như khó khăn trong việc quản trị logistics cho chuỗi cung ứng lạnh-mát như các quốc gia đang phát triển khác.
Đồng tình với quan điểm này, các chuyên gia Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp cho rằng, những điểm nghẽn trong thất thoát, lãng phí nông sản, thực phẩm Việt Nam là sản xuất quy mô nhỏ lẻ, manh mún.

Đặc biệt, chi phí cho logistics cao chiếm tới 21% - 25% GDP hàng năm, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, chính sách ưu tiên cho các doanh nghiệp đầu tư chuỗi cung ứng lạnh-mát, người tiêu dùng, nhà quản lý chưa quan tâm đến việc bảo quản thực phẩm an toàn trong kho lạnh,…
Chính vì vậy, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực hơn của các nhà trong việc nghiên cứu và đánh giá các cơ hội cũng như giải pháp quản trị cung ứng lạnh-mát để khắc phục việc thất thoát nông sản, lập và phân chia công việc trong kế hoạch hành động để cùng nhau giảm lượng thất thoát hiện tại.
Ông Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Trung tâm Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp Nông thôn Việt Nam, cho hay chiến lược tái cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam là tổ chức lại sản xuất quy mô lớn, phát triển kinh tế hợp tác, tăng cường liên kết chuỗi, khuyến khích đầu tư tư nhân, nâng cao hiệu quả đầu tư công; trong đó, ngành nông nghiệp Việt Nam đã và đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển công nghệ chế biến tinh, chế biến sâu, đổi mới công nghệ.../.

>>>Nguyên nhân nào khiến nông sản Việt kém cạnh tranh?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục