Góc nhìn đa chiều về thực trạng lao động trong khu vực doanh nghiệp FDI

11:44' - 19/06/2018
BNEWS Thu hút FDI thời gian tới được xác định phải chuyển đổi theo hướng từ thu hút số lượng sang chất lượng, chuyển dần thu hút với lợi thế giá nhân công rẻ sang cạnh tranh bằng nguồn lực chất lượng cao.
Hội thảo Lao động trong khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực trạng và giải pháp. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN
Sáng 19/6, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo về lao động trong khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhằm tập trung phản ánh góc nhìn đa chiều về thực trạng lao động trong khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phù hợp với định hướng thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, cạnh tranh thu hút FDI ngày càng gay gắt, việc thu hút FDI thời gian tới đã được Việt Nam xác định phải chuyển đổi theo hướng từ thu hút số lượng sang chất lượng, thu hút công nghệ cao, thân thiện với môi trường và nhất là chuyển dần thu hút đầu tư nước ngoài với lợi thế giá nhân công rẻ sang cạnh tranh bằng nguồn lực chất lượng cao.

“Do đó, chúng ta cần rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng tình hình lao động của khu vực doanh nghiệp FDI thời gian qua về kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân để từ đó đề ra những giải pháp phù hợp, có tính đột phá nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của lao động trong khu vực FDI, tận dụng tối đa dòng vốn FDI thế giới đang có xu hướng đổ về các nước châu Á; trong đó có Việt Nam”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng mong muốn.

Tiến sỹ Lê Văn Hùng, Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, vốn FDI có vai trò quan trọng đối với tăng trưởng năng suất lao động của nước nhận đầu tư. Ở khía cạnh tác động trực tiếp, vốn FDI giúp dịch chuyển cơ cấu lao động trong nước từ nhóm ngành có năng suất lao động thấp sang nhóm ngành có năng suất lao động cao hơn.

Bên cạnh đó, các nước nhận đầu tư kỳ vọng rằng, các doanh nghiệp FDI với lợi thế về công nghệ, về thị trường, quản lý sẽ có mức năng suất lao động cao hơn so với khu vực ở trong nước.

Ở khía cạnh tác động gián tiếp, vốn FDI tạo ra hiệu ứng tràn về công nghệ và kỹ năng đối với khu vực nội địa thông qua liên kết sản xuất giữa 2 khu vực. Hơn nữa, sự hiện diện của khu vực FDI làm gia tăng áp lực cạnh tranh buộc các doanh nghiệp nội địa cải tiến của họ. Từ đó, khu vực FDI sẽ tạo ra hiệu ứng tràn cho khu vực nội địa và gián tiếp cải thiện năng suất lao động chung.

Ông Hùng cũng cho biết, tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam dần được cải thiện và đạt tốc độ tăng trưởng khá cao, đặc biệt giai đoạn 2014-2016 đạt bình quân 5,5%/năm.

Giữa các thành phần kinh tế, khu vực FDI luôn có năng suất lao động tuyệt đối cao nhất so với khu vực nhà nước, đặc biệt khi so sánh với khu vực ngoài nhà nước. Yếu tố chính dẫn đến kết quả chênh lệnh này do khu vực FDI tập trung chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến trong khi khu vực nội địa lao động vẫn tập trung chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp và khu vực phi chính thức, những ngành có năng suất lao động tuyệt đối thấp.

Thứ trưởng Thắng cũng cho rằng, khu vực FDI cũng bộc lộ những bất cập như trong công nghiệp các dự án FDI chủ yếu tập trung vào lắp ráp, gia công, tỷ lệ nội địa hóa thấp, giá trị tạo ra tại Việt Nam không cao.

FDI chưa tạo được mối liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp Việt Nam để cùng tham gia chuỗi giá trị, chưa thúc đẩy được công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển. Hoạt động chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm quản lý chưa đạt như kỳ vọng.

Đóng góp ngân sách nhà nước chưa tương xứng, một số doanh nghiệp có hiện tượng chuyển giá, trốn thuế hoặc vi phạm các quy định về xử lý môi trường…

Để nâng cao hiệu quả năng suất lao động từ khu vực doanh nghiệp FDI, Tiến sỹ Lê Văn Hùng khuyến nghị, Việt Nam cần chú ý tới chất lượng của dòng vốn FDI thu hút thay vì số lượng.

Trong giai đoạn tới, thu hút vốn FDI cần gắn chặt với chiến lược phát triển quốc gia, chỉ tập trung ưu tiên thu hút một số ngành, lĩnh vực có lợi thế so sánh theo từng vùng, đặc biệt ưu tiên những doanh nghiệp chế biến sâu, công nghệ cao, năng lượng mới để tạo hiệu ứng lan tỏa lớn đối với nền kinh tế trong dài hạn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, Nguyễn Văn Phong cho biết, sự gia tăng lao động làm việc tại các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh liên tục đặt ra nhiều vấn đề xã hội như: nhà ở cho công nhân, y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng đô thị, giao thông…

Do đó, việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ người lao động làm việc tại các doanh nghiệp FDI là cần thiết.

Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, ông Phạm Văn Cộng cho rằng, cần chuyển hướng thu hút FDI trong thời gian tới theo hướng tăng chất lượng, tăng nhanh ngành dịch vụ công nghiệp kỹ thuật cao, đặc biệt chú trọng thu hút các dự án công nghiệp hỗ trợ.

Bên cạnh đó, cần xây dựng thí điểm vài khu công nghiệp sinh thái hướng tới chỉ thu hút các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa cùng ngành, cùng lĩnh vực và có liên kết, hỗ trợ nhau phát triển.

“Chẳng hạn, vùng Tây Nguyên có thể xây dựng khu công nghiệp riêng cho những doanh nghiệp sản xuất chế biến cà phê, cao su; vùng đồng bằng sông Cửu Long có riêng khu công nghiệp chế biến các sản phẩm/thành phẩm liên quan tới thủy sản, trái cây hay các sản phẩm liên quan tới gạo”, ông Lê Văn Hùng khuyến nghị./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục