Hải Phòng phát huy vai trò cửa chính ra biển của tuyến hành lang kinh tế

10:06' - 24/11/2017
BNEWS Hải Phòng đang ưu tiên nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại nhằm phát huy vai trò cửa chính ra biển của tuyến hành lang kinh tế.
Hải Phòng phát huy vai trò cửa chính ra biển của tuyến hành lang kinh tế. Ảnh minh họa: TTXVN

Yếu tố về cơ sở hạ tầng là nền tảng quan trọng để kết nối giao thông, hợp tác phát triển toàn diện giữa Hải Phòng với các địa phương trong tuyến hành lang kinh tế. 

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Xuân Bình, điểm đột phá về giao thông đồng bộ của thành phố là tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và tuyến đường Tân Vũ - Lạch Huyện, cầu vượt biển Đình Vũ - Cát Hải đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, kết nối với tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai, tạo ra tuyến đường cao tốc xuyên suốt từ Lào Cai đến Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, rút ngắn thời gian hành trình xuống còn hơn 6 tiếng. 

Cùng với việc khánh thành cầu Bắc Luân 2 vào tháng 9/2017, thời gian tới, khi tuyến cao tốc Hải Phòng - Hạ Long hoàn thành vào đầu năm 2018, sẽ kết nối liên hoàn, toàn tuyến đường bộ cao tốc xuyên suốt từ Côn Minh (Vân Nam) tới Hạ Long (Quảng Ninh), tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển vận tải hàng hoá và du lịch với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. 
Ông Nguyễn Xuân Bình nhìn nhận cảng biển Hải Phòng là một trong những điểm mấu chốt trong hợp tác phát triển 5 tỉnh, thành phố tuyến hành lang kinh tế Việt Nam - Trung Quốc bởi đây là cửa chính ra biển của các tỉnh miền Bắc Việt Nam, là đường ra biển ngắn nhất của khu vực tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. 

Ngoài 42 bến cảng với tổng chiều dài cầu cảng xếp dỡ hàng hóa trên 10,7 km, có khả năng nhận tàu trọng tải 55.000 DWT, Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện - cảng nước sâu trọng điểm của quốc gia được khẩn trương triển khai xây dựng, dự kiến đưa vào khai thác năm 2018. 

Khi đó, Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng sẽ có khả năng đón tàu trọng tải 100.000 DWT, tiếp nhận khoảng 900.000 TEU/năm, có thể đưa hàng hóa xuất, nhập khẩu của cả khu vực đi thẳng tới thị trường châu Âu, châu Mỹ kèm theo hệ thống phụ trợ phục vụ dịch vụ logistics.
Không chỉ có lợi thế về cảng biển, Hải Phòng còn có những thuận lợi về giao thương bằng đường hàng không. Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi, Hải Phòng đã được đầu tư nâng cấp và hoàn toàn có đủ điều kiện tiếp nhận các tàu bay theo tiêu chuẩn sân bay hiện đại cấp 4E, phục vụ các tuyến bay quốc tế (hiện đã mở nhiều đường bay nội địa và đường bay quốc tế tới Hàn Quốc, Thái Lan…).

Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi, Hải Phòng. Ảnh: Hoàng Ngọc/TTXVN

Theo dự kiến, Hải Phòng sẽ triển khai xây dựng tiếp các công trình nhà ga số 2 Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, cầu Đình Vũ - Cát Hải số 2 và tiếp tục xây dựng các bến tiếp theo của Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng…
Nhìn nhận rõ tiềm năng, lợi thế liên kết vùng của các địa phương, tại Hội nghị Hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) lần thứ 8 diễn ra tại Hải Phòng, từ ngày 21 - 24/11/2017, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh Lê Quang Tùng chia sẻ, hết năm 2017, hệ thống đường cao tốc Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai chính thức hoàn thành đi vào hoạt động.
Đây chính là cơ hội và điều kiện thuận lợi để thúc đẩy mở rộng hợp tác giữa Quảng Ninh với các tỉnh, thành phố trong hành lang kinh tế. Theo đó, các thành viên của hành lang nên tích cực thúc đẩy hoạt động vận tải, xuất nhập khẩu hàng hóa, du lịch nhằm khai thác tối đa hiệu quả của tuyến đường cao tốc này.
Cũng theo ông Lê Quang Tùng, tiềm năng hợp tác phát triển du lịch giữa 5 tỉnh, thành phố là rất lớn, do đó nên cùng nhau nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc riêng hành lang kinh tế, chẳng hạn như mô hình "Hai quốc gia, năm điểm đến".
Thông qua mô hình này, tổ chức kết nối các điểm danh lam thắng cảnh của 5 tỉnh, thành phố, hình thành nên các tuyến du lịch hấp dẫn khách du lịch, tiến hành trao đổi nguồn khách du lịch cho nhau; nghiên cứu phát triển các sản phẩm du lịch mới như xe ô tô tự lái qua biên giới, du lịch trải nghiệm, khám phá, vui chơi giải trí cao cấp…

5 tỉnh, thành phố cùng nhau thiết lập cơ chế trao đổi thông tin, hợp tác đào tạo nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực du lịch, hợp tác xây dựng môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh đem lại sự hài lòng cho du khách và lợi ích của các thành viên.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng khẳng định, nhờ có hệ thống giao thông đồng bộ, cùng với sự hợp tác hiệu quả của các địa phương trong hành lang kinh tế đã đưa Hải Phòng trở thành một trong 10 địa phương hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư.
Năm 2017, thành phố Hải Phòng là điểm sáng về phát triển kinh tế của Việt Nam, với tổng sản phẩm trong nước tăng 14,01%, gấp 2,7 lần bình quân chung cả nước; chỉ số phát triển công nghiệp tăng 21,6% so với năm 2016 và đứng đầu toàn quốc; kinh ngạch xuất khẩu tăng 21,2 % và thu ngân sách nội địa tăng 26,3 % so với năm 2016.
Sản lượng hàng hóa qua cảng năm 2017 đạt 92 triệu tấn và dự kiến năm 2018 sẽ vượt mốc trên 100 triệu tấn. Khách du lịch đến với Hải Phòng trong năm 2017 ước đạt trên 6,7 triệu lượt, tăng 12,45%... Những con số ấn tượng này khẳng định, Hải Phòng đã và đang là một trong những đầu tàu phát triển kinh tế, xã hội, tạo sức lan tỏa cho vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục