Hải Phòng: Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

10:35' - 17/08/2017
BNEWS Mô hình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Hải Phòng bước đầu phát huy hiệu quả, mang lại lợi ích kinh tế cho địa phương.
Hải Phòng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: TTXVN

Muốn phát triển nông nghiệp công nghệ cao phải có cơ sở hạ tầng, vốn đầu tư và người thực hiện. Từ những mô hình tiên phong tại Hải Phòng cho thấy, nếu người dân “đo” được hiệu quả của một mô hình kinh tế mới, họ sẽ đồng thuận trong việc tích tụ ruộng đất. Tuy nhiên, để nền nông nghiệp công nghệ cao phát triển, cần những điều kiện thiết yếu khác. 

Mô hình điểm tại huyện Vĩnh Bảo 

Vĩnh Bảo là một trong những huyện có diện tích đất nông nghiệp lớn nhất hiện nay tại Hải Phòng. Do công việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp đòi hỏi công sức, chi phí lớn nhưng hiệu quả thu về thấp nên tình trạng nông dân bỏ ruộng đi làm công nhân, ruộng đất bỏ hoang không phải là hiếm tại đây.

Từ cuối năm 2015, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy mô lớn được đầu tiên đầu tư tại Hải Phòng là dự án VinEco của Tập đoàn Vingroup.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Bảo Trịnh Khắc Tiến cho biết: “Dự án VinEco có tổng diện tích là 250 ha, nằm trên địa bàn hai xã Tân Liên, Tam Đa. Đến thời điểm này mặt bằng đã cơ bản được bàn giao cho doanh nghiệp. VinEco cũng đã đi vào sản xuất giai đoạn 1 với gần 46 ha.

Sản lượng rau, quả các loại thu hoạch của dự án trung bình đạt 3.000 đến 3.500 kg/ ngày, giải quyết việc làm cho khoảng 120-130 lao động, với mức lương trung bình từ 3-4 triệu đồng/ người”.

Để có mặt bằng giao cho VinEco, thành phố Hải Phòng đã hỗ trợ mức đền bù giá đất tính bằng 100% giá đất nông nghiệp do Ủy ban nhân dân thành phố ban hành. Cùng với đó, chính quyền và doanh nghiệp kết hợp chặt chẽ với nhau để tuyên truyền, vận động người dân hiểu ý nghĩa của việc sản xuất hàng hóa có giá trị và chất lượng sản phẩm.

Trong công tác tuyên truyền, tính sáng tạo và linh hoạt đặt lên hàng đầu. Có khi là lãnh đạo huyện, xã trực tiếp đối thoại với người dân, nhưng cũng có lúc trưởng họ, trưởng thôn vận động người thân trong dòng họ và trong thôn mình ủng hộ chủ trương lớn của huyện và thành phố.

Cũng có những hộ gia đình, doanh nghiệp phải xuống trực tiếp để thỏa thuận, thống nhất về phương án thuê đất. Theo cách làm đó, nhiều thửa ruộng manh mún, bị bỏ hoang đã trở thành các khu sản xuất nông nghiệp tập trung, trang trại, gia trại.

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Bảo, toàn huyện 11 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích là 1.547 ha; có 6 mô hình tích tụ ruộng đất, với tổng diện tích là 132 ha để liên kết sản xuất hàng hóa theo hướng tập trung.

Huyện cũng đã xây dựng các vùng tập trung khác gồm 10 vùng chăn nuôi lợn, gia cầm với tổng diện tích 45 ha; có 21 vùng thủy sản, tổng diện tích là 159, 2 ha đang triển khai thực hiện.

Trong nhiều cuộc họp, lãnh đạo thành phố Hải Phòng khẳng định, từ mô hình của Vĩnh Bảo, thành phố sẽ xem xét và nhân rộng ở một số địa phương có thế mạnh về nông nghiệp khác như huyện An Dương, huyện Kiến Thụy để nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, cải thiện thu nhập cho người dân. 

Trăm nghe không bằng một thấy 

Muốn người dân tin vào giá trị của sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, không có gì chứng minh tốt bằng thực tế. Bà Đỗ Thị Duyên, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thực phẩm xanh Kỳ Duyên Việt Nam, thôn Đại Nỗ, xã Hùng Tiến, huyện Vĩnh Bảo cho biết, doanh nghiệp của bà thành lập từ giữa năm 2016.

Thời điểm khởi đầu, bà Duyên thuê đất của các hộ dân trong một thôn với giá 120 kg thóc/1 sào lúa/ năm. Khi người dân trong xã thấy hiệu quả từ việc cho thuê đất tốt hơn việc tự trồng cấy, nhiều hộ chủ động cho bà Duyên thuê nhưng cũng có những hộ, bà Duyên phải kết hợp với thôn, xã để vận động.

Đến nay doanh nghiệp đã tích tụ được 12,8 ha đất. Sản phẩm của công ty Kỳ Duyên được gắn mác truy xuất nguồn gốc, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Tuy mới sản xuất ở quy mô nhỏ nhưng do áp dụng máy móc vào sản xuất, xây dựng hệ thống nhà lưới nên hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với sản xuất nông nghiệp theo cách truyền thống.

Để sản xuất nông nghiệp cao đạt hiệu quả, theo bà Đỗ Thị Duyên, vai trò của người “cầm lái” doanh nghiệp rất quan trọng vì vướng nhất trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là đầu ra cho sản phẩm.

Nếu không có đầu mối tiêu thụ rau, củ quả sản xuất đúng quy trình nông nghiệp sạch thì doanh nghiệp không thể trụ vững. Bên cạnh đó, vốn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao không hề nhỏ, doanh nghiệp rất cần cơ chế hỗ trợ đặc thù.

Hỗ trợ vốn, kinh nghiệm, quy hoạch được vùng sản xuất tập trung là yếu tố quyết định thành công trong xây dựng các vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Xã Đặng Cương, huyện An Dương là một trong những đơn vị tiên phong chuyển đổi mô hình phát triển nông nghiệp.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đặng Cương Trương Văn Thiết cho biết: Xã Đặng Cương đã chuyển đổi mô hình từ trồng lúa sang trồng hoa được gần 30 năm. Lúc đầu người dân trồng manh mún, nhỏ lẻ. Nhận thấy chất đất của xã tốt, hợp với nghề này nên lãnh đạo xã Đặng Cương đã quy hoạch riêng vùng trồng hoa, tập trung nguồn lực làm hệ thống đường xá, thủy lợi.

Đến nay Đặng Cương đã thành vùng hoa có tiếng ở Hải Phòng. Khi thấy hiệu quả kinh tế từ hoa tốt lên, người dân tự dồn điền, đổi thửa, đổi ruộng đất cho nhau có sự giám sát, quản lý của chính quyền địa phương./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục