Hành trình của đồng vốn ưu đãi: Có "bột mới gột nên hồ"

14:27' - 16/09/2017
BNEWS Những câu chuyện về người nông dân thoát nghèo từ nguồn vốn nhỏ dường như không bao giờ dừng lại trong dòng chảy của thời gian.
Hành trình của đồng vốn ưu đãi: Có "bột mới gột nên hồ". Ảnh minh hoạ: Hoàng Nguyên-TTXVN

Đó không còn là vấn đề không mới nhưng luôn là những câu chuyện thú vị, như những tấm gương sáng trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực mang lại diện mạo mới cho khu vực nông thôn.

Gia đình chị Bùi Thị Thoại ở thôn Đồng Chay, xã Vân Hoà, Ba Vì, Hà Nội là một minh chứng rõ nét. Gặp chúng tôi trong buổi sáng mùa hè đầy nắng trên miền đất bán sơn địa Ba Vì, chị Thoại không ngần ngại kể câu chuyện thoát nghèo của gia đình mình.

Với chất giọng mộc mạc và gương mặt hiền hoà chị Thoại kể, năm 2005, gia đình chỉ có 2 gian nhà tranh, cuộc sống rất thiếu thốn. Khi ấy, khao khát của vợ chồng chị là có căn nhà ngói và cuộc sống đủ ăn, đủ tiêu.

Rồi như “chết đuối vớ được c

ọc”, chị Thoại biết đến nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội. Khi ấy, với khoản tiền 5 triệu đồng vay được chị mua ngay một con bê. Trong niềm hy vọng tràn trề, chị coi chú bê nhỏ như tài sản quý trong nhà và cần mẫn chăm sóc.

Và niềm vui vỡ oà khi chú bê lớn nhanh và chẳng bao lâu đẻ tiếp bê con. Nhờ đó, chị Thoại bán được chú bê và trả lãi đúng hạn cho Ngân hàng Chính sách Xã hội.

Điều đáng nói, sau khi trả hết gốc và lãi cùng với sự cần cù làm lụng đã giúp gia đình chị Thoại thoát nghèo và năm 2008 chị vay thêm 10 triệu đồng nữa theo chương trình hộ mới thoát nghèo.

Thêm vốn, chị Thoại lại tiếp tục mua thêm bê sữa, rồi tiếp tục chăm chút từ bê nhỏ thành bò to. Cứ thế, những chú bê sinh sôi nảy nở và đến nay gia đình chị đã có 4 con bò sữa cho thu nhập trung bình mỗi tháng 15 triệu đồng.

Chị Thoai vui mừng chia sẻ: “Được Ngân hàng Chính sách Xã hội giúp đỡ nên tôi đã có nguồn vốn để chăn nuôi và từ vốn nhỏ đã sinh ra vốn lớn. Từ khi được vay vốn chăn nuôi, bò mua về chăn nuôi, vừa có sức kéo, khác hẳn trước kia không có bò thì phải đi thuê, cực lắm và thu nhập chẳng được bao nhiêu”.

Với triết lý “có bột mới gột nên hồ”, chị Thoại cho rằng khoản tiền được vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội tuy nhỏ nhưng là chiếc “phao cứu sinh” cho nhiều hộ nghèo.

Chị Thoại phân tích, người nghèo chỉ cần làm ăn nhỏ nên nguồn vốn nhỏ là phù hợp. “Có sức khoẻ và thêm chút vốn thì cái nghèo bỏ đi nhanh lắm. Như gia đình tôi chỉ khởi đầu bằng một con bê trị giá mấy triệu đồng. Có “chiếc cần câu” như vậy, cộng thêm sự chăm chỉ làm ăn rồi bê sẽ đẻ ra bê và tiền sẽ sinh sôi".

Giống như chị Thoại, anh Nguyễn Văn Duẩn ở xã Vân Hoà cũng thoát nghèo từ đồng vốn nhỏ của Ngân hàng Chính sách Xã hội. Anh Duẩn cho biết, khi mới lập gia đình vợ chồng anh hầu như không có tài sản gì, nhà thì đi ở nhờ. Tài sản lớn nhất là mảnh đất bố mẹ cho nhưng không thể dùng để kinh doanh hay làm gì để kiếm ra tiền.

Năm 2009, anh Duẩn được vay 15 triệu đồng từ vốn chính sách. Mừng khôn tả và anh đánh liều mua một con bò sinh sản đang bị bệnh bởi với khoản tiền nhỏ như vậy thì không thể mua con bò khoẻ được.

Anh Duẩn chia sẻ, sở dĩ anh “làm liều” như vậy là bởi anh đã có sẵn nghề thú ý trong tay. Với sự tự tin vào khả năng của chính mình, anh Duẩn mang bò về tận tình chăm sóc và chữa bệnh. May mắn thay chú bò nhanh chóng khỏi bệnh và hàng ngày cho sữa với sản lượng khá cao.

“Cứ nuôi rồi sinh sản, cho thu nhập rồi mua thêm, giờ tôi đã có 4 con bò; trong đó 1 bò sữa, 3 bò đẻ. Riêng chú bò sữa mỗi ngày cho thu nhập trừ chi phí còn khoảng 200.000 đồng. Thế mới thấy, thoát nghèo không khó, chỉ cần có chút vốn, sự chăm chỉ và một chút “liều” thì nghèo mấy cũng vượt qua được”, anh Duẩn không dấu nổi niềm tự hào nói.

Không riêng gì chị Bùi Thị Thoại hay anh Nguyễn Văn Duẩn, nhiều hộ nông dân tại Ba Vì đã thoát nghèo từ nguồn vốn nhỏ. Đây là điều mà ai cũng nhận ra khi tiếp cận với bà con nơi đây. Tuy nhiên, nguồn vốn này hiện nay vẫn chưa thể “phủ sóng” rộng rãi cho toàn miền bán sơn địa với đa phần là bà con dân tộc thiểu số.

Một thực tế dễ nhận thấy là số hộ nghèo có nhu vầu vốn còn nhiều nhưng nguồn vốn thì có hạn và bà con phải kiên nhẫn chờ đến lượt được vay. Chị Đào Thị Thoan, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Vân Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội chia sẻ: "Nguồn vốn này có lãi suất thấp, tạo điều kiện cho nhiều chị em phát triển kinh tế, từ hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Rất nhiều chị em vươn lên thoát nghèo chỉ từ một con bò, nhờ đó nhiều gia đình đã có cuộc sống ổn định với 3 -5 con bò".

Tuy nhiên, điều mà chị Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Vân Hoà còn băn khoăn là hộ nghèo của xã hiện còn khá nhiều với khoảng 13%. Còn nhiều hộ có nhu cầu vay, muốn được vay nhưng nguồn vốn có hạn nên các chị em thường phải chờ đợi vốn quay vòng. Đây cũng là sự bất lợi và có một số trường hợp đã tái nghèo trở lại khi nguồn vốn bị “đứt đoạn”.

Kiến nghị của chị Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Vân Hoà chỉ đơn giản là nhiều người nghèo được tiếp cận với “vốn rẻ” hơn. Thêm vốn thêm cơ hội đổi đời cho người nghèo ! Đây cũng là mong muốn của nhiều bà con ở huyện Ba Vì.

Rời xa cái nghèo được nhiều năm nhưng chị Thoại vẫn không quên nghĩ cho bà con chòm xóm. Chia tay chúng tôi, chị Thoại nhắn nhủ: “Tôi luôn mong muốn để bà con toàn xã ai cũng được tiếp cận với vốn ưu đãi. Hiện tại xã Vân Hoà còn nhiều hộ có nhu cầu vay vốn để thoát nghèo. Giá mà tất cả các hộ nghèo ở đây có được niềm vui như gia đình tôi”./.

>> Những "cánh tay nối dài" trong hành trình dẫn vốn đến với người nghèo

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục