Hạt điều Bình Phước được chứng nhận chỉ dẫn địa lý

09:50' - 09/04/2018
BNEWS Sản phẩm hạt điều Bình Phước vừa được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Tỉnh này cũng đang xây dựng thương hiệu sản phẩm điều Bình Phước trở thành thương hiệu quốc gia.
Chế biến hạt điều xuất khẩu tại Công ty cổ phần Nhật Huy. Ảnh: Đình Huệ/TTXVN

Chỉ dẫn địa lý hạt điều Bình Phước bao gồm: vùng nguyên liệu sản xuất và sản phẩm hạt điều nguyên liệu, hạt điều nhân, hạt điều rang muối...

Hạt điều Bình Phước nổi tiếng cả nước và xuất khẩu đến hàng chục nước trên thế giới. Hạt điều Bình Phước với đặc điểm chắc, mẩy, cuống hạt phình to, bề mặt vỏ cứng sáng, mịn, bóng, lắc hạt ít kêu hoặc không kêu, thân hạt điều nguyên liệu dày, kích thước bề dày từ 14,5mm - 18mm, tỷ lệ nhân thành phẩm thu hồi không nhỏ hơn 30% tính theo khối lượng, số lượng không lớn hơn 200 hạt/kg, khối lượng hạt từ 5g/hạt - 6g/hạt.

Về sản phẩm chế biến như hạt điều rang muối gồm có hai loại: có vỏ lụa hoặc không có vỏ lụa. Hạt điều rang muối Bình Phước có đặc điểm khi tách đôi nhân hạt điều thấy khe hở giữa nhỏ, không có muối đọng. Hàm lượng chất béo không nhỏ hơn 43%, hàm lượng carbohydrat lớn hơn 23%. Hàm lượng chất béo và hàm lượng carbohydrat cao lý giải cho đặc điểm hạt điều rang muối Bình Phước có vị ngọt, thơm, béo ngậy.

Những tính chất, chất lượng đặc thù làm nên thương hiệu hạt điều Bình Phước là nhờ vùng đất này có địa lý thiên nhiên phù hợp để phát triển vùng nguyên liệu và chế biến hạt điều. Kinh nghiệm của bà con nhà nông đã trải quan hàng chục năm canh tác và chế biến, đến nay đã áp dụng công nghệ cao nên cho ra sản phẩm ngày càng chuyên sâu, đáp ứng đa dạng khách hàng, nâng cao giá trị sản phẩm.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Văn Lợi, sau 20 năm tái lập tỉnh Bình Phước đưa cây điều vào chương trình cây “xóa đói giảm nghèo” và làm giàu cho người nông dân; trong đó, ưu tiên xóa nghèo cho vùng đặc biệt khó khăn như đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Đến nay, tỉnh mới được công nhận chứng nhận về chỉ dẫn địa lý. Việc có chứng nhận chỉ dẫn địa lý sẽ rất có lợi cho cây điều và sản phẩm điều của tỉnh, góp phần xây dựng thương hiệu, phục vụ xuất khẩu có trích xuất nguồn gốc, đáp ứng ngày càng cao của khách hàng.

Bình Phước hiện hình thành vùng nguyên liệu trồng điều lên đến hơn 150.000 ha. Tỉnh trở thành “thủ phủ” điều của cả nước ( chiếm 50% diện tích điều cả nước). “Thủ phủ” Bình Phước hiện có hơn 200 doanh nghiệp và hơn 400 cơ sở chế biến điều; trong đó, có 31 doanh nghiệp lớn với tổng công suất khoảng 82.000 tấn/năm, sản phẩm đã được xuất khẩu đến 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 50.000 lao động và hàng ngàn lao động trực tiếp sản xuất và thu gom điều tại vườn.

Đối với nông dân đang sống nhờ kinh tế vườn điều lên đến 75.000 hộ; trong đó, tập trung phần lớn hộ gia đình dân tộc thiểu số. Khu vực phân bố về địa lý trồng điều trên “ thủ phủ” Bình Phước với hầu hết các huyện, thị và nhiều xã.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục