Hình ảnh xấu của du khách Việt khi đi du lịch đã giảm bớt

11:46' - 09/04/2017
BNEWS Chiến dịch “Nâng cao hình ảnh du khách Việt” này đã góp phần giảm thiểu những hình ảnh xấu xí của du khách Việt khi đi du lịch ở trong, ngoài nước.
Hình ảnh xấu xí của du khách Việt khi đi du lịch đã giảm bớt. Ảnh minh họa: TTXVN.

Tọa đàm “Nâng cao hình ảnh du khách Việt – Một năm nhìn lại” là chủ đề cuộc tọa đàm diễn ra sáng 9/4 trong khuôn khổ Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam 2017 ở Hà Nội. Cuộc tọa đàm do Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Câu lạc bộ Nhà báo du lịch phối hợp tổ chức.
Theo tổng kết của Câu lạc bộ Nhà báo du lịch: Trong một năm qua, ngành du lịch, cơ quan quản lí du lịch, Hiệp hội Du lịch các địa phương, doanh nghiệp, báo chí, người làm du lịch đã chủ động vào cuộc triển khai chiến dịch “Nâng cao hình ảnh du khách Việt” trong cả nước.

Chiến dịch này đã góp phần giảm thiểu những hình ảnh xấu xí của du khách Việt khi đi du lịch ở trong, ngoài nước. Tuy nhiên, giảm không có nghĩa là không còn. Những hình ảnh xấu xí của du khách khi đi du lịch vẫn xảy ra và bị cộng đồng lên án mạnh mẽ.

Trong đó có thể kể đến sự việc 2 thanh niên chụp ảnh khỏa thân ở đỉnh Pha Luông, Sơn La (tháng 10/2016); Đại hồng chung ở chùa Thiên Mụ (Thừa Thiên – Huế) là bảo vật quốc gia đã bị nhiều du khách viết, vẽ bậy lên; du khách xả rác ở quảng trường Lâm Viên, Đà Lạt đầu năm 2017; du khách ăn mặc phản cảm khi đi lễ chùa…
Tại cuộc tọa đàm, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: Quy tắc ứng xử trong du lịch và cả trong cuộc sống đang trở thành nhu cầu cấp bách của xã hội hiện nay do sự xuống cấp về đạo đức, lối sống làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của đất nước Việt Nam không chỉ trong lĩnh vực du lịch.

Do đó, năm 2016, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã nhạy bén phát động chiến dịch “Nâng cao hình ảnh du khách Việt” và đưa ra lời khuyên về 10 hành động đẹp trong ứng xử khi đi du lịch trong và ngoài nước. Điều đáng mừng là chiến dịch này không chỉ nhận được sự hưởng ứng của các đơn vị, doanh nghiệp du lịch mà các Bộ, ngành, địa phương cả nước cũng phát động các chiến dịch ứng xử văn minh trong nhiều lĩnh vực.
Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch. Đây chính là tín hiệu tốt cho thấy sự quyết tâm của toàn ngành du lịch cũng như chính quyền các địa phương trong việc cải thiện, nâng cao hình ảnh của du lịch Việt Nam, hướng tới du lịch văn minh, thân thiện, hấp dẫn.

Tuy nhiên, để những quy tắc ứng xử văn minh này phát huy tác dụng trong thực tiễn cần sự vào cuộc tuyên truyền mạnh mẽ từ các địa phương, người dân, du khách và nhất là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch.
Nhiều địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Đà Nẵng, Lào Cai... đã ban hành bộ quy tắc ứng xử, hướng dẫn khách du lịch cách ứng xử đúng mực. Từ đầu năm 2016, ngành du lịch Đà Nẵng đã phát hành bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch bằng tiếng Việt và được minh họa bằng hình ảnh rất sinh động.

Tiếp đó, Đà Nẵng đã phát hành 5.000 bản in bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch bằng tiếng Trung Quốc cùng video quy tắc phát ở nơi công cộng như điểm du lịch, sân bay, nhà ga, khách sạn. Đồng thời, bộ quy tắc này cũng được gửi đến các công ty, đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành du lịch trên địa bàn để phổ biến trực tiếp đến du khách, đối tác gửi khách quốc tế đến Việt Nam để du khách nắm được trước khi du lịch đến Đà Nẵng.
Thành phố Hồ Chí Minh phát hành vào tháng 1/2017 và tháng 6/2017, mỗi đợt 75.000 bản quy tắc ứng xử bằng 5 thứ tiếng: Việt, Anh, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga.Thủ đô Hà Nội cũng đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố. Bộ Quy tắc quy định các quy tắc ứng xử chung và quy tắc ứng xử tại 9 nơi công cộng, định hướng cho các cá nhân, tổ chức những việc “nên làm” và “không nên làm” mà không phải là những quy định bắt buộc...
Du lịch Việt Nam trong những năm qua phát triển với tốc độ tương đối cao. Ngày càng có nhiều người Việt Nam đi du lịch nội địa và ra nước ngoài. Những thói quen xấu xí của người Việt khi đi du lịch đã xảy ra không chỉ ở trong nước mà còn ở nước bạn, ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh và uy tín quốc gia, tác động không nhỏ đến cộng đồng du lịch Việt Nam.

Có thể kể đến một số thói xấu thường gặp của người Việt khi đi du lịch như: Nói to ở nơi công cộng, “vô tư” hút thuốc nơi có biển cấm; xả rác bừa bãi; ăn cắp vặt; trang phục tùy tiện không phù hợp với địa điểm tham quan; ăn uống lãng phí…/.

Xem thêm:

>> Việt Nam tham gia Triển lãm Du lịch và Nghỉ dưỡng Ottawa 2017

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục