Thủ tướng: Ninh Bình phải là đại diện xứng đáng cho thương hiệu du lịch Việt Nam

19:22' - 07/04/2017
BNEWS Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, Ninh Bình đã chọn cho mình hướng đi đúng với du lịch, dịch vụ là mũi nhọn cùng với từng bước hình thành công nghiệp phụ trợ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Chiều 7/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn công tác của Chính phủ đã về làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Ninh Bình để cùng chính quyền địa phương tìm hướng đột phá cho kinh tế - xã hội Cố đô Hoa Lư “địa linh, nhân kiệt”.

Tại buổi làm việc, nhấn mạnh đến tiềm năng của vùng đất có biển, có núi rừng, có đồng bằng, có nguồn nhân lực chất lượng cao, dám nghĩ, dám làm, Thủ tướng đặt vấn đề, làm cách nào để Ninh Bình trở nên giàu có, giảm trợ cấp ngân sách từ Trung ương, góp phần tích cực hơn nữa vào thành tựu của cả nước?

Kinh tế tăng trưởng toàn diện

Với vị trí cực Nam đồng bằng sông Hồng, nối liền miền Bắc với miền Trung bởi dãy núi Tam Điệp hùng vĩ, không chỉ mang trên mình những dấu tích vàng son về truyền thống lịch sử, văn hóa từ ngàn xưa, Ninh Bình còn được biết đến là mảnh đất "sơn thanh, thủy tú".

Nơi đây có hàng trăm di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: Tam Cốc - Bích Động, Địch Lộng, Vân Trình.... Đặc biệt, tháng 6/2014, UNESSCO đã vinh danh Quần thể Danh thắng Tràng An của tỉnh Ninh Bình là "Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới".

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Đinh Văn Điến, năm 2016, kinh tế - xã hội của Ninh Bình tiếp tục có bước phát triển khá, thu ngân sách đạt 7.246 tỷ đồng. Trong phát triển công nghiệp, Ninh Bình xác định mũi nhọn là nhà máy ô tô Huyndai Thành Công để tập trung chính sách hỗ trợ phát triển.

Ninh Bình là địa phương thực hiện tốt việc tranh thủ các nguồn lực của doanh nghiệp trong đầu tư phát triển du lịch. Nhờ đó, lĩnh vực này vẫn là thế mạnh của tỉnh với lượng khách tham quan đạt 6,5 triệu lượt trong năm 2016, tăng 7% về doanh thu so với năm trước. Đặc biệt, tỉnh đang tập trung xây dựng mô hình du lịch văn minh, coi đây là hướng phát triển nổi bật của du lịch Ninh Bình.

Vui mừng trước những kết quả phát triển kinh tế - xã hội với tốc độ cao trên tất cả các lĩnh vực, đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, dù là một tỉnh nhỏ nhưng Ninh Bình phát triển tương đối toàn diện.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ với tỷ lệ sản xuất nông nghiệp chỉ còn chiếm 14%. Cơ sở hạ tầng, thu ngân sách tăng cao mạnh; công tác xây dựng nông thôn mới đứng ở tốp đầu cả nước; cải cách hành chính, chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh xếp thứ 19/63 tỉnh thành phố. Đặc biệt du lịch tăng trưởng mạnh mẽ, tổng vốn đầu tư phát triển nhất là đầu tư xã hội tăng hơn 12%.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng nhận định, Ninh Bình đã chọn cho mình hướng đi đúng với du lịch, dịch vụ là mũi nhọn cùng với từng bước hình thành công nghiệp phụ trợ.

Biểu dương thành tích của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ninh Bình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ rõ những bất cập mà tỉnh cần khắc phục như: Quy mô nền kinh tế còn rất khiêm tốn, nhiều lĩnh vực còn lạc hậu, hàm lượng khoa học công nghệ và năng suất lao động chưa cao. Tỉnh vẫn phải nhận trợ cấp từ ngân sách Trung ương, thu nhập bình quân đầu người thấp.

Tiềm năng du lịch chưa khai thác đúng mức; lượng khách lưu trú chưa cao; nguồn thu từ du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, cơ cấu du lịch trong GDP còn thấp. Ngoài ra, số lượng doanh nghiệp ở Ninh Bình còn thấp, dưới 6.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động.

Đặt ra những nhiệm vụ cho địa phương, Thủ tướng yêu cầu Ninh Bình quán triệt tinh thần quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả trong phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh trước mắt là phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch 2017.

Đến Việt Nam không thể không đến Ninh Bình

“Quyết tâm xây dựng Ninh Bình thành tỉnh giàu có, toàn diện, dựa trên nền tảng phát triển trung tâm dịch vụ du lịch độc đáo, tầm cỡ khu vực và quốc tế, đại diện xứng đáng cho thương hiệu du lịch Việt Nam. Phát triển mạnh mẽ công nghiệp phụ trợ và làng nghề truyền thống; đặc biệt là chú trọng phát triển nền nông nghiệp chất lượng cao và an toàn”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói như vậy về tầm nhìn phát triển của Ninh Bình.

Đề nghị Ninh Bình coi phát triển doanh nghiệp là nhiệm vụ then chốt trong kinh tế - xã hội, Thủ tướng đặt chỉ tiêu cho Ninh Bình phấn đấu có tối thiểu trên 10 ngàn doanh nghiệp vào năm 2020, nâng gấp đôi số lượng doanh nghiệp hiện nay trên địa bàn.

Thủ tướng chỉ đạo tỉnh tiếp tục rà soát, hoàn thiện và tăng cường quản lý quy hoạch ngành, vùng, đất đai, tài nguyên và phát triển đô thị; trong đó lưu ý đến việc giữ gìn, phát huy và xây dựng Khu di tích Bái Đính - Tràng An trở thành khu du lịch tâm linh, sinh thái nổi tiếng của Việt Nam và thế giới.

Trong công tác quy hoạch, Thủ tướng lưu ý tỉnh phải xây dựng quy hoạch dựa trên các lĩnh vực mũi nhọn với tầm nhìn xa, có chiều sâu, không mâu thuẫn lẫn nhau; thụ hưởng được tài nguyên của nhau; đồng thời phải chú ý hình thành một nền kinh tế có tính kết nối cao.

Để đạt được các mục tiêu này, Thủ tướng gợi mở Ninh Bình tập trung nâng cấp hạ tầng giao thông. Đi liền với đó là xã hội hóa mạnh mẽ, huy động tối đa các nguồn lực xã hội; coi đây là hướng đột phá để phát triển hạ tầng địa phương bên cạnh các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương. Cùng với đó, Ninh Bình cần tái cơ cấu mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa nền kinh tế để nâng cao sức cạnh tranh và năng suất lao động.

Nhấn mạnh đến nhiệm vụ phát triển du lịch – tiềm năng lớn của địa phương giàu truyền thống văn hóa này, Thủ tướng đề nghị Ninh Bình cần đưa du lịch thực sự trở thành động lực phát triển của tỉnh. Theo đó, mục tiêu hàng đầu là nâng cao lượng khách quốc tế.

Liệt kê ra nhiều hạng mục công việc để đạt mục tiêu trên, Thủ tướng chỉ rõ, Ninh Bình phải làm tốt kết nối hạ tầng với các tỉnh, thành phố trung tâm. Cùng với đó, đào tạo, hình thành nguồn nhân lực đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong tình hình mới.

Thủ tướng gợi ý địa phương đầu tư nâng cấp dịch vụ lưu trú, các mặt hàng lưu niệm để giữ chân khách du lịch, tạo ra nguồn thu cho ngân sách địa phương. Đặc biệt, phải xây dựng thương hiệu du lịch Ninh Bình sao cho rõ nét hơn nữa hướng đến mục tiêu: Đến Việt Nam không thể không đến Ninh Bình. Đi liền với đó là không quên nhiệm vụ bảo vệ môi trường, thúc đẩy nông nghiệp sạch phục vụ kinh tế du lịch, Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Ninh Bình làm tốt hơn việc quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, nhất là các dòng sông, môi trường nông thôn, nguồn rác thải trong sản xuất và sinh hoạt.

Ninh Bình phải đồng hành với doanh nghiệp và người dân, phấn đấu cải thiện mạnh mẽ hơn chỉ số về tiếp cận đất đai, tín dụng để lọt vào tốp đầu cải cách hành chính của cả nước; lấy kết quả phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh để đánh giá công tác của các sở, ngành, địa phương, Thủ tướng chỉ đạo.

Cũng trong sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới tham quan tổ hợp dự án sản xuất ô tô Huyndai Thành Công tại Khu công nghiệp Gia Viễn, Ninh Bình – cơ sở sản xuất, lắp ráp ô tô có quy mô lớn thứ hai cả nước. Đây là nhà máy chính của Công ty cổ phần Tập đoàn Hyundai Thành Công - một doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam với doanh thu hàng năm tăng trưởng trên 30%, nộp ngân sách nhà nước hàng ngàn tỷ đồng.

Tổ hợp này có quy mô đầu tư lên tới 10.650 tỷ đồng, trên diện tích 300 ha và dự kiến sẽ tạo việc làm cho khoảng gần 8.000 lao động. Tổ hợp sẽ sản xuất các loại linh kiện, phụ tùng, động cơ cho công nghiệp ô tô; các loại xe ô tô (xe buýt, xe khách loại sử dụng năng lượng sạch (khí hóa lỏng CNG); xe ô tô du lịch và xe tải nhẹ là loại động cơ Euro 4 và 5, xe tải nhẹ, xe cá nhân), hệ thống logistics phục vụ sản xuất.

Tập đoàn Thành Công kiến nghị Chính phủ xem xét bổ sung các chính sách ưu đãi về thuế, gồm thuế nhập khẩu trong thời gian đầu đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được; ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân đối với các nhân sự làm việc trong Dự án để thu hút được các nhân lực chất lượng cao cho Dự án.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến tầm quan trọng của ngành sản xuất ô tô – thương hiệu quốc gia đối với những nước có quy mô trên 50 triệu dân. Đây còn là lĩnh vực quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Biểu dương tỉnh Ninh Bình đã có những hỗ trợ cần thiết, hợp lý để Huyndai Thành Công mở rộng sản xuất, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho lao động địa phương, Thủ tướng cũng đánh giá cao doanh nghiệp này đã tích cực áp dụng tự động hóa ở nhiều khâu, nhiều công đoạn; chủ động sản xuất được một số linh phụ kiện nhằm tăng cường tỷ lệ nội địa hóa.

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Thành Công đẩy mạnh hơn nữa việc hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước; tiếp tục mở rộng hơn nữa diện tích sản xuất. Bên cạnh đó, cần chú trọng phân khúc thị trường, nhất là một số dòng xe mà Huyndai Thành Công có thế mạnh.

Thủ tướng mong muốn Tập đoàn Thành Công tăng cường đầu tư, nghiên cứu, sản xuất nhiều hơn nữa linh kiện ô tô, nhất là những phụ tùng quan trọng như động cơ; phối hợp tốt với các cơ sở nghiên cứu, đào tạo để có nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ. 

Liên quan đến chính sách đối với ngành công nghiệp ô tô trong nước, Thủ tướng cho biết đã giao Bộ Công Thương thành lập Tổ công tác khảo sát, tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài để nghiên cứu những chủ trương phù hợp với thông lệ quốc tế đồng thời vẫn bảo vệ và thúc đẩy ngành công nghiệp có tầm quan trọng đặc biệt này.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục