Hỗ trợ các cải cách nhằm đơn giản hóa thủ tục xuất nhập khẩu

17:01' - 17/05/2018
BNEWS Các cải cách sẽ làm giảm gánh nặng thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp bằng cách giảm thời gian thông quan và cắt giảm chi phí; qua đó, góp phần cải thiện hiệu quả môi trường kinh doanh.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Thạch Huê/BNEWS/TTXVN

Ngày 17/5, tại Hà Nội, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp với Tổng cục Hải quan – Bộ Tài chính tổ chức hội thảo "Tham vấn lấy ý kiến xây dựng dự thảo Nghị định về cơ chế một cửa quốc gia và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu".

Sự kiện có sự tham gia của hơn 100 đại diện từ các bộ ngành, hải quan địa phương, và cộng đồng doanh nghiệp.

Hội thảo được tổ chức để hỗ trợ các cải cách nhằm đơn giản hóa thủ tục xuất nhập khẩu, bao gồm các thủ tục liên quan đến “cơ chế một cửa” và kiểm tra chuyên ngành.

Các cải cách này sẽ làm giảm gánh nặng thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp bằng cách giảm thời gian thông quan và cắt giảm chi phí; qua đó, góp phần cải thiện hiệu quả môi trường kinh doanh.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Công Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan nêu rõ, cải cách thủ tục hành chính đối với hàng hóa xuất nhập khẩu là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ trong những năm gần đây.

Nghị quyết 19 năm 2018 về cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã yêu cầu giảm tỷ lệ các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành ở công đoạn thông quan từ 25% - 27% hiện nay xuống dưới 10%.

Dù đã đạt được những thành tựu đáng kể trong cải cách thủ tục hành chính, nhưng theo Báo cáo chỉ số kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn gặp nhiều khó khăn và vướng mắc trong việc tuân thủ các thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Đi vào chi tiết, ông Phạm Thanh Bình, Chuyên gia tư vấn Dự án GIG (USAID) cho hay, các quy định về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đã được quy định tại các luật, nghị định, thông tư của các bộ, ngành khác nhau.

Điều này dẫn đến tình huống mà trách nhiệm quản lý của các cơ quan khác nhau bị trùng lặp, dẫn đến quy trình thủ tục thường không rõ ràng và không nhất quán.

Về lâu dài, cần có một văn bản chung nhất quán hướng dẫn cho tất cả các Bộ, ngành về cách tiến hành kiểm tra chuyên ngành và báo cáo thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.

“Cơ chế một cửa quốc gia” – được triển khai từ tháng 11/2014 – được xây dựng nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính về kiểm tra chuyên ngành và thông báo kết quả kiểm tra trực tuyến.

Tính đến thời điểm hiện tại, cơ chế một cửa quốc gia đã kết nối 11 Bộ trên tổng số 14 Bộ, ngành liên quan và 47/284 thủ tục hành chính về kiểm tra chuyên ngành đã được triển khai.

Mặc dù đã có những thành tựu đáng kể trong cải cách thủ tục hành chính về kiểm tra chuyên ngành, phần lớn thủ tục hành chính về kiểm tra chuyên ngành vẫn chưa được triển khai trực tuyến – chủ yếu vẫn theo phương pháp thủ công và cồng kềnh.

Dự thảo Nghị định về cơ chế một cửa quốc gia và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu sẽ góp phần tạo cơ sở pháp lý để thực hiện các thủ tục kiểm tra chuyên ngành trực tuyến nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng sẽ hỗ trợ đơn giản hóa thủ tục thông quan theo hướng giảm tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm và sẽ thiết lập một cơ chế liên ngành để đảm bảo sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.

Tổng cục Hải quan – Bộ tài chính và USAID đã và đang hợp tác chặt chẽ trong việc triển khai nhiều cải cách về thủ tục hành chính góp phần tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cũng đang phối hợp với USAID, thông qua Dự án Quản trị Nhà nước nhằm Tăng trưởng Toàn diện, và các tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thực hiện các cải cách nhằm thúc thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững và toàn diện.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục