Hoa kiểng tết - thế mạnh nông nghiệp vùng ven thành phố Mỹ Tho

21:08' - 07/02/2016
BNEWS Được sự khuyến khích từ chương trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nông dân các xã vùng ven thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang đang khuyếch trương thế mạnh trồng hoa kiểng Tết để làm giàu.
Hoa kiểng tết - thế mạnh nông nghiệp vùng ven thành phố Mỹ Tho. Ảnh: Minh Trí-TTXVN

Được sự khuyến khích từ chương trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp cùng sự năng động của người nông dân thời kỳ đổi mới và hội nhập, nông dân các xã vùng ven thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang đang khuyếch trương thế mạnh trồng hoa kiểng Tết để làm giàu.

Theo ông Đặng Văn Sai, nguyên Trưởng phòng Kinh tế thành phố Mỹ Tho, nghề trồng hoa kiểng Tết đã có từ lâu đời ở ven thành phố Mỹ Tho. Cái nôi chính là làng hoa Bình Phong, xã Tân Mỹ Chánh, một trong những làng hoa gắn liền với quá trình hình thành và phát triển đô thị Mỹ Tho những năm thế kỷ XX và tiếp tục phát triển mạnh mẽ cho đến nay. Thu nhập nghề trồng hoa ổn định, nhiều gia đình nhiều đời nối tiếp sinh sống, dựng nên cơ nghiệp từ nghề trồng hoa kiểng Tết.

Một trong những nông dân gắn bó trên ba mươi năm với nghề trồng hoa Tết ven đô thị Mỹ Tho là ông Trần Văn Lập, cư ngụ tại ấp Phong Thuận, xã Tân Mỹ Chánh. Gia cảnh nghèo khó, lại thương tật, không thể làm việc nặng nhọc, ông chuyên tâm vào nghề trồng hoa Tết – một nghề truyền thống mà cha ông bao đời nay truyền lại.

Không có đất sản xuất, ông thuê 2.000 m2 đất trồng hoa. Trung bình, mỗi vụ hoa Tết, ông trồng 4.000 giỏ hoa. Những năm đầu tiên ông trồng các giống hoa cúc, vạn thọ, thược dược, hồng…

Gần đây, đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng lớn về chủng loại đa dạng và chất lượng, mẫu mã đẹp, ông đưa nhiều giống hoa mới vào cơ cấu cây trồng như: cúc Hà Lan, cúc vàng hè, hoa Cát tường, cúc đỏ, cúc tím… Vụ hoa Tết 2015, sau khi trừ chi phí, ông thu lãi trên 60 triệu đồng.

Vụ hoa Tết này, ông Lập cũng trồng 4.000 giỏ đang hứa hẹn vụ bội thu. Ngay từ đầu vụ, thương lái đã hợp đồng tiêu thụ 50% sản lượng hoa với giá 65.000 đồng/cặp. Ông Trần Văn Lập lạc quan cho biết, với giá như thế, năm nay lợi nhuận sẽ tăng 1,5 lần so với vụ hoa năm trước (80 – 90 triệu đồng). Nhờ cây hoa Tết, cuộc sống gia đình ông ngày một ổn định, khấm khá hẳn lên.

Từ cái nôi Tân Mỹ Chánh, nghề trồng hoa Tết phát triển ngày một mạnh mẽ sang nhiều địa phương lân cận mở ra một hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp vùng ven thành phố Mỹ Tho. Điển hình xã Mỹ Phong đã hình thành Tổ hợp tác trồng hoa kiểng Mỹ Phong.

Theo anh Trương Văn Nhung, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng hoa kiểng Mỹ Phong, Tổ quy tụ trên 170 hộ nông dân chuyên trồng hoa Tết; trong đó có 160 hộ trồng hoa và 10 hộ trồng kiểng.

Nếu năm 2011, sản lượng hoa Tết cung ứng thị trường trên 500.000 giỏ hoa các loại, thu hàng chục tỷ đồng; riêng lãi ròng trên 3,4 tỷ đồng thì vụ hoa Tết Bính Thân đã tăng lên 600.000 giỏ hoa các loại, chưa kể kiểng.

Bản thân anh Trương Văn Nhung cũng là một trong những nông dân giỏi, giàu kinh nghiệm trồng hoa Tết ở thành phố Mỹ Tho. Gia đình anh chỉ có trên 3.000 m2 đất canh tác gần kề tuyến tránh Quốc lộ 50 qua thành phố Mỹ Tho. Hàng năm, anh trồng từ 5.000 đến 6.000 giỏ hoa các loại, thu lãi hàng trăm triệu đồng.

Vụ hoa Tết Bình Thân 2016, anh Trương Văn Nhung trồng 7.000 giỏ hoa các loại; trong đó có nhiều giống hoa mới du nhập về từ Đà Lạt như: Cát tường, cúc, hoa Tình yêu, hoa lyli…

Anh Nhung đánh giá, vụ hoa Tết năm nay đa phần nở đúng Tết nhờ trình độ thâm canh của nông dân làng hoa được nâng lên và áp dụng tiến bộ khoa học mới.

Theo anh Trương Văn Nhung, giá hoa Tết thương lái mua tại ruộng khoảng 65.000 đồng/cặp đối với cúc, 70.000 đồng/cặp đối với Cát tường, các loại hoa khác giá cũng tương tự.

Biết tiếng làng hoa ven thành phố Mỹ Tho nên đến giữa tháng Chạp, thương lái đã đến hợp đồng đặt mua để chở đi tiêu thụ khắp các nơi.

Theo ông Đinh Ngọc Tùng, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Mỹ Tho, trong vụ hoa Tết Bính Thân, các làng hoa ven đô thị cung ứng trên 875.000 giỏ hoa các loại; trong đó nhiều nhất là Mỹ Phong 600.000 giỏ, phường 9 có 160.000 giỏ, Tân Mỹ Chánh 95.000 giỏ, phường 8 có 20.000 giỏ.

Hoa Tết của thành phố Mỹ Tho những năm gần đây đã khẳng định thương hiệu trong khu vực. Ngoài có mặt tại chợ hoa Lạc Hồng (thành phố Mỹ Tho) chuyên về kinh doanh hoa kiểng Tết mỗi năm chỉ họp một lần vào những ngày giáp Tết Nguyên đán, hoa Tết ven thành phố Mỹ Tho còn được thương lái đưa đi tiêu thụ ở khắp các nơi, từ miền Tây Nam bộ đến miền Đồng Nam bộ và đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh.

Cũng nằm trong chủ trương xây dựng nền nông nghiệp đô thị phù hợp với điều kiện đất hẹp người đông, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, nông dân ven đô thị còn mở thêm nghề trồng và kinh doanh cây kiểng, chủ lực là mai vàng. Địa bàn chính cũng từ cái nôi xã Tân Mỹ Chánh lan sang các địa phương lân cận: phường 10, phường 9, xã Mỹ Phong…

Có thâm niên và làm giàu nhờ nghề trồng và kinh doanh mai kiểng phải kế đến các nông dân “đô thị”: Lương Văn Hồng, Nguyễn Thanh Tùng, Nguyễn Trung Hải…

Theo ông Đinh Ngọc Tùng, chuẩn bị Tết Bính Thân, các địa phương trên tung ra thị trường 20.000 chậu kiểng các loại gồm: mai vàng, mai tứ quí, bông giấy ghép dạng bonsai, sứ…

Ghé tham quan vườn mai của anh Nguyễn Thanh Tùng vào dịp trung tuần tháng Chạp, cả khu vườn mai khoảng 2.000 m2 đất với gần 500 chậu mai kiểng lớn nhỏ đang có không khí lao động náo nhiệt như một nông trường lớn.

Gần 20 lao động đang miệt mài nhặt lá mai. Công đoạn nhặt lá mai hết sức quan trọng, đảm bảo cho hoa nở đúng dịp Tết hay sớm hoặc trễ.

Trong vụ hoa kiểng Tết năm 2015, anh tiêu thụ được khoảng 200 gốc mai kiểng, thu lãi khoảng 100 triệu đồng. Năm nay, với điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, tay nghề ngày càng cao, mai kiểng dáng thế đẹp và hoa nở đều, anh dự kiến tung ra thị trường khoảng 300 gốc mai kiểng, phấn đấu đạt lợi nhuận từ 150 triệu đến 200 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND thành phố Mỹ Tho cho biết, trồng hoa kiểng Tết đã được lãnh đạo địa phương xác định là thế mạnh quan trọng trong nền nông nghiệp đô thị thành phố Mỹ Tho, mang lại cho nông dân những nguồn lợi kinh tế lớn, bền vững và thiết thực góp phần đảm bảo thành công cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Trong khi diện tích sản xuất hoa kiểng chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng diện tích đất nông nghiệp ven đô thị nhưng mỗi năm mang lại nguồn lợi hàng chục tỷ đồng, một con số rất có ý nghĩa.

Để phát huy tiềm năng và thế mạnh kinh tế đặc thù có một không hai này, thành phố Mỹ Tho đã hình thành các tổ hợp tác trồng hoa kiểng ở xã Mỹ Phong, Tân Mỹ Chánh; các câu lạc bộ hoa lan – cây kiểng tại xã Mỹ Phong, Tân Mỹ Chánh, Đạo Thạnh, phường 5, phường 9, phường 10…

Nông dân tham gia các tổ hợp tác, câu lạc bộ hoa kiểng được tập huấn về kỹ thuật thâm canh, trồng và uốn sửa kiểng, sản xuất theo tiêu chuẩn hàng hóa… nhằm đưa thương hiệu làng hoa kiểng Tết ven thành phố Mỹ Tho thăng hoa. Hoa kiểng cũng đã góp phần đưa các xã Tân Mỹ Chánh, Mỹ Phong được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục