Hội nhập quốc tế - Bài 2: Nội lực tốt để tăng khả năng cạnh tranh

10:26' - 18/03/2017
BNEWS Để chống lại chủ nghĩa bảo hộ đang lan rộng, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cần nâng cao phát huy nội lực và sự tự chủ của nền kinh tế.
Việt Nam cần phát huy hơn nữa nội lực và sự tự chủ của nền kinh tế. Ảnh: Hoàng Hải-TTXVN

>>>Hội nhập quốc tế - Bài 1: Chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch

Nội lực tốt sẽ cạnh tranh tốt 

Trước làn sóng của chủ nghĩa bảo hộ đang lan rộng cùng những hệ quả của nó, nhiều chuyên gia kinh tế đã không giấu được sự quan ngại cho tương lai của nền kinh tế Việt Nam - vốn có độ mở rất cao và phụ thuộc nhiều vào vốn đầu tư nước ngoài (FDI)- luồng vốn có thể bị suy giảm sau khi Mỹ rút khỏi TPP. 

Nhưng câu trả lời của Việt Nam là rõ ràng. TPP đối với Việt Nam là một động lực, một cơ hội cho phát triển, nhưng động lực đó, cơ hội đó không đến từ bên ngoài mà là từ nỗ lực tự thân. Việc Mỹ rút khỏi TPP cũng đang tạo ra thách thức trong quá trình hội nhập quốc tế mà một trong những giải pháp quan trọng đó là phát huy nội lực và sự tự chủ của nền kinh tế.

 Đối với Việt Nam, trước TPP, Việt Nam đã gia nhập WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới), ký các hiệp định thương mại song phương và đa phương với Hoa Kỳ, EU, ASEAN… Nông dân, công nhân và doanh nhân Việt Nam vẫn sẵn sàng với hội nhập kinh tế và đã đạt được những thành quả đáng tự hào mặc dù phải chịu áp lực cạnh tranh rất lớn từ các bạn hàng có điều kiện thuận lợi hơn về thuế suất, lãi suất ngân hàng và môi trường sản xuất kinh doanh. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng từng khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục quá trình đổi mới, đẩy mạnh chuẩn bị trong nước để bảo đảm thực thi có hiệu quả cam kết của các FTA mà Việt Nam đã và sẽ tham gia. 

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng, dù TPP ra sao thì cái quan trọng hơn là Việt Nam phải rút kinh nghiệm, bài học từ khi vào WTO. Đó là, Việt Nam cần phải chuẩn bị nội lực vững chắc mới là yếu tố quyết định hội nhập thành công. 

“Nếu chúng ta không nắm lấy cam kết và chuẩn bị kỹ nội lực, mà không phải chỉ chuẩn bị trên thể chế mà chuẩn bị cả bằng nền tảng sản xuất, tái cấu trúc nền kinh tế thì chúng ta cũng sẽ không thu được cái mà chúng ta trông đợi”, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhấn mạnh. 

Phát huy nội lực sẽ giúp tăng khả năng cạnh tranh cho Việt Nam trên trường quốc tế. Ảnh: TTXVN

Thực tế đã cho thấy, nội lực tốt, Việt Nam sẽ cạnh tranh tốt hơn. Thời gian qua, Việt Nam đã có những thế mạnh từ phát huy nội lực. Những mặt hàng như tôm, cá ba sa, hàng dệt may... của Việt Nam vẫn đang có mặt khắp trên thế giới và đang là mặt hàng chủ lực xuất khẩu của Việt Nam.

 Các chuyên gia kinh tế cho rằng, quốc gia nào cũng cần lợi thế cạnh tranh và Việt Nam cần phát huy hết những lợi thế này. Những hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ hoặc hàng hóa Việt Nam gia công cho công ty Mỹ như cá ba sa, may mặc… đều có lợi thế cạnh tranh. Vì vậy, có TPP hay không, các công ty Mỹ vẫn cần hàng hoá của Việt Nam. 

Tuy nhiên, nhìn vào thực tại, sức cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp và sản phẩm của Việt Nam mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn yếu. Các ngành kinh tế, các doanh nghiệp mang tính mũi nhọn, có khả năng vươn ra chiếm lĩnh thị trường khu vực và thế giới chưa nhiều, chưa có khả năng đi đầu, kéo các ngành, các doanh nghiệp khác cùng phát triển... 

Chính vì vậy, kinh tế Việt Nam cũng cần phải được xác định không nên quá phụ thuộc vào bên ngoài. Việt Nam cũng cần quan tâm nhiều hơn đến tầm quan trọng của kinh tế trong nước trong bối cảnh hội nhập mới. 

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, khu vực tư nhân đã và đang là một động lực vô cùng quan trọng cho phát triển kinh tế và cần phải có nhiều giải pháp để tạo niềm tin nhằm thu hút nguồn lực đầu tư từ khu vực này. 

Tại cuộc họp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số định hướng, nhiệm vụ và giải pháp thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh: "Chính phủ đang chỉ đạo các Bộ ngành triển khai hàng loạt kế hoạch để vừa hội nhập sâu rộng vừa chuẩn bị tích cực cho nội lực đất nước. Hội nhập nhưng không hoà tan, bảo đảm tự chủ, mà muốn tự chủ thì thực lực phải mạnh lên”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục