Hội nhập kinh tế quốc tế: Khâu phối hợp có lúc mang tính hình thức

16:51' - 28/02/2017
BNEWS Tại phiên họp Ban chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế lần 1 năm 2017, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thẳng thắn thừa nhận quá trình triển khai hội nhập kinh tế quốc tế vẫn bộc lộ một số tồn tại.

Phiên họp Ban chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế lần 1 năm 2017 được tổ chức ngày 28/2 dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành Hội nhập về kinh tế.

Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải- Tổng thư ký Ban chỉ đạo cho biết, Việt Nam đã và đang chủ động hội nhập quốc tế theo chủ trương và Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

Cùng đó, việc hội nhập kinh tế quốc tế đã được triển khai đồng đều, tích cực trên nhiều lĩnh vực, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là đóng góp vào quá trình tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng...

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Trong quá trình này, vai trò điều phối công tác hội nhập của Chính phủ (thông qua Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế và Ban chỉ đạo liên ngành kinh tế) đã giúp tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, thời gian qua Ban chỉ đạo liên ngành Hội nhập về kinh tế đã phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu, báo cáo, tham mưu đề xuất cho Thủ tướng Chính phủ các vấn đề quan trọng về: các đối tác cần đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) trong thời gian tới; những vấn đề còn vướng mắc trong quá trình đàm phán 4 FTA;...

Ngoài ra, Ban chỉ đạo cũng đã chủ trì tổ chức và phối hợp các Bộ, ngành, cơ quan liên quan thực hiện 10 Đề án lớn, làm cơ sở đề xuất các chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế.

Đáng lưu ý, hoạt động thông tin tuyên truyền đã được nâng cao về cả nội dung và phương thức; xây dựng quy chế phối hợp truyền thông về hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cấp trang thông tin điện tử để cập nhật và đăng tải các thông tin về tình hình hội nhập.

Ngoài ra, các Bộ, ngành đã chủ động hơn trong việc nghiên cứu sâu về tác động của cam kết quốc tế đối với từng lĩnh vực, ngành hàng cụ thể để tư vấn kịp thời cho các doanh nghiệp trong quá trình thực thi các FTA cũng như tác động của việc thực hiện các yêu cầu về lao động trong FTA và các chương trình hỗ trợ pháp lý về lao động cho doanh nghiệp.

Hiện, Ban chỉ đạo liên ngành Hội nhập về kinh tế đang phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng bộ tài liệu tích hợp các cam kết trong FTA mà Việt Nam đã tham gia theo từng ngành, lĩnh vực cụ thể để giúp doanh nghiệp có thể dễ dàng tra cứu, đối chiếu, so sánh cam kết, từ đó vận dụng và thực thi hiệu quả cam kết hội nhập kinh tế quốc tế.

Mặc dù vậy, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng thẳng thắn thừa nhận quá trình triển khai hội nhập kinh tế quốc tế vẫn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: việc phối hợp để xây dựng các chương trình, kế hoạch về hội nhập kinh tế quốc tế vẫn còn lỏng lẻo, còn nặng tư tưởng cơ quan chủ trì phải chịu trách nhiệm chính còn cơ quan phối hợp đôi khi chỉ tham gia một cách hình thức, thậm chí không tham gia nên các chương trình, kế hoạch còn thiếu tính toàn diện từ khâu xây dựng, triển khai đến đôn đốc, giám sát, đánh giá.

Chính vì vậy, dẫn đến đến tình trạng các kế hoạch, chương trình hành động triển khai còn chậm so với tiến độ, một số nhiệm vụ còn bỏ trống hoặc chưa đạt được hết các mục tiêu đề ra.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành Hội nhập về kinh tế. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Bên cạnh việc đánh giá cao những thành tựu mà Bộ Công Thương đã đạt được trong hội nhập, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành Hội nhập về kinh tế yêu cầu các Bộ, ngành cần tập trung phối hợp tốt với Bộ Công Thương trong việc đưa ra phương án hợp lý để hoàn thiện việc đàm phán và ký kết các FTA còn lại; phối hợp việc hoàn thành thủ tục phê chuẩn các hiệp định đã và sẽ ký nhằm mau chóng chuyển sang giai đoạn thực thi, chủ động nghiên cứu, đề xuất việc đàm phán các FTA mới.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng đề nghị tiếp tục cụ thể hóa và triển khai hiệu quả các nhiệm vụ đề ra tại Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 49/NQ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ, Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ; gắn việc thực thi các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế với quá trình cải cách, hoàn thiện thể chế luật pháp, tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế; xây dựng các chính sách, cơ chế phù hợp để tạo môi trường kinh doanh và đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, các đơn vị chức năng cần tiếp tục tận dụng các tổ chức, diễn đàn đa phương như APEC, ASEM, ASEAN để nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài và tạo cơ hội giao thương cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, tổ chức chu đáo năm APEC 2017 cho khoảng 200 hội nghị, cuộc họp lớn nhỏ; trong đó có 20 hội nghị cấp Bộ trưởng trở lên và Tuần lễ Cấp cao APEC lần thứ 25.

Đặc biệt, Ban chỉ đạo liên ngành Hội nhập về kinh tế cần phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập trong các lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng, lao động, văn hóa xã hội để công tác hội nhập được triển khai nhịp nhàng trong một kế hoạch tổng thể dưới sự chỉ đạo của Đảng và Chính phủ; trong đó khẳng định vai trò, vị trí trọng tâm của hội nhập kinh tế./.

>>> Cần làm rõ hơn khái niệm “độc quyền” Nhà nước trong hoạt động kinh doanh

>>> Bộ Công Thương lập đoàn xác minh về thông tin tiêu cực trong xuất khẩu gạo

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục