Hội nhập quốc tế - Bài 1: Chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch

09:11' - 18/03/2017
BNEWS Hội nhập kinh tế quốc tế đang đối mặt với nhiều thách thức khi chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng.
ASEAN đẩy mạnh triển khai các FTA với 6 đối tác lớn. Ảnh: moit.gov.vn.

Trải qua hơn 30 năm hội nhập vào nền kinh tế thế giới, sức cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp và sản phẩm của Việt Nam mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn yếu so với các nước. Các ngành kinh tế, các doanh nghiệp mang tính mũi nhọn, có khả năng vươn ra chiếm lĩnh thị trường khu vực và thế giới chưa nhiều.

Trong khi đó, hội nhập kinh tế quốc tế đang đối mặt với nhiều thách thức khi chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng. Trong bối cảnh đó, việc phát huy nội lực để xây dựng một nền kinh tế tự chủ và không bị “hòa tan” trong hội nhập đang là yêu cầu cấp bách đặt ra.

Ứng biến trước làn sóng bảo hộ mậu dịch

Hội nhập kinh tế quốc tế đang đối mặt với nhiều thách thức khi chủ nghĩa bảo hộ đang trỗi dậy và thương mại tự do bị lấn lướt. Điều này có thể sẽ trở thành một điểm mốc quan trọng đối với tiến trình của nền kinh tế toàn cầu trong tương lai.

Nhận diện thực chất của làn sóng bảo hộ mậu dịch đang diễn ra, các chuyên gia kinh tế cho rằng, dấu hiệu rõ nét nhất tại 3 nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ, Trung Quốc và Anh.

Tại Trung Quốc, nền kinh tế thứ hai thế giới, vốn được xem là hưởng lợi từ thương mại tự do đang theo đuổi một chính sách giảm nhập khẩu triệt để trong khi cố gắng thúc đẩy xuất khẩu càng nhiều càng tốt. Còn tại châu Âu, nước Anh đã kiên quyết rời khỏi EU và tiến hành đàm phán lại toàn bộ những quy chế thương mại với châu Âu. 

Tân Tổng thống Mỹ chính thức ký sắc lệnh rút khỏi Hiệp định TPP. Ảnh: EPA/TTXVN

Tại Mỹ, một trong các hành động lập pháp đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump là tuyên bố rút lui khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây là một quyết định gây sốc bởi Hiệp định TPP đã là một tia hy vọng trong bối cảnh hoạt động thương mại thế giới ảm đạm và tăng trưởng toàn cầu yếu.

Có nhiều kịch bản được đưa ra trong việc nhìn nhận phía sau vấn đề bảo hộ trên. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đồng quan điểm là dường như các nhà lãnh đạo của những nền kinh tế lớn nhất thế giới đã không còn đặt nhiều niềm tin vào hiệu quả của tự do thương mại nữa.

Chủ nghĩa bảo hộ đang có xu hướng đi lên, tương lai của TPP ra sao vẫn là câu hỏi đang bỏ ngỏ. Nhưng dù TPP không thành hiện thực thì những cơ chế thay thế vẫn đang được các nước tiếp tục bàn bạc. Các chuyên gia kinh tế quốc tế cũng đánh giá cao vai trò “đầu tàu” của Mỹ trong TPP, nhưng việc không có Mỹ cũng không phải là TPP đã bị vô hiệu hoá.

Đối với Việt Nam, Việt Nam vẫn đang trong quá trình hội nhập kinh tế một cách sâu rộng với hàng loạt các hiệp định thương mại đa phương và song phương không chỉ riêng TPP. Trong bối cảnh tự do hóa thương mại đang bị lấn át, Việt Nam ngày càng tự tin khẳng định năng lực cạnh tranh và hội nhập, đặc biệt tại các sân chơi lớn của kinh tế thế giới.

Về cơ bản, TPP được kỳ vọng mang lại lợi ích cho các nền kinh tế tham gia; trong đó có Việt Nam. Mặc dù vậy, dù không có TPP thì Việt Nam vẫn rộng cửa hội nhập quốc tế qua các hiệp định khác; trong đó có các đối tác thuộc nhóm đàm phán TPP.

Tại nhiều diễn đàn trong nước và quốc tế, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, cho dù không tham gia hoặc có tham gia TPP, Việt Nam vẫn là một nền kinh tế tiếp tục hội nhập sâu rộng vào quốc tế.

Bởi vì Việt Nam có nhiều hiệp ước kinh tế khác, đảm bảo quá trình hội nhập kinh tế thế giới. Thủ tướng cũng nhấn mạnh, nền kinh tế Việt Nam cần có những điều chỉnh vĩ mô phù hợp với một tương lai không TPP, nhưng chắc chắn đó không phải là những bước lùi đối với cam kết cải cách cần thiết mà Việt Nam đã quyết tâm khi thương lượng TPP.

Đối với Việt Nam, TPP là quan trọng nhưng không phải là kênh hội nhập duy nhất. Ngoài TPP, Việt Nam còn có FTA với EU, với liên minh kinh tế Á-Âu, có AEC và ASEAN+6 và một số hiệp định FTA khác đã ký hoặc đang đàm phán.

Những hiệp định này bao gồm hầu như tất cả các đối tác kinh tế quan trọng nhất của Việt Nam. Riêng Mỹ, Việt Nam vẫn có Hiệp định thương mại song phương (BTA) và hiệp định BTA+ được ký trước khi Việt Nam tham gia WTO làm nền tảng quan hệ kinh tế giữa hai bên.

Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế. Ảnh: TTXVN

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, dù không có TPP thì Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội từ các đối tác còn lại của TPP, đặc biệt là các nước lớn như Nhật Bản, Australia, Ấn Độ...Việt Nam cùng với các nước này có thể tạo thành một vành đai, một liên kết kinh tế mới.

Cùng với đó, Việt Nam có FTA với EU; trong đó với mỗi nước lớn trong thành viên EU, Việt Nam đều đã xây dựng được những quan hệ cơ bản, là đối tác chiến lược, đối tác hợp tác toàn diện…. Việc cần làm là Việt Nam thúc đẩy tiếp các mối quan hệ đó để tạo nền tảng cho sự phát triển quan hệ lâu dài và qua đó góp phần quan trọng tạo nền tảng cho Việt Nam vượt lên. 

Đánh giá về tác động đối với thương mại, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, ông Sebastian Eckardt nhận định: Dù TPP không thành hiện thực thì cũng không ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam. Vì đến thời điểm hiện tại, TPP vẫn chưa diễn ra, các quan hệ thương mại, đầu tư của Việt Nam vẫn có những kết quả khả quan, và Việt Nam còn nhiều tiềm năng tăng trưởng.

TS Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Thương mại và Công nghiệp, Bộ Công Thương cho rằng, thương mại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu với những hiệp định thương mại đang ký hoặc sẽ ký với các nước đối tác.

Bởi thời gian vừa qua Việt Nam đã có những bước đi để chuẩn bị cho hiệp định này. Hơn nữa, các doanh nghiệp Việt Nam đã nhận thức được nhu cầu cần thiết phải cải cách để nâng cao năng lực cạnh tranh với các đối thủ quốc tế khi Việt Nam ngày càng hội nhập, dù có hay không có TPP.

TS Phương cũng nhấn mạnh, dù tham gia hay không tham gia TPP nữa, những nỗ lực cải cách để đảm bảo tuân thủ các điều khoản của Hiệp định TPP không nên dừng lại. Vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã cố gắng đẩy mạnh thông qua 30 dự luật từ luật lao động, kinh doanh, thương mại… nhằm đáp ứng những yêu cầu TPP và đây là điều nên được tiếp tục. 

>>> Hội nhập quốc tế - Bài 2: Nội lực tốt để tăng khả năng cạnh tranh

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục