Indonesia trước những hệ lụy về giao thông đô thị

05:30' - 03/01/2018
BNEWS ASEAN đã trở thành một trong những khu vực phát triển năng động nhất thế giới. Tuy nhiên, các thành phố lớn của ASEAN, trong đó có Indonesia, phải đối mặt với những hệ lụy về giao thông đô thị.
Cảnh ùn tắc trong giờ cao điểm ở Jakarta, Indonesia ngày 8/9. Ảnh: AFP/TTXVN

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mới đây tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày thành lập. Với những điều kiện kinh tế đã được cải thiện rõ rệt, GDP trong giai đoạn này tăng từ 37,6 tỷ USD lên 2.600 tỷ USD, ASEAN đã trở thành một trong những khu vực phát triển năng động nhất thế giới, với mức sống của người dân được nâng cao.

Báo Jakarta Globe số ra mới đây có đăng bài viết của tác giả Kamal Brar với nhận định rằng tiến bộ kinh tế có thể coi như con dao hai lưỡi. Sự phát triển đô thị đem lại nhiều cơ hội nghề nghiệp cho người dân ở các thành phố, song đi kèm với chúng là áp lực đè nặng lên hệ thống giao thông.

Trong số các thành phố lớn của khu vực ASEAN, thủ đô Jakarta của Indonesia là một trong những thành phố xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông tồi tệ nhất thế giới.

Theo Cơ quan Vận tải Jakarta, với hệ thống xe buýt công cộng chỉ có 400.000 người sử dụng một ngày, thủ đô Jakarta ghi nhận 9,9 triệu các loại xe ô tô, xe máy, xe tải và các phương tiện khác chạy trên đường phố hàng ngày, trong số đó có gần 2 triệu loại phương tiện giao thông đến từ các thành phố lân cận ở Tây Java và Banten.

Theo số liệu thống kê, có thể mất từ hai đến ba giờ để di chuyển quãng đường 40 km từ thủ đô Jakarta tới Bogor ở Tây Java - thành phố vệ tinh lớn nhất của thủ đô Jakarta. 70% mức ô nhiễm không khí của thành phố bắt nguồn từ xe cộ và người dân ở Jakarta phải sử dụng trung bình 10 năm trong đời để tham gia giao thông.

Vấn đề này đang trở nên tồi tệ hơn, tỷ lệ tăng trưởng trung bình hàng năm ở mức 9,5% đối với các loại xe có động cơ vượt xa sự gia tăng 0,01% số đường được xây mới trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến năm 2010.

Tuy nhiên, sau 40 năm thảo luận và 25 nghiên cứu khác nhau, giới chức nước này đã bắt đầu triển khai công trình tàu điện ngầm với mức đầu tư 1,7 tỷ USD của thủ đô Jakarta với tổng chiều dài 108 km. Với 21,7 km cho hành lang Bắc-Nam và 87 km cho Hành lang Đông Tây, dự kiến khi hoàn thành, dự án này sẽ giúp làm giảm áp lực giao thông của thủ đô.

Giai đoạn đầu của Hành lang Bắc-Nam với chiều dài 15,7 km dự kiến hoàn thành vào năm 2019 và sẽ phục vụ 212.000 hành khách mỗi ngày. Dự án sau khi hoàn thành sẽ có thể đạt mức tối đa là 960.000 người sử dụng mỗi ngày.

Chính quyền thủ đô Jakarta cũng đang tích cực phát triển hệ thống xe buýt nhanh như là một phương tiện để giảm bớt khó khăn của người dân trong việc tham gia giao thông.

Năm 2004, Jakarta đã trở thành thành phố đầu tiên của Đông Nam Á đưa vào sử dụng hệ thống xe buýt nhanh (BRT) với tên gọi TransJakarta, trong đó được chia làm hai loại, một đội xe chạy bằng nhiên liệu diesel và một đội xe chạy bằng chạy bằng nhiên liệu xăng để phục vụ các hành khách trên tổng chiều dài toàn tuyến là 193 km.

Chính quyền thành phố Jakarta đã nhận ra rằng những cơn ác mộng về giao thông là mối đe dọa nghiêm trọng đối với hoạt động của thành phố và cuối cùng đã có những nghiên cứu, học tập từ mô hình của Singapore trong việc phát triển các dự án giao thông đô thị.

Tuy nhiên, lượng xe cá nhân khổng lồ hiện vẫn là một thách thức mà thành phố đang tìm cách quản lý và tích hợp chúng vào một hệ thống giao thông đô thị toàn diện.

Indonesia trước những hệ lụy về giao thông đô thị. Ảnh: AFP/TTXVN

Năm 1998, với hệ thống giao thông “Poster Boy”, Singapore được đánh giá là quốc gia tiên phong trong việc áp dụng thu phí giao thông điện tử (ERP) đầu tiên trên thế giới. Hệ thống tính phí tắc nghẽn này sẽ tự động khấu trừ số tiền phí của xe ô tô, được kích hoạt khi chiếc xe đi qua trạm kiểm soát.

Singapore hiện đang áp dụng một hệ thống tiên phong khác là hệ thống ERP dựa trên công nghệ định vị vệ tinh thay vì các thiết bị giám sát thông thường. Hệ thống sẽ có phạm vi bao phủ rộng khắp quốc đảo và sẽ tính phí cho khoảng cách thực tế phương tiện di chuyển.

Nó cũng có thể tạo điều kiện cho việc sử dụng bãi đậu xe mà không cần phát vé và sẽ cung cấp cho tất cả người sử dụng thông tin giao thông cũng như thời gian lưu hành của mình.

Lợi ích cho người sử dụng đường bộ và chính quyền Singapore từ một hệ thống tiên tiến như vậy rõ ràng là rất lớn và là động lực cho hoạt động nghiên cứu, thu thập và phân tích dữ liệu khổng lồ về giao thông đô thị.

Sự phát triển của công nghệ trong lĩnh vực giao thông vận tải là tiềm năng để xây dựng một hệ thống vận chuyển toàn thành phố thực sự toàn diện, phối hợp giữa đường công cộng và tư nhân, đường bộ và đường sắt.

Ngoài việc điều tiết hoạt động lưu thông và quy định đối với phương tiện giao thông tư nhân, các nhà chức trách cũng đang phân tích dữ liệu để tìm cách quản lý và cải tiến hệ thống giao thông công cộng, cả xe buýt và đường sắt. Những kết quả này có thể bao gồm việc dự báo nhu cầu sử dụng tàu một cách chính xác, từ đó lên kế hoạch đường đi và tần suất để tiết kiệm chi phí.

Sự hiểu biết sâu sắc về hành vi và nhu cầu của khách hàng, dựa trên thống kê, cho phép giới chức lập kế hoạch cho các dịch vụ bổ sung trên các tuyến đường, chẳng hạn như các hệ thống cửa hàng bán lẻ, quảng bá sự kiện, đưa tin tức thời tiết, hay cung cấp quảng cáo.

Bên cạnh đó, việc cải tiến trải nghiệm sử dụng dịch vụ tốt hơn sẽ giúp tăng số người tham gia giao thông bằng phương tiện công cộng, đồng thời đem lại nguồn thu cho chính quyền thành phố.

Mặt khác, tác giả bài viết lưu ý đến một yếu tố quan trọng đối với chi phí của bất kỳ hệ thống vận tải công cộng lớn là bảo trì. Bằng cách tận dụng nguồn dữ liệu lớn, các nhà chức trách có thể dự đoán các yêu cầu bảo trì tối ưu của thiết bị, từ tàu hỏa, đường ray đến xe buýt.

Các dữ liệu từ cảm biến cài đặt trên thiết bị có thể được phân tích nhanh hơn và ở một mức độ chi tiết hơn. Điều này giúp dự đoán những lỗi sắp xảy ra của những bộ phận riêng lẻ như phanh, một dải đường ray... Các nhà chức trách có thể lên lịch bảo trì thiết bị đúng thời điểm, tối ưu hóa chi phí và giảm thiểu sự gián đoạn.

Một nhà cung cấp vận tải đường sắt công cộng ở Mỹ đã triển khai thành công dữ liệu lớn để lên kế hoạch bảo dưỡng phương tiện của mình với kết quả kinh ngạc - thời gian hao mòn trung bình của phương tiện đã giảm gần 90% và tuổi thọ của phương tiện tăng 200%. Điều này đã cải thiện hơn nữa sự an toàn và sự hài lòng của hành khách, tăng cường sử dụng phương tiện và giảm chi phí vận hành.

Trong một ví dụ khác, nhà cung cấp hệ thống phương tiện công cộng Metro Transit of St. Louis (MTL) tại St. Louis, Mỹ luôn nghiêm túc trong vấn đề bảo trì nhưng thiếu dữ liệu chi tiết về hoạt động của các bộ phận trên xe buýt.

Thay vì mua mới cả chiếc xe, MTL đã chuyển sang phân tích dữ liệu để dự đoán tốt hơn khi nào một thành phần trên một chiếc xe buýt nào đó quá cũ hay dễ bị hỏng. Điều này cho phép họ chủ động điều động xe buýt phù hợp trước khi xảy ra sự cố.

Kết quả là khoảng thời gian trung bình giữa các lỗi trên xe buýt đã được cải thiện 5 lần. MTL đã có thể chạy xe buýt lâu hơn, qua đó tăng lợi tức đầu tư vào đội xe của họ. Những cải tiến trong việc bảo dưỡng xe đã giúp cho những người đóng thuế tại St. Louis tiết kiệm hơn 2,5 triệu USD một năm.

Bài viết kết luận rằng nếu được triển khai một cách thận trọng, việc thu thập và phân tích dữ liệu một cách hiệu quả có khả năng biến đổi hệ thống giao thông của các thành phố lớn ở Đông Nam Á - mang lại tác động tích cực đến môi trường, nền kinh tế và chất lượng cuộc sống của người dân.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục