Iran bắt đầu tháo dỡ các thiết bị làm giàu urani

06:30' - 22/11/2015
BNEWS Theo IAEA, Iran đã bắt đầu tháo dỡ các máy ly tâm tại hai địa điểm làm giàu urani chính theo các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân đạt được với các cường quốc thế giới hồi tháng Bảy vừa qua.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Ảnh: THX/TTXVN

Báo cáo gửi Hội đồng lãnh đạo của Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Quốc tế  (IAEA) cho biết Tehran đã bắt đầu di dời các máy ly tâm tại hai cơ sở Fordow và Natanz.

Một nguồn tin ngoại giao cấp cao cũng nói rằng: "Họ đã bắt đầu tháo dỡ các máy ly tâm không có chứa khí hexafluoride, một nguyên liệu dùng để làm giàu urani tới mức nguyên chất để sử dụng làm nhiên liệu cho các nhà máy điện hạt nhân hay thậm chí cả sản xuất vũ khí".

Theo thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức), Tehran đã nhất trí giảm số lượng các máy ly tâm đã được lắp đặt từ 19.000 xuống còn khoảng 6.100 máy và trong số máy ly tâm được giữ lại này, chỉ có khoảng 5.100 máy sẽ được sử dụng làm giàu urani.

Báo cáo của IAEA cũng cho biết khoảng 4.500 máy ly tâm đã được di dời khỏi các vị trí tại hai cơ sở Natanz và Fordow.

Trước đó, trong một bước đi được thông báo là “theo thời gian biểu của thỏa thuận, chứ không phải bởi các hành động của Iran", Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký sắc lệnh hành chính theo đó có thể bắt đầu miễn áp dụng một số biện pháp trừng phạt đối với Iran. Đây được coi là một bước đi mang tính cột mốc trong quan hệ giữa Iran với Mỹ và phương Tây.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cho biết Tổng thống Barack Obama đã ký sắc lệnh chỉ thị cho Ngoại trưởng John Kerry và Bộ Tài chính Mỹ chuẩn bị tiến hành việc miễn áp dụng một số biện pháp trừng phạt đối với Iran.

Theo người phát ngôn, đây là một bước đi trong cái gọi là “ngày chấp thuận” (adoption day) mà nhóm P5+1 đã cam kết trong thỏa thuận ngày 14/7 vừa qua để kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran. “Ngày chấp thuận”, chứ không phải “ngày thực hiện” (implementation day), được quy định là 90 ngày sau khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc phê chuẩn thỏa thuận, tất cả các nước tham gia thỏa thuận sẽ đồng loạt có bước đi này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết thêm việc miễn áp dụng các biện pháp trừng phạt là một bước đi mang tính thủ tục, trên cơ sở lộ trình của thỏa thuận, chứ không phải do các hành động của Iran, do vậy nó chỉ có hiệu lực khi IAEA chứng thực Iran đã tuân thủ đầy đủ các cam kết hạn chế chương trình hạt nhân, trong đó có việc cắt giảm lượng urani đã được làm giàu, tháo dỡ 2/3 các thanh nhiên liệu hạt nhân và ngừng xây dựng các cơ sở hạt nhân mới.

Tuy nhiên, theo các nguồn tin ngoại giao, chính quyền tổng thống Mỹ Barack Obama mới đây đã kín đáo nhắc nhở chính phủ các nước phương Tây khác và các chủ ngân hàng của Mỹ rằng các lệnh trừng phạt đối với Tehran sẽ vẫn có hiệu lực cho tới khi Iran tuân thủ hoàn toàn thỏa thuận hạt nhân với Nhóm P5+1. Iran lâu nay vẫn phủ nhận những cáo buộc cho rằng họ làm giàu urani để dùng cho mục đích quân sự.

Khắc Hiếu – Thái Hùng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục