Kế hoạch ngân sách mới công bố của Nhà Trắng gây tranh cãi

11:23' - 24/05/2017
BNEWS Kế hoạch ngân sách mới được Tổng thống Donald Trump đệ trình lên quốc hội đang gây ra những tranh cãi.
Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố dự thảo ngân sách đầy đủ đầu tiên của mình với mức cắt giảm lên tới 3.600 tỷ USD. Ảnh minh họa: AFP

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 23/5 đã trình lên Quốc hội kế hoạch ngân sách 2018, với đề xuất cắt giảm chi tiêu 3.600 tỷ USD trong 10 năm tới trong nỗ lực cân bằng ngân sách, chủ yếu nhằm vào các chương trình an sinh xã hội, trong khi tăng chi cho quốc phòng.

Cụ thể, chương trình chăm sóc sức khỏe đối với người thu nhập thấp và tàn tật, Medicaid, sẽ bị cắt giảm ít nhất 610 tỷ USD trong 10 năm. Chương trình hỗ trợ lương thực bổ sung bị cắt giảm 193 tỷ USD.

Về trợ cấp lương hưu, Hệ thống hưu trí cho người lao động liên bang sẽ có một số thay đổi để tiết kiệm 77 tỷ USD. Với các khoản vay cho sinh viên, việc cắt giảm sẽ tiết kiệm 76 tỷ USD.

Đối với các bộ, Bộ Ngoại giao và Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ sẽ bị cắt giảm ngân sách tổng cộng 31,5%, xuống 37,6 tỷ USD trong năm tới. Ngân sách dành cho Cơ quan bảo vệ môi trường sẽ giảm 31,4%, trong khi cho Bộ Giáo dục giảm 13,5%.

Ngược lại, Nhà Trắng đề xuất dành 639 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng trong năm 2018, tăng so với 606 tỷ USD năm 2017 và 1,6 tỷ USD để xây dựng bức tường biên giới giữa Mỹ với Mexico.

Kế hoạch ngân sách trên một phần dựa vào việc thực thi các đề xuất cải cách thuế của ông Trump, mà theo Nhà Trắng là sẽ khuyến khích đầu tư, tạo việc làm và đưa tăng trưởng kinh tế đạt mức hàng năm là 3%.

Chánh Văn phòng quản lý và ngân sách của Nhà Trắng Mick Mulvaney nói rằng kế hoạch ngân sách trên phản ánh mối quan tâm của người đóng thuế về việc sử dụng tiền của họ một cách hợp lý.

Cùng với Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin và Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Gary Cohn, ông Mulvaney cho biết con số dự báo về tăng trưởng được đưa ra dựa trên việc tính toán tác động của việc nới lỏng quy định, cắt giảm thuế và hủy bỏ Chương trình chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền của chính quyền tiền nhiệm.

Ông nhấn mạnh, chính phủ bác bỏ khả năng nền kinh tế chỉ tăng trưởng 2%, bởi nếu vậy, ngân sách không bao giờ có thể cân bằng trở lại.

Tuy nhiên, hầu hết các nhà kinh tế và các chuyên gia về ngân sách cho rằng triển vọng tăng trưởng kinh tế và cân bằng ngân sách thông qua cắt giảm ngân sách và thuế như vậy là rất không thực tế.

Họ cho rằng có những vấn đề về những con số trong dự thảo ngân sách, từ dự báo tăng trưởng đến các đề xuất cắt giảm ngân sách dành cho giáo dục, nghiên cứu và các chương trình xã hội vốn góp phần đảm bảo năng suất lao động.

Các nhà kinh tế và các chuyên gia chỉ ra rằng, theo ước tính của Văn phòng Ngân sách Quốc hội, kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng trung bình 1,8% mỗi năm trong thập niên tới, còn con số mà Nhà Trắng đưa ra vượt hơn 1 điểm phần trăm, tương đương với khoảng 200 tỷ USD mỗi năm, với tỷ giá hiện nay.

Với năng suất lao động thấp, lực lượng lao động già hóa và chi tiêu tiêu dùng chậm hơn như hiện nay, hầu hết các nhà kinh tế cho rằng cam kết về tăng trưởng là không thực tế.

Giới chuyên gia nhận định đề xuất ngân sách trên sẽ có thể vấp phải sự phản đối của cả hai đảng trong Quốc hội và dự báo sẽ bắt đầu những cuộc tranh cãi mới.

Các nghị sĩ đảng Cộng hòa hiện đang kiểm soát Quốc hội sẽ quyết định có áp dụng chính sách cắt giảm khá nhạy cảm về chính trị như đề xuất nói trên hay không.

>>>Công bố dự thảo ngân sách "Một nền tảng mới cho sự vĩ đại của nước Mỹ"

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục