Kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật tại Ngân hàng Vietcombank

20:51' - 29/12/2017
BNEWS Thanh tra Chính phủ ra thông báo số 3216/TB-TTCP ngày 29/12/2017 về Kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).

Nội dung thanh tra về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động tín dụng, đầu tư tài chính, mua sắm tài sản của Vietcombank tập trung vào một số nội dung chính: Cho vay, xử lý rủi ro, bán nợ, cơ cấu nợ, việc tăng vốn, thoái vốn đầu tư, việc mua sắm thiết bị tin học.

Giao dịch tại quầy của Vietcombank. Ảnh minh họa: Trần Việt - TTXVN

Theo thông báo kết luận thanh tra, về ưu điểm, trong những năm qua, Vietcombank luôn được khẳng định là ngân hàng tiên phong trong hệ thống ngân hàng Việt Nam và được các tổ chức uy tín trên thế giới bình chọn là ngân hàng tốt nhất Việt Nam. Vietcombank có tốc độ tăng trưởng tài sản luôn đạt mức cao trong hệ thống ngân hàng Việt Nam; chất lượng tín dụng được chú trọng; các hệ số an toàn được đảm bảo; các hoạt động dịch vụ tăng trưởng tốt, lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ; các tỷ suất sinh lời đạt khá tốt.

Một số khuyết điểm, vi phạm trong hoạt động tín dụng

Kết luận thanh tra cũng chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm, vi phạm trong hoạt động tín dụng, đầu tư tài chính, mua sắm tài sản của Vietcombank phát hiện qua thanh tra.

Về thẩm định, phê duyệt cho vay, một số hồ sơ tín dụng có hồ sơ pháp lý khách hàng, pháp lý dự án không đầy đủ; thẩm định hồ sơ vay vốn, năng lực tài chính thiếu chính xác; báo cáo thẩm định chưa phân tích và đánh giá khả năng trả nợ, nguồn trả nợ, hiệu quả dự án, phương án vay vốn; thẩm định xác định hạn mức tín dụng, vòng quay vốn, thời hạn cho vay, nguồn vốn tự có, vốn huy động khác chưa đủ cơ sở, thiếu chính xác.

Về giải ngân vốn vay, một số hồ sơ tín dụng giải ngân khi chưa đủ điều kiện theo phê duyệt; chứng từ giải ngân không đầy đủ; giải ngân cho vay mới trả khoản vay cũ hoặc trả lãi vay; có trường hợp giải ngân không kiểm tra, kiểm soát các hóa đơn chứng từ (kiểm tra bản gốc của hóa đơn bán hàng) dẫn đến khách hàng giả mạo, sửa chữa nâng giá trị hóa đơn lên nhiều lần để rút vốn ngân hàng...

Về kiểm tra sử dụng vốn vay, một số hồ sơ tín dụng các chi nhánh thực hiện kiểm tra sử dụng vốn vay không đầy đủ theo quy định; nội dung kiểm tra sơ sài, chung chung, chưa đầy đủ, chưa kiểm tra cụ thể về sổ sách kế toán, chưa đề cập các thông tin liên quan đến tình hình hoạt động kinh doanh, đánh giá về dòng tiền giải ngân dẫn đến ngân hàng không kiểm soát được việc sử dụng vốn vay và khả năng trả nợ của khách hàng.

Về những khuyết điểm, vi phạm trong hoạt động bán nợ, Vietcombank ban hành Quyết định số 510/QĐ-VCB.XLTHN ngày 19/7/2013 và Quyết định số 217/QĐ-VCB.CN ngày 3/4/2013 về hướng dẫn việc mua bán nợ không rõ ràng, không cụ thể, dẫn đến trong quá trình thực hiện có sự nhầm lẫn giữa các bước (đăng thông tin bán nợ trên phương tiện thông tin đại chúng, thuê đơn vị thẩm định giá, xác định giá trị khoản nợ làm cơ sở xác định giá bán nợ sau khi Vietcombank đã thỏa thuận với khách hàng về giá bán).

Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) ủy quyền cho Vietcombank bán các khoản nợ theo hình thức thỏa thuận trực tiếp với khách hàng khi chưa thực hiện bán nợ theo hình thức đấu giá là chưa đúng với quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 34 Thông tư số 19/2013/TT- NHNN và Điểm e, Khoản 1, Điều 34, Thông tư số 14/2015/TT-NHNN. Đồng thời, VAMC tham mưu cho Ngân hàng Nhà nước ban hành Văn bản số 8666/NHNN-TTGSNH ngày 21/11/2014 không đúng.

Kiến nghị kiểm điểm các đơn vị, cá nhân có vi phạm

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước theo thẩm quyền tiến hành kiểm điểm các đơn vị, cá nhân có vi phạm nêu tại kết luận này; yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sớm tham mưu, đề xuất cho Chính phủ những giải pháp để xử lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại nói chung và các khoản nợ mà VAMC đã mua của các tổ chức tín dụng nói riêng, theo hướng tách bạch rõ giữa việc bán nợ và bán tài sản để thu nợ.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, theo thẩm quyền, tiến hành tổ chức kiểm điểm đối với các cá nhân của VAMC và Vietcombank có vi phạm nêu trong kết luận này.

Kiến nghị xử lý về kinh tế, Thanh tra Chính phủ yêu cầu Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước các cấp xem xét xử lý các vi phạm hành chính theo quy định đối với những vi phạm hành chính được chỉ ra trong Kết luận thanh tra. Đối với khách hàng đã trả hết dư nợ gốc nhưng chưa thu đủ lãi, yêu cầu Vietcombank tiếp tục đôn đốc khách hàng để thu hồi tránh mất vốn.

>>>Vietcombank bổ nhiệm loạt nhân sự cấp cao

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục