Khi nhu cầu cá hồi trên thế giới dường như "không có điểm dừng"

14:29' - 01/11/2017
BNEWS Trong bối cảnh nhu cầu về cá hồi nuôi của thế giới dường như "không có điểm dừng", Na Uy đang triển khai những dự án lớn nuôi cá gần gũi với môi trường tự nhiên.

Là nước sản xuất 1,3 triệu tấn cá hồi/năm, chiếm hơn 1/2 sản lượng của thế giới, ngành công nghiệp nuôi cá của nước này trước đây từng đứng trước những thách thức về môi trường.

Theo bà Julie Dolve Johansen đến từ Nhóm Bảo tồn của Na Uy thuộc Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), ngành nuôi cá nước này gặp 2 vấn đề lớn là rận biển và cá thoát ra khỏi lồng nuôi ra biển.

Rận biển là loài ký sinh trên mình cá và khiến người nuôi cá phải tiêu hủy sớm một lượng lớn cá hồi, gây thiệt hại từ 1,16-1,17 tỷ USD/năm. Ngoài ra, loài ký sinh trùng này còn có thể lây lan sang cá hồi sống trong môi trường tự nhiên và tiêu diệt chúng.

Trong khi đó, cá hồi nuôi khi thoát ra biển cũng có nguy cơ lai tạp gien sau khi phối giống với cá hồi tự nhiên. Cá hồi nuôi rất "mong manh" trước những mối đe dọa của tự nhiên và có tỷ lệ sinh tồn thấp hơn, một đặc tính có thể truyền sang cá hồi tự nhiên.

Đứng trước những thách thức trên, ngành nuôi cá hồi của Na Uy đang nỗ lực triển khai những dự án mang tính sáng tạo để giải quyết vấn đề này.

Tại một nơi nuôi cá ở đảo Hitra, ngoài khơi bờ biển miền Tây Na Uy, thuộc tập đoàn nuôi cá Leroy, cá hồi sắp trưởng thành được nuôi trong môi trường biển cùng với một số cá hàng chài nhỏ, hay còn gọi là "cá vệ sinh", loài có thể ăn rệp biển trên mình cá hồi nuôi, giúp người nuôi cá không phải dùng tới thuốc diệt vi trùng.

Ngoài ra, Chủ tịch Leroy France, Jean-Pierre Gonda, còn trình bày kỹ thuật nuôi cá khác. Đó là bản vẽ một chiếc thuyền lớn nuôi cá có 6 bồn chở nước biển được bơm từ ống hút nước biển ở độ sâu 30 mét và được giữ ở nhiệt độ ổn định, không bị ảnh hưởng bởi thời tiết cũng như loài rận biển.

Mô hình nuôi cá đầu tiên theo kiểu này đã được triển khai vài tuần trước ở cảng Bergen, ngoài khơi bờ biển phía Tây Na Uy.

Nhiều dự án nuôi cá quy mô khác gần gũi với môi trường tự nhiên cũng đã được triển khai tại các vùng biển của nước này nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về cá hồi trên thế giới.

Từng một thời được ca ngợi là đồ ăn xa xỉ, tốc độ tiêu thụ cá hồi - loại cá được cho là giàu chất béo Omega-3 rất tốt cho hệ tim mạch - đã bùng nổ kể từ những năm 80 của thế kỷ trước, nhất là ở Mỹ, Nga, châu Âu và Nhật Bản.

>>>Năm tấn cá hồi biến đổi gien trôi nổi trên thị trường

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục