Khó phân biệt sâm Ngọc Linh thật và giả

21:06' - 13/09/2017
BNEWS Ngày 13/9, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia làm việc với Quảng Nam về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống sản xuất, kinh doanh các sản phẩm sâm Ngọc Linh giả.

Ông Đoàn Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Sở Công thương, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Nam thừa nhận mặc dù các cấp, các ngành đã quyết liệt kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến biển, biên giới và nội địa nhưng tình hình vận chuyển, buôn bán hàng cấm, buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả và mất an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp.

Để đối phó với cơ quan chức năng, các đối tượng buôn bán hàng lậu, hàng giả ngày càng sử dụng nhiều hình thức tinh vi, liều lĩnh hơn như chia lẻ hàng hóa, thay đổi phương tiện vận chuyển qua từng địa phương, thay đổi lịch trình, thay đổi biển số xe…

Hàng hóa vi phạm khá đa dạng như hàng dệt may, thuốc lá điếu, các mặt hàng tiêu dùng, hàng điện tử, điện thoại di động, máy móc thiết bị, xăng dầu, đồ chơi trẻ em, các mặt hàng thực phẩm.

Chỉ riêng trong hơn 9 tháng đầu năm nay, các lực lượng chức năng tỉnh Quảng Nam đã phát hiện, xử lý 2.403 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu, gian lận thuế. Thu nộp vào ngân sách Nhà nước từ tiền xử phạt hành chính, bán hàng tịch thu và truy thu thuế với tổng số tiền trên 57 tỷ đồng.

Đối với công tác đấu tranh chống hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm là sâm Ngọc Linh giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, tỉnh Quảng Nam đã tăng cường nhiều biện pháp kiểm tra, kiểm soát về nguồn gốc, xuất xứ Sâm Ngọc Linh và các sản phẩm từ nguồn dược liệu quý này nhằm đảm bảo cho người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm có chất lượng.

Ông Nguyễn Đình Triệu - Phó Giám đốc Công ty cổ phần thương mại dược sâm Ngọc Linh Quảng Nam cho biết: Trong thực tế, do giá trị của loại dược liệu này khá cao nên kẻ gian dùng nhiều thủ đoạn để trà trộn sâm Ngọc Linh giả và thật nhằm đánh lừa người tiêu dùng. Không riêng người tiêu dùng mà kể cả cơ quan chức năng cũng khó xác định sâm Ngọc Linh thật, giả trên thị trường.

Việc xác định sâm Ngọc Linh thật, giả rất khó khăn vì chi phí giám định mẫu lớn. Nếu muốn xác định sâm Ngọc Linh thật hay giả cần phải lấy mẫu giám định và kết luận cho từng đơn vị sản phẩm một chứ không thể kết luận cho cả lô.

Hiện nay việc xác định sâm Ngọc Linh thật, giả chủ yếu là dựa vào cảm nhận là chính. Việc truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng hàng hóa cũng như công tác kiểm tra, kiểm soát sản phẩm sâm Ngọc Linh từ khâu sản xuất đến khi sản phẩm lưu thông trên thị trường còn lúng túng.

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý đối với sâm Ngọc Linh, các ngành chức năng tỉnh Quảng Nam đang xây dựng dự thảo nhằm giúp lãnh đạo tỉnh ban hành chỉ thị về tăng cường quản lý chất lượng sâm núi Ngọc Linh, xây dựng Quy chế tạm thời trong việc quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ.

Tăng cường công tác kiểm tra để làm rõ nguồn gốc sâm Ngọc Linh được dùng để chế biến tại các cơ sở chế biến; kiểm tra các cơ sở rao bán sâm núi Ngọc Linh và các sản phẩm có nguồn gốc từ sâm núi Ngọc Linh trên mạng internet, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Tại buổi làm việc, ông Hồ Quang Thái, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của các ngành chức năng tỉnh Quảng Nam đối với công tác phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại.

Đối với các kiến nghị của tỉnh Quảng Nam về việc phát triển và bảo vệ thương hiệu cho sâm Ngọc Linh cũng như các sản phẩm chính hiệu từ loại dược liệu này, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia sẽ tổng hợp để trình Thủ tướng Chính phủ và các ngành chức năng ở Trung ương có giải pháp cụ thể./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục