Kinh nghiệm chống chịu với biến đổi khí hậu ở đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long

20:43' - 30/08/2016
BNEWS Việt Nam là một trong 5 nước sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu, trong khi Đồng bằng sông Cửu Long sẽ là một trong 3 vùng có khả năng bị ngập lụt nặng nề nhất trên thế giới.

Ngày 30/8, tại thành phố Cần Thơ, UBND thành phố và Viện nghiên cứu chuyển đổi môi trường và xã hội (ISET) tổ chức Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu ở đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN

Tại Hội thảo, đại diện ISET Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm từ Chương trình Mạng lưới các thành phố châu Á có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu (gọi tắt là Chương trình ACCCRN), do ISET thực hiện tại 10 thành phố của 4 nước châu Á là Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam với đại diện các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và các Viện, Trường trong khu vực.

Các khảo sát cho thấy, Việt Nam là một trong 5 nước sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu. Đồng bằng sông Cửu Long sẽ là một trong 3 vùng có khả năng bị ngập lụt nặng nề nhất trên thế giới.

Các biểu hiện của biến đổi khí hậu như hạn hán, xâm nhập mặn, dông lốc, nhiệt độ không khí tăng cao cùng với hiện tượng đất lún, sạt lở bờ sông đang từng lúc ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Về lâu dài, biến đổi khí hậu sẽ khiến cư dân vùng nông thôn di cư vào thành phố để tìm việc làm, gây ra nhiều khó khăn, áp lực cho khu vực đô thị.

Theo bà Ngô Thị Lệ Mai, Trưởng Văn phòng ISET Việt Nam, Chương trình ACCCRN nhằm tăng cường hiểu biết và hỗ trợ các đô thị xây dựng khả năng chống chịu với Biến đổi khí hậu. Tại Việt Nam, 3 thành phố được lựa chọn để triển khai chương trình là Cần Thơ, Quy Nhơn và Đà Nẵng.

Cụ thể, Chương trình cung cấp các phương pháp tiếp cận mới, các công cụ và hỗ trợ 3 thành phố xây dựng khả năng chống chịu với Biến đổi khí hậu thông qua các dự án như: quản lý sạt lở bờ sông ở Cần Thơ, giảm nhẹ rủi ro lũ lụt ở Quy Nhơn, nhà ở chống bão ở Đà Nẵng, phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết trong bối cảnh biến đổi khí hậu…

Trong quá trình thực hiện dự án có sự tham gia của nhiều bên và người dân để giúp đánh giá vấn đề tổng thể hơn, phú hợp với bối cảnh đô thị.

Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN

Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Hiếu Trung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu – Trường Đại học Cần Thơ, hiện nay chế độ lũ hàng năm ở Đồng bằng sông Cửu Long đã thay đổi do biến đổi khí hậu và các công trình ở thượng nguồn sông Mekong.

Dòng chảy mùa kiệt suy giảm cộng thêm triều từ biển Đông, biển Tây đã làm tình hình xâm nhập mặn diễn ra gay gắt như vừa qua. Bên cạnh đó, các yếu tổ ảnh hưởng đến chất lượng nước như phù sa, phèn, mặn… cũng có nhiều biến động khó lường.

Việc ngăn lũ ở thượng nguồn đã làm thu hẹp dòng chảy, giảm vùng trữ nước dẫn đến vận tốc dòng chảy tăng lên, gây xói lở bờ sông, vỡ đê ở hạ lưu. Ở đô thị, việc bê tông hóa đã gây ngập cục bộ do nước không thấm được vào đất, gây hư hỏng cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Vì vậy, Đồng bằng sông Cửu Long cần có tầm nhìn mới về quy hoạch và quản lý để thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đó, cần tạo vùng trữ lũ dọc các sông, kênh chính và các vùng bảo tồn.

Ở các khu vực này không bố trí dân cư sinh sống mà tận dụng làm khu sinh thái, nuôi trồng thủy sản kết hợp tạo cảnh quan và phát triển du lịch. Ngoài ra, mô hình đô thị xanh đang với nhiều ưu điểm được thực hiện ở các nước trên thế giới cũng cần được nghiên cứu, áp dụng.

Với thực tế 100% nguồn nước mặt ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay là từ nước ngoài chảy vào, Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh, Chánh Văn phòng công tác Biến đổi khí hậu thành phố Cần Thơ cho rằng, để xây dựng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu ở đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long, phải tìm cách để chủ động được nguồn nước mặt bằng các phương pháp như xây dựng các hồ chứa, kênh thoát lũ đồng thời dự trữ nước ngầm.

“Thậm chí, chúng ta cần phải có các nhà máy để biến nước biển thành nước ngọt để có thể hoàn toàn chủ động được nguồn nước trong tương lai”, ông Vinh nhấn mạnh.

Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết, thời gian qua thành phố Cần Thơ đã được Chính phủ, các tổ chức tài chính quốc tế và các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ, nghiên cứu đầu tư và thực hiện thành công các dự án can thiệp để nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cấp đô thị, xây dựng các công trình chống ngập nước, phát triển hạ tầng thành phố. Các dự án này đã bước đầu phát huy hiệu quả giúp cộng đồng an tâm hơn trong thích ứng các sự cố tự nhiên và môi trường.

Từ năm 2008 đến nay, Cần Thơ đã tích cực tham gia sáng kiến “Mạng lưới các thành phố thích ứng biến đổi khí hậu” và từ giữa năm 2016 đã được công nhận là thành viên “Chương trình 100 thành phố chống chịu” do quỹ Rocketfeller sáng lập.

Biến đổi khí hậu với đặc tính khó dự báo sẽ là thách thức to lớn đến việc đô thị hóa, hiện đại hóa, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân. Do đó việc chủ động xây dựng “Khả năng chống chịu đô thị” cho thành phố Cần Thơ là con đường khả thi để phát triển thành phố trong điều kiện khó khăn của tương lai.

Tham gia chương trình “100 thành phố chống chịu”, Cần Thơ đang bắt đầu một tiến trình mới, xây dựng khả năng chống chịu với các nguy cơ đe dọa sự phát triển trong tương lai. Rất nhiều hoạt động công trình và phi công trình cần được tiến hành đồng bộ, nhanh chóng và hiệu quả.

Cần Thơ cũng sẽ không tách biệt sự phát triển của mình với các địa phương khác trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Khả năng chống chịu của thành phố sẽ củng cố và hỗ trợ khả năng chống chịu của tỉnh bạn và ngược lại, nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp của vùng để thích ứng và phát triển./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục