Nhật Bản giúp Việt Nam quản lý thủy lợi, ứng phó với biến đổi khí hậu

14:52' - 08/08/2016
BNEWS Hai bên sẽ hợp tác trong công tác quản lý thủy lợi thông qua vận hành công trình thủy lợi, quản lý thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Nguyễn Xuân Cường đã ký bản ghi nhớ hợp tác với Bộ trưởng Bộ Đất đai, Cơ sở Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản Keiichi Ishii. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS

Ngày 8/8, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Nguyễn Xuân Cường đã ký bản ghi nhớ hợp tác với Bộ trưởng Bộ Đất đai, Cơ sở Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản Keiichi Ishii về quản lý thủy lợi, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo đó, hai bên sẽ hợp tác trong công tác quản lý thủy lợi thông qua vận hành công trình thủy lợi, quản lý thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Các lĩnh vực cụ thể gồm: quy hoạch thủy lợi; xây dựng và vận hành, duy tu bảo dưỡng công trình thủy lợi; các biện pháp phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai thích ứng với biến đổi khí hậu; trong đó, có cả lập hệ thống, mua sắm, nâng cấp các tiêu chuẩn kỹ thuật và phát triển nguồn nhân lực.

Trước khi tiến hành ký kết, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đề xuất thêm ba vấn đề với Bộ trưởng Keiichi Ishii để phía Nhật Bản nghiên cứu thêm trong chương trình phối hợp giữa hai bên.

Thứ nhất là về vấn đề, Đồng bằng sông Cửu Long có 4 triệu ha; trong đó, gần 2 triệu ha canh tác trồng lúa. Trong 6 tháng đầu năm nay, biến đổi khí hậu đã làm vùng này bị hạn hán, nước biển dâng khắc nghiệt nhất trong 90 năm qua. Có những nơi nước biển xâm nhập sâu vào đất liền tới 120 km.

Chính vì thế, Việt Nam phải nghiên cứu, tổ chức lại cơ cấu sản xuất cũng như đối tượng sản xuất tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, diện tích lúa sẽ phải tính toán lại để làm sao có chương trình phát triển thủy sản phù hợp, thích ứng với điều kiện hiện nay. Điều đó sẽ đòi hỏi công tác thủy lợi cũng phải tái cấu trúc cho phù hợp.

Nhật Bản có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này, Việt Nam rất muốn được Nhật Bản chia sẻ những kinh nghiệm đó.

Thứ hai là Việt Nam có bờ biển dài 3.260km nhưng có 1/3 bờ biển đang bị tổn thương rất nặng bởi xói lở. Lĩnh vực này Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường mong muốn Nhật Bản nghiên cứu, chia sẻ có thể phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Vấn đề thứ ba là khu vực các tỉnh miền Bắc của Việt Nam có đặc điểm 85-90% diện tích là đồi núi, có độ dốc cao và khả năng sụt lún rất nghiêm trọng. Điều này liên quan trực tiếp tới sinh mạng con người và phát triển kinh tế cũng như các mặt khác của đời sống.

Bộ trưởng Keiichi Ishii cho biết, dựa trên đề nghị của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, JICA dự kiến sẽ thực hiện cuộc khảo sát để cải thiện hạ tầng trên toàn quốc nhằm giúp Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu, giải quyết các hậu quả thiệt hại do hạn hán, giúp giảm nhẹ thiên tai ở Việt Nam.

Cụ thể, liên quan đến hạn hán vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Nhật Bản cũng gặp phải tình trạng thiếu nước hàng năm. Trong thời gian tới hai bên sẽ cùng đối thoại, chia sẻ, thỏa thuận về hướng tới xử lý vấn đề hạn hán xảy ra ở 2 nước.

Về vấn đề xói lở ở bờ biển, theo Bộ trưởng Keiichi Ishii, Nhật Bản là quốc đảo nên cũng gặp phải tình trạng này. Vì vậy, Nhật Bản đã có những kinh nghiệm cũng như công nghệ để đối phó và Tổ chức JICA sẽ có đoàn khảo sát chi tiết về tình trạng này.

Bộ Đất đai, Cơ sở Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản sẵn sàng hợp tác trong khả năng có thể.

"Nhật Bản là quốc gia có nhiều đồi núi, tình trạng sạt lở cũng xảy ra thường xuyên. Do vậy, Nhật Bản có thể hợp tác với Việt Nam đầy đủ trong việc giải quyết tình trạng sạt lở đồi núi." - ngài Bộ trưởng Keiichi Ishii cho biết./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục