Kinh tế châu Á tiếp tục tăng trưởng

10:49' - 16/04/2018
BNEWS ADB dự đoán Tổng sản phẩm trong nước (GDP) ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ tăng trưởng 6% năm 2018 và 5,9% năm 2019, thấp hơn một chút so với mức tăng 6,1% năm 2017.
ADB dự báo kinh tế châu Á tiếp tục tăng trưởng. Ảnh: TTXVN

Trong báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á 2018 vừa đưa ra ngày 11/4, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho hay tăng trưởng kinh tế tiếp tục diễn ra tại hầu hết các nước đang phát triển tại châu Á, nhờ xuất khẩu vững mạnh và nhu cầu nội địa tăng nhanh.

ADB dự đoán Tổng sản phẩm trong nước (GDP) ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ tăng trưởng 6% năm 2018 và 5,9% năm 2019, thấp hơn một chút so với mức tăng 6,1% năm 2017. Báo cáo nói rằng nhịp độ tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, không kể các nền kinh tế mới công nghiệp hóa có thu nhập cao trong khu vực, sẽ là 6,5% năm 2018 và 6,4% năm 2019, thấp hơn mức tăng 6,6% năm 2017.

Kinh tế Đông Á sẽ tăng 6%

Theo nhà kinh tế trưởng của ADB Yasuyuki Sawada, các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á sẽ duy trì đà tăng trưởng hiện nay nhờ các chính sách lành mạnh, xuất khẩu tiếp tục gia tăng và nhu cầu nội địa tăng cao.

Theo báo cáo của ADB, kinh tế Đông Á dự kiến tăng trưởng 6% năm 2018 và 5,8% năm 2019. Trong đó kinh tế Trung Quốc dự kiến tăng trưởng 6,6% năm 2018 và 6,4% năm 2019, khi chính sách kinh tế tiếp tục thiên về ổn định tài chính và một lộ trình tăng trưởng ổn định hơn cộng với nhu cầu trong nước và quốc tế khá cao.

Kinh tế khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, tiếp tục hưởng lợi từ hoạt động thương mại toàn cầu gia tăng và giá hàng hóa đi lên. Dự kiến, kinh tế Đông Nam Á tiếp tục duy trì mức tăng trưởng 5,2% trong cả hai năm 2018 và 2019, tương tự số liệu của năm 2017.

Đầu tư mạnh mẽ và tiêu dùng trong nước sẽ tạo lực đẩy cho tăng trưởng ở Indonesia (In-đô-nê-xi-a), Philippines (Phi-lip-pin) và Thái Lan, trong khi sự phát triển của lĩnh vực công nghiệp sẽ mang tới cú hích đối với kinh tế Việt Nam.

Trong lúc kinh tế Trung Á dự kiến tăng trưởng 4% năm 2018 và tăng 4,2% năm 2019, nhờ giá hàng hóa tăng. Cũng theo bản báo cáo, mức tăng trưởng của Nam Á thuộc nhóm tăng nhanh nhờ sự hồi phục của Ấn Độ, nền kinh tế lớn nhất khu vực này.

Cần tránh xa bảo hộ thương mại

Trong bối cảnh những quan ngại gia tăng về sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ thương mại, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde đã cảnh báo chính phủ các nước rằng các chính sách bảo hộ thương mại sẽ làm suy yếu tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Trong bài phát biểu tại Hong Kong (Trung Quốc) ngày 10/4 trước thềm cuộc họp mùa Xuân của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) sắp diễn ra, Tổng Giám đốc Lagarde nhận định nền kinh tế thế giới đang ghi nhận những tiến bộ tích cực và thể chế tài chính này vẫn duy trì đánh giá lạc quan về triển vọng kinh tế.

Cũng trong phát biểu của mình, người đứng đầu IMF hối thúc chính phủ các nước "cần tránh xa chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch dưới mọi hình thức" và nhấn mạnh lịch sử cho thấy các biện pháp hạn chế nhập khẩu làm tổn thương tới tất cả mọi người, nhất là những người tiêu dùng có thu nhập thấp hơn. Các biện pháp này không chỉ khiến giá cả hàng hóa trở nên đắt đỏ và sự lựa chọn bị hạn chế, mà còn ngăn cản thương mại đóng vai trò thiết yếu trong việc thúc đẩy năng suất và phân bổ các công nghệ mới.

Trước những lo ngại về căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đối tác trên thế giới sau khi Mỹ áp đặt mức thuế mới đối với sản phẩm nhôm, thép nhập khẩu và thông báo tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, bà Lagarde cho rằng việc xem thâm hụt thương mại như là một dấu hiệu của hoạt động thương mại bất bình đẳng là một sai lầm. Theo bà Lagarde, cách tốt nhất để giải quyết bất bình đẳng thương mại là sử dụng các công cụ tài chính hoặc cải cách cơ cấu.

Tin tức cho hay IMF nói rằng tình trạng giá nhà cùng tăng ở nhiều nước và nhiều thành phố lớn trên khắp thế giới sẽ làm tăng nguy cơ giảm tốc tăng trưởng kinh tế. Theo nghiên cứu mới nhất được nêu trong nội dung Báo cáo ổn định tài chính toàn cầu của IMF sắp được công bố, lãi suất siêu thấp ở các nền kinh tế lớn và sự phục hồi kinh tế sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu là nguyên nhân của việc giá nhà tăng đồng thời ở nhiều nơi.

Thêm vào đó, việc các tổ chức đầu tư và những cá nhân giàu có, như các công ty ủy thác đầu tư bất động sản, đã tăng cường hoạt động đầu tư trên toàn cầu là một nguyên nhân.

IMF cho rằng những điều đó cho thấy giá nhà đang bắt đầu có diễn biến giống hơn với giá của các tài sản tài chính như cổ phiếu và trái phiếu, đang chịu ảnh hưởng từ các nhà đầu tư ở các nơi khác trên thế giới - điều khiến thị trường nhà đất ở nước này dễ bị tác động hơn trước những diễn biến ở nước khác.

Các nhà hoạch định chính sách cần chú ý tới xu hướng này, do xu hướng tăng giá nhà đồng thời có thể báo hiệu nguy cơ giảm tốc tăng trưởng kinh tế./.

>>>Tiêu điểm trong ngày: Xu thế khó đảo ngược

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục