Kinh tế Mỹ sau sáu tháng dưới thời Tổng thống Trump

06:30' - 21/08/2017
BNEWS Tổng thống Trump đã lên nắm quyền được 6 tháng và giới quan sát đã bắt đầu có thể đánh giá tổng quan về triển vọng nền kinh tế Mỹ và quá trình hoạch định các chính sách kinh tế của Chính quyền Trump.
Kinh tế Mỹ sau sáu tháng dưới thời Tổng thống Trump. Ảnh: EPA/TTXVN

Trang tin Arab News mới đây có bài phân tích về 6 tháng với chính sách kinh tế mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump của tác giả Nouriel Roubini, Giám đốc điều hành Trung tâm Roubini Macro Associates và là Giáo sư kinh tế thuộc Đại học Kinh doanh Stern, New York. 

Theo tác giả, vấn đề quan trọng nhất là sự không liên kết giữa hiệu quả của thị trường tài chính và thực tế.

Trong khi thị trường chứng khoán tiếp tục đạt mức cao mới thì nền kinh tế Mỹ lại tăng trưởng với tốc độ trung bình chỉ ở mức 2% trong nửa đầu năm 2017 - tăng trưởng chậm hơn so với thời Tổng thống Barack Obama - và không được kỳ vọng sẽ có kết quả tốt hơn trong suốt nửa năm còn lại.

Các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán tiếp tục nuôi hy vọng rằng ông Trump có thể đẩy mạnh các chính sách kích thích tăng trưởng và tăng lợi nhuận của các doanh nghiệp. 

Hơn nữa, tăng lương chậm sẽ khiến tỷ lệ lạm phát không đạt mục tiêu đề ra của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), có nghĩa là Fed sẽ phải duy trì mức lãi suất chậm hơn so với dự kiến.

Lãi suất dài hạn thấp và giá trị đồng USD thấp hơn là những thông tin tốt cho thị trường chứng khoán Mỹ và chương trình nghị sự của ông Trump vẫn có lợi cho các cổ phiếu cá nhân về mặt lý thuyết.

Hiện không có nhiều lý do để lo ngại rằng một chương trình kích cầu tài chính khổng lồ sẽ đẩy đồng USD lên và buộc Fed phải tăng lãi suất. Theo quan điểm về hiệu quả chính trị của Chính quyền ông Trump, có thể thấy rằng nếu có bất kỳ kích thích nào thì cũng chỉ rất nhỏ. 

Khả năng yếu kém trong chính sách kinh tế của Chính quyền Trump có lẽ sẽ không thể cải thiện. Những nỗ lực của đảng Cộng hòa trong việc thay thế bộ luật y tế “Bảo vệ bệnh nhân và chăm sóc sức khỏe  phù hợp” (Obamacare) đã thất bại vì các thành viên của đảng Cộng hòa từ chối bỏ phiếu cho một dự luật có thể làm mất đi bảo hiểm y tế của hơn 20 triệu người dân Mỹ.

Chính quyền của ông Trump hiện đang tiến hành cải cách thuế, nhưng những cải cách này rất khó có thể ban hành được. Các đề xuất về cải cách thuế trước đây đã dự tính sẽ tiết kiệm được một khoản nhờ việc bãi bỏ Obamacare và thực hiện chính sách "thuế điều chỉnh biên giới", nhưng nay chưa thể thực hiện được.

Những thực thế này cho thấy đảng Cộng hòa không có nhiều lựa chọn bởi vì các quy tắc giải ngân của Thượng viện Mỹ yêu cầu tất cả các khoản cắt giảm thuế phải trung hòa nguồn thu thuế sau 10 năm. Để đem lại lợi ích cho công nhân Mỹ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải cách thuế cần gia tăng gánh nặng cho người giàu cũng như giúp đỡ người lao động và tầng lớp trung lưu. 

Tuy nhiên, đề xuất của ông Trump thì ngược lại: 80-90% lợi ích sẽ nằm trong tay những người thuộc top 10% những người có thu nhập cao.

Các tập đoàn của Mỹ không tích trữ hàng triệu tỷ USD tiền mặt và từ chối đầu tư vốn vì thuế suất quá cao, như ông Trump và những người của đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ tuyên bố. Thay vào đó, các doanh nghiệp ít có xu hướng đầu tư vì tăng trưởng tiền lương chậm làm giảm tiêu thụ và do đó tăng trưởng kinh tế nói chung vẫn thấp.

Ngoài kế hoạch cải cách thuế, kế hoạch của ông Trump nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế ngắn hạn thông qua việc chi tiêu cho cơ sở hạ tầng khoảng 1 nghìn tỷ USD vẫn chưa thể đạt được.

Thay vì hướng các hạng mục đầu tư của chính phủ vào số tiền đó, Chính quyền của ông Trump lại muốn cung cấp các ưu đãi thuế khiêm tốn cho khu vực tư nhân để nhắm vào nhiều dự án khác nhau.

Điều này tốn nhiều thời gian hơn là cắt giảm thuế để thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng lớn từ đầu đến cuối và số lượng các dự án "sẵn sàng khởi công" rất ít.

Về thương mại, hiện có cả tin tốt lẫn tin xấu. Tin tốt là Chính quyền Mỹ không theo đuổi các chính sách bảo hộ triệt để, chẳng hạn không xây dựng thương hiệu quốc gia theo kiểu thao túng tiền tệ, không thay đổi thuế đồng loạt hoặc điều chỉnh biên độ thuế lên.

Tin xấu là ông Trump đang trung thành với phương châm "mua hàng Mỹ, thuê người Mỹ" và các hành động bảo vệ của ông sẽ gây tổn thương nhiều hơn mà lại không thể tạo thêm việc làm.

Ông đã từ bỏ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và đàm phán lại Hiệp định Đối tác Đầu tư và Thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP) với Liên minh châu Âu (EU).

Ông Trump cũng đang thương lượng lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và có thể đàm phán lại các hiệp định thương mại tự do khác, như Thỏa thuận song phương với Hàn Quốc.

Ông Trump vẫn có thể bắt đầu một cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc bằng cách đưa ra mức thuế đối với thép và các sản phẩm khác của Trung Quốc - đặc biệt là giờ đây Bắc Kinh chưa thể hiện rõ thái độ hợp tác trong việc ứng phó với mối đe dọa hạt nhân đang leo thang của Triều Tiên.

Ông Trump cũng có thể hạn chế tiềm năng tăng trưởng của Mỹ bằng cách hạn chế nhập cư. Chính quyền này có ý định hạn chế di dân đối với những người lao động có kỹ năng cao và đang đẩy mạnh việc trục xuất những người nhập cư không có giấy tờ. Điều này cùng với việc xây dựng các bức tường biên giới sẽ cắt giảm nguồn cung nhân lực trong tương lai.

Cuối cùng, chương trình nghị sự dỡ bỏ kiểm soát mà Chính quyền của ông Trump đề xuất sẽ không thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và có thể làm suy yếu nền kinh tế theo thời gian. Nếu các quy định về tài chính bị nới lỏng quá nhiều thì kết quả có thể gây ra “bong bóng” tài sản và tín dụng khác, thậm chí là cả khủng hoảng tài chính lẫn suy thoái kinh tế.

Theo Giáo sư Roubini, quyết định rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu của ông Trump kết hợp với việc rút lại các quy định về môi trường sẽ dẫn tới suy thoái sinh thái và tăng trưởng chậm hơn trong các ngành kinh tế "xanh" như năng lượng Mặt Trời.

Những yếu kém trong bảo vệ người lao động sẽ làm giảm sức lao động, từ đó ảnh hưởng tới tăng trưởng tiền lương và tiêu dùng tổng thể. Không có gì ngạc nhiên khi tăng trưởng thực tế và tiềm năng còn chênh nhau ở mức khoảng 2%. Tỉ lệ lạm phát thấp và lợi nhuận của các công ty và thị trường chứng khoán đang tăng cao.

Định giá thị trường cao được thúc đẩy bởi tính thanh khoản và sức mua dồi dào chưa phản ánh đúng nền kinh tế Mỹ hiện nay. Một quyết định điều chỉnh thị trường sẽ là điều không tránh khỏi. Câu hỏi duy nhất là ông Trump sẽ đổ lỗi cho ai khi điều đó xảy ra./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục