Kinh tế quý I: Hiệu ứng lan tỏa từ Nghị quyết 01/NQ-CP

09:02' - 31/03/2018
BNEWS Mới sau 3 tháng triển khai nhưng tinh thần của Nghị quyết 01/NQ-CP/2018 dường như đã lan tỏa tới từng "ngõ ngách" và tạo ra hiệu ứng tích cực trong đời sống xã hội.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Mới sau 3 tháng triển khai nhưng tinh thần của Nghị quyết 01/NQ-CP/2018 dường như đã lan tỏa tới từng "ngõ ngách" và tạo ra hiệu ứng tích cực trong đời sống xã hội.

Với sự chủ động, sáng tạo, sâu sát trong chỉ đạo điều hành của Thủ tướng Chính phủ, cùng sự nghiêm túc, kỷ cương trong hành động của các bộ, ngành, địa phương đã mang lại sự lạc quan, tin tưởng và bước đầu tác động tốt tới tăng trưởng của nền kinh tế.

Lần đầu tiên trong vòng 10 năm trở lại đây kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao nhất trong quý I. Mặc dù vậy, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, dự báo kinh tế trong năm nay còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Để tìm hiểu rõ hơn, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, TS. Nguyễn Bích Lâm xung quanh nội dung này.

Phóng viên: Xin ông đánh giá về tình hình kinh tế 3 tháng đầu năm 2018. Những ngành, lĩnh vực nào có dấu hiệu khởi sắc giúp cho kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong những tháng đầu năm thưa ông ?

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Quý I năm 2018, tổng sản phẩm trong nước tăng 7,38% so với cùng kỳ năm trước và là lần đầu tiên trong vòng 10 năm trở lại đây kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao nhất, cao hơn cả mức tăng trưởng 6,12% được đánh giá là đầy triển vọng đối với nền kinh tế của quý I năm 2015.

Đóng góp vào mức tăng trưởng 7,38% của quý I/2018 do ngành công nghiệp chế biến chế tạo vẫn duy trì được vai trò đầu tàu thì điểm sáng xuất hiện ở ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản. Đặc biệt sự phục hồi của ngành nông nghiệp sau 2 năm tăng trưởng thấp (quý I năm 2016 tăng trưởng âm 2,69%; quý I năm 2017 tăng 1,38%) đã cho thấy tín hiệu đáng mừng của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Trong quý I năm 2018, với mức tăng trưởng 3,76% của ngành nông nghiệp và mức tăng 4,76% của ngành thủy sản, lần đầu tiên kể từ năm 2010, ngành nông nghiệp và thủy sản có mức tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ trong 8 năm qua. Hai ngành này đóng góp chủ yếu vào mức tăng 4,05% của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (Khu vực I).

Ngành công nghiệp chế biến chế tạo 3 tháng đầu năm vẫn duy trì được đà tăng trưởng cao trong năm 2017 với tốc độ tăng của quý I/2018 đạt 13,56%. Đây cũng là mức tăng cao nhất và cũng là ngành có đóng góp vào tăng trưởng GDP của quý I cao nhất trong số các ngành kinh tế của nước ta kể từ năm 2010. Ngành công nghiệp khai khoáng tuy vẫn còn nhiều khó khăn nhưng cũng đạt tăng trưởng dương 0,4% sau nhiều năm tăng trưởng âm đã không còn là nhân tố kìm hãm tăng trưởng GDP như các chu kỳ trước đây.

Dây chuyền sản xuất của Doveco tại Đồng Giao - Ninh Bình. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Phóng viên:Theo thông lệ hàng năm, GDP quý I thường đạt thấp so với những quý trong năm nhưng năm nay lại có xu hướng tăng cao. Theo ông đâu là nguyên nhân ?

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Thông thường những năm trước đây GDP quý I thường đạt thấp hơn so với những quý trong năm chủ yếu do hoạt động sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam đang chịu ảnh hưởng rất lớn từ yếu tố mùa vụ (nghỉ tết, đầu tư, xây dựng nhà ở, sản xuất nông nghiệp theo mùa, các lễ hội, mùa du lịch và cả về thủ tục hành chính…).

Tuy nhiên, quý I năm 2018 lại có tốc độ tăng khá cao là do nguyên nhân chủ yếu sau: Trong quý I/2018, với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cùng với thời tiết thuận lợi, diện tích và năng suất cây trồng tăng, chăn nuôi gia cầm tăng trưởng khá, giá sản phẩm nông nghiệp và thủy sản đảm bảo có lãi cho người nông dân là những yếu tố tạo nên sự bứt phá trong hoạt động sản xuất của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Tăng trưởng của khu vực I là một trong những nhân tố thúc đẩy GDP quý I tăng cao.

Cùng với khu vực I, ngành công nghiệp chế biến chế tạo vẫn duy trì được đà sản xuất của 6 tháng cuối năm 2017, tiếp tục là điểm sáng trong tăng trưởng quý I khi đạt mức tăng 13,56%, cao nhất kể từ năm 2010. Cộng đồng doanh nghiệp đã có nhìn nhận và đánh giá tích cực về hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2018. Các ngành công nghiệp chế biến chế tạo chủ lực của Việt Nam vẫn giữ được chỉ số sản xuất tăng cao.

Cùng với ngành công nghiệp chế biến chế tạo, sau nhiều năm suy giảm do giá dầu thế giới giảm mạnh, quý I năm 2018, ngành khai khoáng đã có mức tăng trưởng không âm cũng góp phần làm tăng tốc độ tăng trưởng GDP. Hoạt động du lịch 3 tháng đầu năm cũng là điểm sáng khi tổng số khách quốc tế đến Việt Nam tăng 30,9%. Nhờ vậy, doanh thu lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành cũng duy trì tăng trưởng khá.

Tổng cầu trong nước và tổng cầu quốc tế đều có sự gia tăng. Xuất khẩu của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2018 có mức tăng trưởng cao đạt mức 22%, chỉ thấp hơn cùng kỳ năm 2012.

Phóng viên:Kết quả này có phải do việc các bộ, ngành, địa phương đã tích cực thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng nhanh và bền vững?

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Như tôi vừa đề cập ở trên, vai trò chủ động, sáng tạo, chỉ đạo sâu sát và cụ thể của Thủ tướng Chính phủ được cụ thể hóa qua việc chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương xây dựng kế hoạch, chương trình hành động và kiểm điểm việc thực hiện cụ thể Nghị quyết này là yếu tố rất quan trọng trong kết quả tăng trưởng kinh tế của quý I/2018, thể hiện qua các nội dung như: tái cấu trúc trong khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản đang tiếp tục triển khai và bước đầu đã phát huy hiệu quả.

Thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản phẩm trong nội bộ ngành nông nghiệp theo hướng đầu tư vào những sản phẩm có giá trị kinh tế cao, chất lượng tốt; phù hợp với vùng miền và thích ứng với biến đổi khí hậu; ưu tiên phát triển những mô hình ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap... nên giá trị sản lượng ngành nông nghiệp vẫn tiếp tục tăng.

Đặc biệt, các sản phẩm rau củ quả chất lượng cao đạt tiêu chuẩn an toàn chất lượng đang ngày càng được ưa chuộng, là lựa chọn của người tiêu dùng; giá trị sản phẩm và tỷ trọng ngày càng tăng… Hoạt động thủy sản cũng được phát triển theo hướng thâm canh tăng sản lượng, mở rộng quy mô; tăng cường các mối liên kết, đặc biệt mối liên kết giữa đơn vị sản xuất và các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ...

Kinh tế thế giới dự báo tiếp tục tăng trưởng với mức tăng cao hơn năm 2017; với độ mở cao của nền kinh tế nước ta, tổng cầu của thế giới tăng cũng là động lực quan trọng cho mở rộng sản xuất trong nước để xuất khẩu. Xuất khẩu trong 3 tháng đầu năm 2018 đạt hơn 54,3 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2017, tạo nên cán cân thương mại hàng hóa của quý I/2017 xuất siêu 1,3 tỷ USD.

Thị trường thế giới diễn biến tích cực đã tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động sản xuất trong nước phát triển. Giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 3,88 tỷ USD tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2017.

Thị trường tiền tệ được điều hành linh hoạt, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng. Tỷ giá ổn định, lãi suất giữ ở mức thấp nhờ lạm phát được kiểm soát, thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào, dự trữ ngoại hối gia tăng cũng là kết quả của việc thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ trong những năm qua.

Phóng viên:Với những thách thức, khó khăn của nền kinh tế vẫn còn tồn tại, theo ông cần những giải pháp gì để đạt tốc độ tăng trưởng bền vững trong năm 2018?

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, dự báo kinh tế nước ta còn gặp nhiều khó khăn, thách thức: Chất lượng tăng trưởng và năng suất lao động thấp. Lạm phát vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng cao hơn mục tiêu Quốc hội đã đặt ra, công nghiệp chế biến, chế tạo những tháng cuối năm khó duy trì tốc độ tăng như cùng kỳ năm trước. Các biện pháp bảo hộ thị trường ở một số nước, đặc biệt là Mỹ tiếp tục gia tăng sẽ là rào cản đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Thời tiết, hạn hán, xâm nhập mặn còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân.

Để thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, trong thời gian tới, các cấp, các ngành và địa phương cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2018 của Chính phủ như: điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, có giải pháp hiệu quả ứng phó với Cục dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất cơ bản trong năm 2018 và hấp thụ các luồng tiền từ việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp lớn nhằm kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, nhất là công nghiệp chế biến sâu, chế biến sản phẩm nông nghiệp; công nghiệp phụ trợ, sản xuất hàng tiêu dùng; tiếp tục kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển… Khuyến khích nhu cầu tiêu dùng sản phẩm trong nước, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong nước đối với hàng nhập khẩu...

Phóng viên: Xin cám ơn ông!

>>> Lập tổ thư ký giúp việc Ban CĐQG về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục