Kinh tế số: Xu hướng mới trên toàn cầu

12:39' - 19/07/2016
BNEWS Hầu hết nền kinh tế phát triển trên thế giới có một chiến lược phát triển công nghệ số, tập trung vào việc nghiên cứu để có thể áp dụng công nghệ mới vào việc tăng trưởng kinh tế.

Nền kinh tế số (hay còn gọi là nền kinh tế Internet hoặc kinh tế mới) là một nền kinh tế dựa trên các công nghệ kỹ thuật số. Lĩnh vực công nghệ kỹ thuật số phát triển đã mở đường cho sự đổi mới và phát triển trên toàn cầu.

Những tiến bộ công nghệ trong nhiều năm qua đã tác động vào các ngành kinh doanh cũng như mọi khía cạnh của cuộc sống.

Công nghệ số kết hợp với kinh tế truyền thống - Xu hướng mới trên toàn cầu. Ảnh minh họa: TTXVN

Công nghệ số thúc đẩy nhiều ngành kinh doanh cải tiến mô hình phát triển, tạo ra nhiều ngành công nghiệp mới và xóa mờ đường biên giới địa lý. Hiện nay, hầu hết nền kinh tế phát triển trên thế giới có một chiến lược phát triển công nghệ số, tập trung vào việc nghiên cứu để có thể áp dụng công nghệ mới vào việc tăng trưởng kinh tế.

Nhiều người cho rằng các công nghệ thông minh có thể thay thế công việc của con người, khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Tuy nhiên, thực tế cho thấy cứ một công việc liên quan đến công nghệ cao sẽ tạo thêm 5-7 công việc đi kèm.

Mới đây, tại Hội nghị cấp bộ trưởng về Nền kinh tế số 2016 với chủ đề "Đổi mới, Tăng trưởng và Thịnh vượng xã hội" do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Chính phủ Mexico đồng tổ chức ở khu nghỉ dưỡng Cancun của Mexico, OECD đã nhấn mạnh đến vai trò của nền kinh tế số.

Công nghệ số cũng được xem là một trong những ưu tiên hàng đầu của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Ảnh minh họa: TTXVN

Theo OECD, chính phủ các nước thành viên OECD cần nhận thức hơn bao giờ hết về sự cần thiết của việc phát triển có chiến lược nền kinh tế số, trong nỗ lực gia tăng lợi ích cũng như đối phó với các thách thức chính hiện nay như bài toán thất nghiệp, tình trạng bất bình bằng và đói nghèo.

Nhìn về khu vực châu Á, công nghệ số cũng được xem là một trong những ưu tiên hàng đầu của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để giúp Hiệp hội trở thành một trong năm nền kinh tế số hóa trên thế giới trước năm 2025.

Việc thực hiện một chiến lược phát triển nền kinh tế số hóa có thể khiến tổng GDP của ASEAN tăng thêm một nghìn tỷ USD trong vòng 10 năm tiếp theo.

Có thể nói rằng ASEAN có nhiều cơ sở để thực hiện mục tiêu này. Trước hết, lực lượng dân số ASEAN trẻ. Cộng đồng ASEAN có tổng dân số hơn 600 triệu người, trong đó, tỷ lệ người dân biết chữ là 94% và 50% dân số ASEAN dưới 30 tuổi. Đồng thời, khoảng 90% số người dưới 30 tuổi tiếp cận được với Internet.

Hiện nay có khoảng 40% dân số toàn cầu sử dụng Internet mỗi ngày. Sự phát triển mạnh mẽ của Internet cùng với ứng dụng phổ biến của các thiết bị điện thoại thông minh hay máy tính bảng giúp mọi người có thể dễ dàng kết nối và tương tác với nhau từ bất kỳ nơi nào trên thế giới.

Không một quốc gia nào có thể đứng ngoài xu thế toàn cầu hóa công nghệ. Tuy nhiên, các chính phủ cần đưa ra các quy định kiểm soát chặt chẽ để tránh lạm dụng thế giới ảo Internet và sử dụng thông tin sai mục đích.

Báo cáo trong hội nghị kể trên, OECD và công ty tư vấn Global Management Consulting (BCG) đã lấy Mexico làm ví dụ minh chứng cho sự tăng trưởng mạnh của kinh tế số tại nước này trong những năm qua, từ chỗ chiếm 2,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP)năm 2010 đã tăng lên 4,2% GDP trong năm 2015. Mexico cũng đã trở thành nền kinh tế số lớn thứ hai khu vực Mỹ Latinh, sau Brazil.

Cristóbal Perdomo, nhà sáng lập công ty quản lý quỹ rủi ro chuyên về Internet Juaguar Ventures, nhận định trong vòng 5 năm tới, nền kinh tế số tại Mexico sẽ tăng trưởng từ 40-50%/năm và đến năm 2020, đạt giá trị trên 300 tỷ USD.

Trong khi đó, Eric Pérez- Grovas, người đồng sáng lập của Jaguar Ventures, đánh giá Mexico là thị trường số lớn và hấp dẫn nhất khu vực, với những điều kiện tốt nhất về kinh doanh công nghệ, từ phát triển hạ tầng, thị trường tiềm năng, tiếp cận vốn, cũng như thanh khoản tốt về thanh toán điện tử, kết nối và tốc độ Internet chất lượng cao.

Một báo cáo khác mang tựa đề “Visual Networking Index” do công ty Cisco công bố dự báo năm 2020 sẽ có hơn 62% dân số Mexico dùng Internet, tương đương khoảng 89 triệu người, với tốc độ tăng lên tới 40%/năm.

Bên cạnh đó, lượng điện thoại thông minh sẽ chiếm trên 22% tổng số các phương tiện truy cập mạng. Mức tăng trưởng của dịch vụ băng tần rộng tại Mexico trong năm 2015 được coi là cao, phù hợp với xu hướng thế giới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục