Kinh tế vĩ mô ổn định nhưng chưa vững chắc

18:08' - 03/06/2016
BNEWS Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 5 tháng qua, chỉ số sản xuất công nghiệp, khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển,… Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại chi nhánh may TNG Sông Công. Ảnh: Hoàng Nguyên-TTXVN

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 5 tháng qua, chỉ số sản xuất công nghiệp, khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển, lãi suất cho vay có xu hướng giảm; tỷ giá, thị trường ngoại tệ ổn định; thu hút vốn FDI tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực…

Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định nhưng chưa vững chắc, vẫn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát tăng cao.

* Các mục tiêu kinh tế tăng trưởng chậm

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, 5 tháng qua, tình hình sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi nhưng chậm.

Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5 tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 7,8% so với tháng 5/2015; tính chung 5 tháng đầu năm tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 9,4%).

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng thấp chủ yếu do: công nghiệp khai khoáng tăng trưởng âm (-) 1,2%; và sự giảm sút của tốc độ tăng công nghiệp chế biến.

Bên cạnh đó, tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản gặp nhiều khó khăn.

Nguyên nhân là do hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn, vụ lúa Đông Xuân năm nay giảm cả về diện tích, năng suất và sản lượng lúa so với vụ Đông Xuân năm trước.

Cụ thể, sản lượng lúa Đông Xuân cả nước giảm gần 1,9 triệu tấn so với vụ Đông Xuân năm trước.

Do ảnh hưởng thiên tai và ô nhiễm môi trường, sản lượng thủy sản chỉ tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 3,1%); trong đó, nuôi trồng ước tăng 0,5%; khai thác ước tăng 3,1%.

Khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển nhưng còn nhiều khó khăn.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng đầu năm tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2015, tương đương cùng kỳ năm trước; nếu loại trừ yếu tố giá, tăng 7,8% (cùng kỳ tăng 8,2%).

Tổng kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm ước đạt 67,7 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,3%), thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu đề ra cho cả năm là 10%.

Tổng kim ngạch nhập khẩu 5 tháng đầu năm ước đạt 66,34 tỷ USD, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm 2015 (cùng kỳ tăng 15,8%).

Nhìn chung, tổng kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm tăng thấp hơn cùng kỳ năm trước và thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra; trong đó, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến chỉ bằng một nửa so với tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch nhập khẩu giảm mạnh so với cùng kỳ chủ yếu do giá nhập khẩu giảm.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng liên tục trong 4 tháng qua. Riêng tháng 5 tăng 0,54% so với tháng trước và tăng 1,88% so với tháng 12/2015.

So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 5 tăng 2,28%, bình quân 5 tháng tăng 1,59%. Lạm phát cơ bản bình quân 5 tháng đầu năm tăng 1,78% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, lạm phát 5 tháng đầu năm thấp nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát tăng cao. Đặc biệt là tình hình giá dầu thô và lương thực, nông sản trên thị trường thế giới tiếp tục tăng.

Hiện, giá dầu thô đã tăng 80% so với mức giá thấp nhất trong tháng 1 năm 2016 và có thể tăng cao hơn trong thời gian tới, sẽ tác động làm tăng giá hầu hết các vật tư, nguyên liệu, đẩy chi phí, giá thành sản xuất tăng lên, gây áp lực tăng mặt bằng giá đầu ra.

Khi lạm phát tăng cao, sẽ tác động tới mặt bằng lãi suất huy động, khó có thể thực hiện được mục tiêu giảm lãi suất cho vay để kích thích sản xuất và tăng trưởng.

Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn, thách thức, tình hình kinh tế cả nước trong 5 tháng qua cũng có những điểm sáng như: vốn và số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng cao, hơn nữa, vốn và số doanh nghiệp trong nước đăng ký hoạt động cũng tăng lên.

Trong 5 tháng đầu năm, tổng vốn FDI thực hiện ước đạt 5,8 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 7,6%).

Tổng vốn FDI đăng ký ước đạt 10,16 tỷ USD, gấp gần 2,4 lần cùng kỳ năm trước (cùng kỳ giảm 22%).

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng cao so với cùng kỳ cả về số vốn đăng ký và thực hiện chủ yếu do tác động tích cực của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã tạo niềm tin thu hút vốn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

Số doanh nghiệp trong nước đăng ký hoạt động tăng lên, đó cũng là một trong những chuyển biến tích cực của nền kinh tế.

5 tháng đầu năm, có 44.740 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 349.463 tỷ đồng; so với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp tăng 24,1% (cùng kỳ tăng 15,5%), số vốn đăng ký tăng 59,3% (cùng kỳ tăng 26,3%).

Nổi bật, có gần 13.000 doanh nghiệp trước đây gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động, nay đã trở lại hoạt động, tăng 75,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 5,9%).

* Cấp bách các giải pháp

Để đạt được các mục tiêu 6,7% GDP tăng trưởng trong năm nay, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5, Chính phủ đã thể hiện rõ quyết tâm phải tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, coi đây là nền tảng quan trọng cho tăng trưởng.

Dây chuyền sản xuất vải địa kỹ thuật tại Công ty Cổ phần Dệt công nghiệp Hà Nội (Haicatex). Ảnh: Danh Lam-TTXVN

Song song với đó, phải đạt tốc độ tăng trưởng 6,7% như Nghị quyết của Quốc hội đã yêu cầu, vì chỉ có tăng trưởng mới bảo đảm được các cân đối lớn, tăng thu ngân sách và giải quyết được các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ ngành cùng tham gia vào mục tiêu này, trong đó tại thời điểm hiện nay sẽ không thực hiện tăng giá điện, lệ phí, phí giao thông; việc điều chỉnh giá dịch vụ các lĩnh vực giáo dục, y tế phải có lộ trình, không tăng đồng loạt; giữ ổn định giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi từ nay đến cuối năm.

Bộ Công Thương theo dõi sát sao diễn biến giá dầu thô, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương kiểm soát chặt chẽ việc điều chỉnh giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá dầu thế giới, nhưng không để tác động tiêu cực tới giá cả trong nước và ảnh hưởng tới chi phí sản xuất trong nước.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, địa phương cần theo dõi sát sao diễn biến giá cả thị trường thế giới và trong nước các mặt hàng nông, lâm, thủy sản; đánh giá lại tình hình và dự báo sản xuất nông nghiệp thời gian tới; bảo đảm cân đối cung - cầu lương thực, thực phẩm, có kế hoạch xuất khẩu gạo phù hợp với tình hình hiện nay; thực hiện tốt khâu phân phối, lưu thông hàng hóa.

Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, cần tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, như: nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa...

Tiếp tục tập trung tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu; giám sát chặt chẽ hoạt động của các tổ chức tín dụng yếu kém; làm minh bạch hơn thực chất nợ xấu của các tổ chức tín dụng để có biện pháp xử lý phù hợp; phòng ngừa, ngăn chặn sự gia tăng nợ xấu và nâng cao chất lượng tín dụng của các tổ chức tín dụng.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, về đề án lộ trình tự do hóa các giao dịch vốn tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước phối hợp rất chặt chẽ với các bộ liên quan xây dựng đề án; đồng thời, xây dựng và tổ chức thực hiện đề án chống đô la hóa trong nền kinh tế, hạn chế tín dụng ngoại tệ đi đôi với xây dựng thị trường mua bán ngoại tệ phù hợp; tiếp tục ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục