Ký ức về những người thầy tiêu biểu của nền giáo dục Việt Nam (Phần 2)

07:03' - 12/11/2017
BNEWS “Tôn sư trọng đạo” đã trở thành truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc từ ngàn đời. Nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, hãy cùng BNews nhớ về người thầy tiêu biểu của nền giáo dục Việt Nam.

Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân - Cây đại thụ của nền giáo dục Việt Nam

Giáo sư, Nhà giáo Nhà dân Nguyễn Lân là một trong những gương mặt sáng của thế kỷ XX và thế kỷ XXI. Đẹp về nhân cách. Đẹp về sự nghiệp. Một con người đã sống trọn đời cho nền giáo dục, cho văn học và cho ngôn ngữ của non sông Việt Nam.

GS Nguyễn Lân (phải) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trò chuyện trong một lần gặp gỡ. Ảnh: Thể thao & Văn hóa

Ông sinh ngày 14-6-1906, tại thôn Ngọc Lập, xã Phùng Chí Kiên, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Mất ngày 7-8-2003, tại Hà Nội.

Năm 1932, ông tốt nghiệp xuất sắc Ban văn Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương.

Từ năm 1932 đến 1935 dạy học tại các trường tư thục: Hồng Bàng, Thăng Long. Từ năm 1935-1945 dạy ở Quốc học Huế, Đồng Khánh, Bách Công (ở Huế).

Trong thời gian kháng chiến chống Pháp, ông đã đảm nhiệm các công việc: Giám đốc Học Chính Trung Bộ (1945-1946); dạy học Ban Chuyên khoa Trường Chu Văn An, Hà Nội (1946); Giám đốc Giáo dục Liên khu 10 (1947-1949); Giám đốc Giáo dục Liên khu Việt Bắc (1949-1951); dạy học tại Khu học xá Trung ương (Nam Ninh, Trung Quốc từ năm 1951-1956); dạy học tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội từ năm 1956, Chủ nhiệm khoa Tâm lý - Giáo dục từ 1965 đến khi về hưu năm 1971.

Ngoài dạy học, ông còn viết tiểu thuyết, truyện ngắn, làm thơ và sách giáo dục, biên soạn nhiều từ điển: Từ điển Pháp - Việt, Việt - Pháp; Từ điển Hán - Việt; Từ điển chính tả; Thuật ngữ tâm lý giáo dục và nhiều giáo trình giảng dạy văn học, ngôn ngữ...

Ông đã xuất bản nhiều công trình, tác phẩm khoa học tốt: Sách về giáo dục có: Ngữ pháp Việt Nam; Muốn đúng chính tả (1949); Lịch sử giáo dục học thế giới (1958); Người thầy giáo xã hội chủ nghĩa (1960); Giảng dạy trên lớp, Giáo trình giáo dục học (1961, viết chung); Công tác chủ nhiệm lớp (1962); Quy chế thực tập sư phạm (1962, viết chung); Viết thế nào cho đúng (1965, viết chung); Tôi yêu tiếng Việt (1995).

Sách lịch sử có: Nguyễn Trường Tộ (1943).

Sách từ điển có: Từ điển chính tả phổ thông (1963); Thuật ngữ tâm lý giáo dục (1967); Từ điển tiếng Việt (1967); Từ điển Pháp-Việt (1981, soạn chung); Từ điển từ và ngữ Hán - Việt (1989); Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam (soạn chung); Từ điển Việt-Pháp; Từ điển thành ngữ và tục ngữ Pháp-Việt (1993); Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt-Pháp (1994); Từ điển từ và ngữ Việt Nam (2000).

Tiểu thuyết có: Cậu bé nhà quê (1925), Khói hương (1935), Ngược dòng (1936), Hai ngả (1938).

Giáo sư, NGND Nguyễn Lân đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về các công trình khoa học.

Giáo sư Hoàng Xuân Hãn - một nhà khoa học lớn

Giáo sư Hoàng Xuân Hãn sinh ngày 8-3-1908 tại thôn Yên Phúc, làng Yên Hồ, huyện La Sơn, phủ Đức Thọ (nay là tỉnh Hà Tĩnh); mất ngày 10-3-1996 tại Pháp.

Từ năm 1930 - 1936, Hoàng Xuân Hãn học ở Pháp. Từ năm 1936 - 1950, ông vừa dạy học, vừa nghiên cứu khoa học phục vụ đất nước. Những năm 1936-1939, ông dạy học ở Trường Bưởi, tham gia hội Truyền bá Quốc ngữ, chống nạn thất học, đưa ra phương pháp mới để dạy chữ Quốc ngữ.

Năm 1951, ông sang Paris và định cư tại Pháp. Trong thời kỳ 1951-1954, ông đã giúp Thư viện Quốc gia Pháp, các thư viện Dòng Tên ở Italy và Tòa thánh Vatican làm thư mục về sách Việt Nam. Tại Pháp, ông cho xuất bản cuốn La Sơn Phu tử (1952).

Từ năm 1956-1958, ông nghiên cứu khoa học, tốt nghiệp ngành Kỹ sư năng lượng nguyên tử tại Học viện quốc gia Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân Pháp. Trong gần 40 năm (từ 1958 - 1996), ông tiếp tục công việc nghiên cứu, viết bài cho các báo Sử Địa (Sài Gòn, từ 1966 đến 1974); tập san Khoa học xã hội (Paris, từ 1976 đến 1987); Đoàn kết (Paris, 1976-1981); Diễn đàn (Paris, 1991-1994) và nghiên cứu về truyện Kiều.

Về giáo dục, ông có những cống hiến có tính "chiến lược". Cuốn Vần Quốc ngữ với bài vè "O tròn như quả trứng gà..." của ông được công nhận là một ”vũ khí” hiệu nghiệm chống nạn mù chữ cho nhân dân.

Cuốn Danh từ khoa học là “chìa khóa” cho việc học và dạy khoa học từ tiểu học đến đại học bằng tiếng Việt. Chương trình phổ thông trung học thường được gọi là “Chương trình Hoàng Xuân Hãn" đến nay vẫn là tài liệu tham khảo quý cho việc xây dựng nền trung học phổ thông.

Trong số hàng nghìn học trò của thầy Hãn ở Trường Bưởi và các trường đại học Hà Nội, có hàng trăm tên tuổi thành đạt trong nhiều ngành và hàng chục người là những ngôi sao sáng về học thuật trên thế giới.

Trong khoa học xã hội và nhân văn, Hoàng Xuân Hãn là người đi tiên phong, vận dụng phương pháp luận khoa học một cách chặt chẽ và sáng tạo vào việc nghiên cứu sử học và văn học. Cụm công trình Lịch sử và Lịch pháp Việt Nam gồm 3 công trình: Lý Thường Kiệt; La Sơn Phu tử; Lịch và Lịch Việt Nam đã được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000.

Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã để lại một khối lượng trước tác đồ sộ, có giá trị trên nhiều lĩnh vực: lịch sử, văn hóa, khoa học, giáo dục cho đất nước.

Giáo sư Tạ Quang Bửu - nhà giáo dục, nhà quản lý có tầm nhìn chiến lược

Giáo sư Tạ Quang Bửu sinh ngày 23-7-1910 tại thôn Hoành Sơn, xã Nam Hoành, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Mất ngày 21-8-1986 tại Hà Nội

Tạ Quang Bửu là nhà hoạt động khoa học và giáo dục nổi tiếng. Thời trẻ, ông du học ở nước ngoài, từng học ở trường Đại học Oxford (Anh), có bằng toán học cao cấp của Pháp.

Giáo sư Tạ Quang Bửu được đánh giá là một nhà thông thái, nhà tri thức uyên bác. Ông có nhiều công trình nghiên cứu khoa học như nguyên tử hạt nhân, vũ trụ tuyến, sóng, vật lý cương yếu, hạt cơ bản.

Những cuốn sách ông viết như "Sống", "Về các cấu trúc Bourbaki, "Nguyên tử, hạt nhân, vũ trụ tuyến"... đã giúp nhiều nhà khoa học của ta tiếp cận được tương đối luận, lý thuyết mật mã di truyền, toán học lý thuyết cũng như khoa học vũ trụ.

Ông chủ trương giáo dục phải đi trước để chuẩn bị điều kiện cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Ngay trong thời kỳ chiến tranh ác liệt, dưới sự chỉ đạo của ông, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp đã gửi hàng nghìn nghiên cứu sinh, lưu học sinh, thực tập sinh du học ở các nước xã hội chủ nghĩa.

Việc hoạch định chiến lược đào tạo nguồn nhân lực cho công cuộc xây dựng đất nước đã được chuẩn bị chu đáo. Do vậy, khi chiến tranh kết thúc, nước ta đã có một lực lượng cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý đủ sức đảm đương nhiệm vụ xây dựng đất nước.

Nhiều cán bộ được đào tạo trong thời gian đó hiện đang giữ vai trò nòng cốt trên các mặt giáo dục, khoa học và quản lý kinh tế - xã hội.

Theo quan điểm của ông, chất lượng giáo dục là ưu tiên chiến lược. Ông đã trực tiếp chỉ đạo việc tổ chức thi tuyển vào đại học, thi tuyển nghiên cứu sinh nhằm lựa chọn nhân tài cho đất nước.

Ông tổ chức các ban thư ký môn học, tập hợp những chuyên gia giỏi nhất để xây dựng chương trình, viết giáo trình theo phương châm: Cơ bản, hiện đại, Việt Nam. Đối với giảng dạy đại học, ông chủ trương: Dạy đại học là dạy phương pháp. Điều đó ngày càng có ý nghĩa thời sự.

Với mục đích cải tiến phương pháp dạy - học, áp dụng phương pháp dạy - học hiện đại, ông đã trực tiếp thúc đẩy những nghiên cứu về sư phạm đại học, khuyến khích đơn vị đầu tiên nghiên cứu và áp dụng sư phạm đại học là Đại học Sư phạm Hà Nội. Bản thân ông cũng trực tiếp nghiên cứu, ứng dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học như các phương pháp: Hệ thống, cấu trúc, hành vi...

Chủ trương mở rộng quy mô đào tạo, bằng việc thành lập nhiều trường chuyên ngành với điều kiện sơ tán, đã được phối hợp chặt chẽ với chính sách tuyển chọn mỗi năm hàng trăm sinh viên, cán bộ ưu tú để gửi đi đào tạo tại nước ngoài.

Năm 1971, theo yêu cầu của Hội đồng Chính phủ và Ban Khoa giáo Trung ương, GS Tạ Quang Bửu đã tổ chức việc thi tuyển nghiên cứu sinh đi học ở nước ngoài. Rất nhiều nhà khoa học ưu tú và cán bộ lãnh đạo cao cấp của các cơ quan của Đảng và Nhà nước đã mở đầu con đường khoa học và cống hiến từ những kỳ thi tuyển nhân tài hết sức đặc biệt này.

Với việc đặt ra chế độ thi tuyển công bằng, hợp lý, đề cao thực lực, nhiều con em những gia đình cán bộ viên chức bình thường và những gia đình nghèo vẫn có cơ hội đi học nước ngoài. Cũng trong thời kỳ ông làm Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, lần đầu tiên nước ta tổ chức kỳ thi tuyển vào đại học, và đã đạt được những thành công to lớn…

Giáo sư Tạ Quang Bửu đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 về khoa học và công nghệ với "Tập hợp các công trình giới thiệu khoa học, kỹ thuật hiện đại, chỉ đạo các nhiệm vụ kỹ thuật quan trọng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước".

Giáo sư Trần Văn Giàu

Giáo sư Trần Văn Giàu sinh ngày 6-9-1911, tại xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tân An (nay là Long An).

Giáo sư Trần Văn Giàu nguyên là Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, Chủ tịch Uỷ ban khởi nghĩa Nam Bộ. Năm 1949, giữ chức vụ Tổng Giám đốc Nha thông tin.

Sau hội nghị Giơnevơ (1954), ông được cử làm Trưởng khoa Văn - Sử trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Từ đây, Trần Văn Giàu chuyển sang một lĩnh vực công tác khác và trở thành một niềm đam mê gắn với cả cuộc đời của ông: giảng dạy, nghiên cứu Triết học, Sử học và Văn học.

Ông đã viết những tác phẩm nổi tiếng như: "Duy vật luận nước Pháp"; "Đảng Cộng sản - Đảng của trí tuệ Việt Nam"; "Sự phát triển tư tưởng Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng tháng Tám"; "Triết học và tư tưởng"; "Lịch sử Việt Nam"...

Ông được Nhà nước phong hàm Giáo sư trong lớp giáo sư đầu tiên của Việt Nam, vinh dự nhận danh hiệu Nhà giáo Nhân dân (1992) và được trao tặng những giải thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh, Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 (1996).

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Tứ - nhà khoa học đặt nền móng cho ngành khoa học, kỹ thuật hạt nhân của Việt Nam

Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đình Tứ sinh ngày 1-10-1932, tại xã Song Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Mất ngày 28-6-1996.

Năm 1962, Nguyễn Đình Tứ đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Toán - Lý và tiến sĩ ngành Vật lý hạt nhân đầu tiên của Việt Nam tại Nga.

Giáo sư Nguyễn Đình Tứ đã đảm nhiệm nhiều trọng trách: Tổ trưởng Tổ Toán - Lý thuộc Uỷ ban Khoa học Nhà nước (1962 - 1966), Phó hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1972 - 1976), Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (1976 - 1986), Viện trưởng rồi Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (1976 - 1996). Giáo sư Nguyễn Đình Tứ là người đặt nền móng xây dựng và phát triển ngành Năng lượng hạt nhân của Việt Nam.

Với cương vị lãnh đạo Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp của mình, Giáo sư Nguyễn Đình Tứ và các cộng sự đã đưa ngành giáo dục - đào tạo đi những bước táo bạo như: Sắp xếp các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp miền Nam theo mô hình nhà trường xã hội chủ nghĩa thống nhất trong cả nước; mở 3 trường dự bị đại học để tạo nguồn cán bộ có trình độ cao cho các đối tượng chính sách, dân tộc miền núi; thành lập tại các tỉnh trong cả nước 5 trường trung học chuyên nghiệp (nông nghiệp, công nghiệp, y tế, sư phạm, văn hoá) để đào tạo lực lượng lao động tại chỗ cho địa phương; hệ thống đào tạo tại chức - tiền thân của các trung tâm giáo dục thường xuyên ra đời.

Bằng việc triển khai hàng loạt các chủ trương lớn, ngành đào tạo đại học và trung học chuyên nghiệp Việt Nam đã có một diện mạo mới như tiến hành đào tạo sau đại học, phong học hàm giáo sư, phó giáo sư ở trong nước; áp dụng công nghệ thông tin và công cụ hiện đại để tổ chức tuyển sinh; cử chuyên gia Việt Nam ra nước ngoài làm việc; chỉ đạo công tác nghiên cứu khoa học thiết thực phục vụ sản xuất và đời sống…

Cùng với những đóng góp to lớn trong lĩnh vực khoa học và giáo dục, Giáo sư Nguyễn Đình Tứ còn là một nhà chính trị có uy tín, một cán bộ ưu tú của Đảng và Nhà nước. Là đại biểu Quốc hội các khoá VI, VII, VIII; Uỷ viên Hội đồng Nhà nước khoá VIII, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật của Quốc hội.

Năm 1976, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, sau đó được bầu vào Ban Bí thư Trung ương, được cử giữ chức Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương (khoá VII); được bầu vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương (khoá VIII).

Năm 2000, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho "Cụm công trình phát hiện phản hạt hyperon sigma âm và tương tác của các hạt cơ bản và hạt nhân ở năng lượng cao"./.

>>> Ký ức về những người thầy tiêu biểu của nền giáo dục Việt Nam (Phần 1)

>>> Ngày Nhà giáo Việt Nam đã ra đời như thế!

>>> Những món quà ý nghĩa tặng thầy cô dịp 20/11

>>> Lời chúc 20/11 ý nghĩa gửi tới thầy cô kính yêu

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục