Ký ức

14:38' - 28/01/2017
BNEWS Sinh ra ở miền quê Bắc Bộ, thời ấu thơ gắn liền với những tiếng “cạch cạch” của chiếc khung cửi; vườn mít, cây bưởi trĩu quả sau nhà.

Sinh ra ở miền quê Bắc Bộ, thời ấu thơ gắn liền với những tiếng “cạch cạch” của chiếc khung cửi; vườn mít, cây bưởi trĩu quả sau nhà. Hình ảnh chiếc cổng cùng mái hiên, sân nhà với hàng rào duối hay nồi bánh chưng bập bùng trên bếp lửa mỗi dịp giao thừa luôn in đậm trong ký ức của thế hệ 8X đổ về trước. 

Nụ cười hồn nhiên, cảnh vật quen thuộc có lẽ là thứ mà những người trưởng thành tiếc nuối nhất khi nhớ về thời thơ ấu. Ảnh: Bored Panda

Thời bấy giờ, bé gái nhỏ tầm 5-6 tuổi như chúng tôi luôn mê mẩn với nhiều trò chơi dân gian: nhảy dây, chơi chuyền, bịt mắt bắt dê, ném loang…. Lũ trẻ con say sưa tụ tập tại chiếc sân rộng của ông bà nội.

Cái thủa con nít đó, vừa chơi chuyền, vừa ăn những quả mít xanh chấm hạt muối trắng nhưng đứa nào, đứa nấy đều thấy rất ngon miệng. Nhiều khi bản thân tự hỏi, tại sao những trò chơi thời đó lại cuốn hút lũ choai choai chúng tôi đến vậy. Lớn lên mới hiểu rằng trò chơi tưởng chừng “vô bổ” đó lại giúp những đứa trẻ nhỏ xích lại gần nhau hơn.

Khi đó, ngôi nhà cấp 4 xây thô sơ nhưng lũ trẻ choai choai mê tít vì trong đó có rất nhiều điều khám phá. Chiếc cổng vào nhà làm bằng gỗ với chiều cao thấp cùng ngõ nhỏ chạy tới sân nhà. Nhà được chia thành 2-3 gian; mái lợp gạch đỏ với 3 ô cửa sổ nhìn ra sau vườn.

Trước sân nhà là 2 luống rau ông bà trồng phục vụ bữa ăn hàng ngày. Phía trên luống rau là 1 khoảnh đất nhỏ trồng các loại hoa: hoa hồng; hoa đồng tiền; thược dược… Sau nhà là một vườn cây ăn quả với các loại trái khác nhau: ổi; bưởi; chuối… Khi đó, dù thời tiết oi bức đến mấy, ngồi trong nhà cũng luôn thấy mát mẻ. 

Một điều đặc biệt nữa mà bọn trẻ con chúng tôi khi đó thích mê chính là mong chờ cái Tết. Bởi Tết đến, chúng tôi được ăn nhiều món ăn ngon; mặc quần áo đẹp mà ngày thường có thèm, có muốn cũng chẳng mấy khi được cơ hội.

Mâm cỗ ngày Tết bao giờ cũng có: đĩa thịt nấu đông; đĩa giò; bánh trưng; thịt gà; canh măng. Đây có lẽ là những món ăn không thể thiếu trong ngày Tết của vùng quê Bắc Bộ. 

Đem hồi ức này tâm sự với người chị quê Lạng Sơn, chị cho biết, chẳng phải riêng các em đâu, ngay cả bọn chị khi nhớ về thời thơ ấu cũng cảm thấy bồi hồi. Chị Biên chia sẻ: "Quê mình hiện vẫn còn nghèo lắm, thanh niên bỏ quê kiếm sống ở các tỉnh khác hết rồi. Bây giờ phần nhiều là phụ nữ, trẻ em và người già ở quê thôi và chỉ tụ họp mỗi khi Tết đến". 

Chị Biên nhớ đến trước kia, vào mùa lúa chín, cả làng rộn ràng rủ nhau đi gặt. Màu vàng óng của những thửa ruộng bậc thang trải dài khắp làng. Thời bây giờ, mảnh đất Văn Quan, Lạng Sơn trồng chủ yếu gạo bao thai bởi đây là loại gạo được đồng bào sử dụng chế biến nhiều loại đặc sản của địa phương: bánh cuốn; cao khô (bánh đa); bánh chuối…

Bánh cuốn, cao khô làm bằng loại gạo này có vị khác hoàn toàn. Bánh tráng dày; có độ dẻo nhất định ăn với nước chấm làm từ xương lợn và ít rau thơm có mùi vị đặc biệt so với bánh cuốn ở những vùng khác. Cao khô làm từ gạo bao thai, khi để nguội sợi bánh vẫn dai dù không sử dụng hóa chất. 

"Quê mình còn có nhiều đặc sản khác mà hầu hết khách hàng khi đến Lạng Sơn đều mua về làm quà cho gia đình như: vịt; lợn quay Lạng Sơn, bánh ngải; bánh chuối và nhiều loại bánh đặc sản khác", chị Biên nói. 

Không chỉ kể về các loại món ăn đặc sản, chị Biên đưa tôi đến với nhiều loại trái cây hấp dẫn khác như: mắc cọp; chanh rừng (loại chanh bé hơn quả quất nhưng thơm và phòng ho rất tốt đối với trẻ nhỏ); hồi; na Đồng Bành; hồng Bảo Lâm; nghệ núi đá…. Khi nói về đặc sản của quê hương, ánh mắt, khuôn mặt chị toát lên niềm vui khó tả.

Cũng giống như những thế hệ trẻ chúng tôi, chị Biên tuy đã ngoài 40 tuổi nhưng cũng vẫn luôn nhớ một cái Tết xưa của người Lạng Sơn dù bây giờ cuộc sống cũng đã có phần khá giả hơn. Chị chia sẻ: “nếu người Bắc Bộ có bánh chưng vuông thì người Tày, Nùng ở vùng đất Lạng Sơn lại không thể thiếu bánh chưng cẩm được gói dài để bày trên mâm cỗ ngày Tết. Và đặc biệt, gần như nhà nào cũng quay lợn và có đồ uống là rượu Mẫu Sơn.... Ngoài ra còn nhiều món ăn độc đáo khác như: xôi cẩm, thịt gà.

Chẳng riêng gì chị Biên mà nhiều người khác như chị T. Hà (quê Hòa Bình) cũng luôn tự hào khi nói về những đặc sản của vùng quê đất Mường. Chị chia sẻ, Hòa Bình là địa phường nhiều dân tộc anh em sinh sống: Mường; Dao; Thái; Mông. Tuy nhiên, dân tộc Mường vẫn chiếm đa số. Vùng đất Hoà Bình nổi tiếng với nhiều loại đặc sản ai từng ăn một lần đều nhớ mãi: gà chạy đồi; lợn mán; rượu cần; rượu chuối; các loại rau rừng; ngô nếp Mai Châu. 

Nét văn hóa của dân tộc Mường được thể hiện rõ nét nhất qua bình rượu cần. Đây có lẽ là đồ uống không thể thiếu của nhiều gia đình dân tộc Mường mỗi dịp Tết đến, xuân về. Bên cạnh đó, đây cũng là địa phương có nhiều loại cây trồng được sử dụng là vị thuốc quý trong Đông y như: xạ đen; xạ vàng…

Điểm đặc biệt của quê hương Việt Nam chính là mỗi vùng từ đồng bằng, miền núi đến Thủ đô đều có nét riêng không thể hòa lẫn. Nếu khu vực nông thôn, miền núi mang vẻ đẹp hoang sơ, mộc mạc thì Thủ đô lại có sự hiện đại, ồn ã nhưng không thiếu tinh tế vốn có của người dân Hà Thành. 

Chị Lê Hoan, người dân lớn lên tại Thủ đô Hà Nội chia sẻ, những người con Hà Nội đi đâu, về đâu cũng không thể quên hương thơm nồng nàn của hoa sữa, hàng sấu trĩu quả mỗi khi hè về. Nếu ai đã từng đến Thủ đô vào những ngày giáp Tết, hình ảnh của chợ hoa Tết với muôn sắc màu: hoa đào; hoa mai; hoa hồng, hoa ly, hoa lay ơn…luôn in đậm. Đó cũng là thời điểm trẻ con Hà Nội thích nhất vì được bám “càng” ông bà hoặc bố mẹ ngắm phố phường dịp tết. 

“Hà Nội không chỉ đẹp ở hoa mà còn làm say lòng người đến với những món ăn truyền thống khó quên nếu du khách có dịp thử một lần. Món bún chả của Hà Nội cũng từng được Tổng thống Mỹ Barack Obama ăn thử và cũng không quên dành lời khen sau khi thưởng thức.

Bánh mỳ kẹp cũng là món ăn mà nhiều du khách phương Tây lựa chọn nếm thử mỗi dịp tới tham quan Hà Nội. Bên cạnh đó, một món ăn không thể không nhắc tới đó chính là món bún thang; phở bò, gà; bánh cốm. Trong đó, bánh cốm là loại bánh không thể thiếu ở đám cưới, đám hỏi của người dân Hà Nội”. 

Chị Hoan bồi hồi: “Mình nhớ nhất là hình ảnh của những chiếc áo dài mỗi khi tan trường. Thời bấy giờ học sinh nữ cấp 3 như chúng mình thường mặc đồng phục áo dài. Trống điểm tan trường, nữ sinh mặc áo dài trắng đạp xe trên đường tô điểm thêm vẻ đẹp của đất trời Hà Nội”. 

Hình ảnh Hà Nội không chỉ thể hiện rõ nét trong một số món ăn; trang phục còn ở cả công trình kiến trúc mang đậm nét văn hóa của dân tộc Việt: Chùa Một Cột; Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Văn Miếu Quốc tử Giám; Phủ Tây Hồ…Những con phố, con đường Hà Nội đã được ghi dấu ấn trong nhiều bài hát. Người dân Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng dù ở nơi đâu, mỗi khi nghe câu hát: “Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội, Hà Nội của ta, Thủ đô yêu dấu, một thời đạn bom, một thời Hòa Bình” đều không thể bồi hồi, xao xuyến".

Quả thật dù chưa có cơ hội đi được tất cả vùng miền trên đất nước, nhưng với mỗi vùng quê Việt Nam khi có cơ hội đặt chân tới đều để lại trong tôi những ký ức, vẻ đẹp khó quên. Đặc biệt, hương vị Tết xưa với nồi bánh chưng bập bùng bên bếp củi; cành đào, cây quất luôn là hình ảnh thế hệ 8X chúng tôi nhớ mãi./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục