Kỳ vọng phá vỡ "cục máu đông" nợ xấu

09:30' - 19/01/2018
BNEWS Việc xử lý tài sản bảo đảm và thu hồi nợ xấu được kỳ vọng sẽ thông thoáng và hiệu quả hơn để trong 5 năm tới có thể phá vỡ “cục máu đông” của nền kinh tế, tạo nguồn vốn cho kinh doanh, sản xuất.
Tuy là một ngân hàng lớn với các chỉ số kinh doanh khả quan nhưng “để đạt được mục tiêu thu nợ của năm 2018 vẫn sẽ là một thách thức lớn với Vietcombank. Ảnh minh họa: Trần Việt - TTXVN

Năm 2018, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) đặt mục tiêu giảm nợ xấu nội bảng 2.500 tỷ đồng và thu nợ xấu ngoại bảng là 4.000 tỷ đồng. Tuy là một ngân hàng lớn với các chỉ số kinh doanh khả quan nhưng “để đạt được mục tiêu thu nợ của năm 2018 vẫn sẽ là một thách thức lớn”, TS. Phạm Mạnh Thắng, Phó Tổng giám đốc Vietcombank chia sẻ.

Nói như vậy không có nghĩa việc xử lý nợ xấu chỉ là thách thức của riêng Vietcombank, mà đây còn là thách thức chung của toàn hệ thống ngân hàng. Bởi nợ xấu tồn tại ở tất cả các ngân hàng từ lâu, được ví như "cục máu đông" trong huyết quản của nền kinh tế, nếu không xử lý kịp thời sẽ làm “tắc nghẽn” và cản trở sự phát triển kinh tế đất nước.

Chạy đua với thời gian để xử lý nợ

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế. Ảnh: Thành Chung/TTXVN

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ nợ xấu là một hiện tượng sinh học, "khi nào còn cho vay thì còn phát sinh nợ xấu".

Lý giải vấn đề này ông Hiếu cho rằng, như một vòng quay vận hành nhịp nhàng, ngân hàng huy động tiền gửi từ người dân, rồi dùng tiền đó để cho vay, khi người vay trả nợ thì dòng tiền lại quay về với ngân hàng. Khi nợ xấu xảy ra, tức là khoản vay không trở lại được với ngân hàng khiến dòng tiền bị đứt quãng. Trong khi đó, người gửi tiền lại đến hạn rút thì ngân hàng phải đôn đáo chạy vào thị trường 1 để huy động nguồn vốn mới với lãi suất cao hơn để trả lại.

Điều này dẫn đến lợi nhuận các ngân hàng giảm sút do phải trích lập dự phòng rủi ro cao hơn thậm chí nhiều ngân hàng rơi vào trạng thái nguy hiểm, đó là mất thanh khoản. Ông Hiếu chia sẻ.

Có thể nhận thấy, câu chuyện xoay quanh nợ xấu không chỉ là vấn đề của mỗi ngân hàng mà nó là vấn đề mà cả hệ thống ngân hàng luôn đối mặt.

Ngay trong mục tiêu hành động của năm 2018, Vietcombank xác định mục tiêu thu nợ của cả năm là thách thức nhưng đồng thời cũng là động lực phấn đấu. Nhiều biện pháp đã được Vietcombank triển khai đồng bộ từ đầu năm 2017. Đáng chú ý là triển khai rà soát và tiến hành thí điểm việc thu giữ tài sản bảo đảm đối với một số khách hàng, hồ sơ đủ điều kiện theo quy định tại Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Đồng thời, tìm kiếm các đối tác có nhu cầu mua các khoản nợ xấu theo giá thị trường, từ đó đẩy mạnh hơn nữa xử lý nợ xấu thông qua biện pháp bán nợ.

Tính đến 31/12/2017, tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank là 1,1%. Tính riêng trong năm 2017, ngân hàng đã xử lý thu nợ để giảm nợ xấu nội bảng trên 4.650 tỷ đồng, thu nợ xấu ngoại bảng trên 2.180 tỷ đồng, đặc biệt số tiền thu hồi nợ xấu ngoại bảng đã đóng góp 20% vào lợi nhuận của toàn hệ thống.

Trước đó, đây cũng là ngân hàng đầu tiên trong hệ thống xử lý sạch nợ xấu tại Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) trước thời hạn 3 năm, hoàn thành giai đoạn tái cơ cấu về xử lý nợ xấu, minh bạch đưa nợ xấu về 1 sổ và chính thức kiểm soát, quản trị được chất lượng tín dụng một cách thực chất. Trong giai đoạn 2013-2015, Vietcombank đã xử lý được 28.000 tỷ đồng nợ xấu, đạt 130% kế hoạch theo Đề án xử lý nợ xấu đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank liên tiếp giảm trong các năm qua và luôn thấp hơn mức mục tiêu 3% của ngành ngân hàng.

Ông Phạm Mạnh Thắng – Phó Tổng Giám đốc Vietcombank. Ảnh: BNEWS/TTXVN

Không chỉ tại Vietcombank mà việc rốt ráo xử lý nợ xấu cũng được ghi nhận ở các ngân hàng khác, điển hình phải kể tới Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), một trong 6 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước chọn thực hiện thí điểm xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 (cùng với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) và Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB).

Chỉ sau 6 tháng đầu tiên tái cấu trúc, Sacombank đã xử lý được một khối nợ xấu "khổng lồ" lên tới hơn 19.000 tỷ đồng; trong đó, hơn 15.000 tỷ đồng là thuộc Đề án tái cơ cấu đã được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, cơ bản hoàn thành mục tiêu đã đề ra là xử lý từ 15.000-20.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm 2017.

Ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank, cho hay, trong quá trình thực hiện, Sacombank không chỉ chú trọng xử lý các tài sản thế chấp có giá trị lớn, mà cả những khoản nợ nhỏ, nếu có thanh khoản là bán ngay. Nhiều khoản nợ xấu từ vài tỷ đồng, vài chục tỷ đồng đến cả trăm tỷ đồng mà tài sản đảm bảo là cổ phần, cổ phiếu, nhà đất đã được thanh lý. Trong bộ máy tổ chức, Khối xử lý nợ hoạt động hết công suất, phải rà soát, đánh giá các khoản phải thu, các khoản có thể bán để thu nợ từng ngày, từng tuần.

"Phải nói là Sacombank chạy đua với thời gian để xử lý nợ", ông Minh nhấn mạnh.

Ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank. Ảnh: BNEWS/TTXVN

Đề án tái cơ cấu cho phép Sacombank xử lý nợ xấu trong 10 năm. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước vừa yêu cầu, vừa động viên, tạo điều kiện cho Sacombank xử lý trong vòng 5 đến 7 năm. Tuy nhiên, ông Minh cho biết, Sacombank sẽ nỗ lực hết sức để hoàn tất cơ bản xử lý nợ xấu trong vòng 3 đến 5 năm.

Xử lý nợ xấu chưa bao giờ là dễ dàng và kiểm soát để nợ xấu phát sinh từ những khoản vay mới ở mức thấp nhất lại càng không đơn giản. Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần lớn khuyến cáo các ngân hàng ngoài việc thẩm định chất lượng khách hàng thì khi cho vay cần quản lý chặt nguồn vốn giải ngân và sử dụng vốn, ngay cả khi có tài sản bảo đảm.

Bởi có kiểm soát được dòng tiền sử dụng thì mới kịp thời xử lý được khi khoản nợ có nguy cơ rơi vào khó khăn, vị lãnh đạo này nói rõ.

Kỳ vọng phá vỡ "cục máu đông"

Dù Nghị quyết 42 đã cho phép các ngân hàng thu giữ tài sản bảo đảm, đồng thời quy định chính quyền địa phương và các cơ quan an ninh phải hỗ trợ ngân hàng trong việc thu giữ này thì theo ông Phạm Mạnh Thắng, Phó Tổng giám đốc Vietcombank, việc áp dụng các nội dung trên tại các tổ chức tín dụng đến thời điểm hiện tại vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Cái khó đầu tiên chính là nhiều cơ quan, bộ ngành liên quan vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 42. Ngoài ra, Nghị quyết 42 đã quy định chi tiết về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm, tuy nhiên trong thực tế vẫn chưa thể thực hiện do các sở, ban ngành tại địa phương chưa thống nhất quan điểm xử lý.

Và hơn cả là hầu hết các khoản nợ xấu đều khó đáp ứng đầy đủ các điều kiện để được áp dụng thủ tục rút gọn theo Bộ luật Tố tụng dân sự, do đó Tòa án nhân dân các cấp vẫn tiếp tục xử lý các vụ việc theo trình tự thông thường.

Ông Nguyễn Hưng – Tổng Giám đốc Ngân hàng Tiên Phong (TPBank). Ảnh: BNEWS/TTXVN

Là ngân hàng đã cơ bản xử lý được nợ xấu trong giai đoạn tái cơ cấu 2011-2015, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) hiện duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 1% tổng dư nợ. Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank đánh giá, nếu chỉ có các ngân hàng thực hiện thì sẽ rất khó để xử lý nợ xấu mà cần có sự phối hợp của các cấp, ban, ngành.

Ngay tại VAMC, một trong những công ty chuyên mua bán xử lý nợ, thì những khó khăn cũng được ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC chia sẻ như nguồn ngân sách hạn hẹp hay sự thiếu hợp tác của các “con nợ” cũng làm cản trở quá trình xử lý nợ xấu dù trong năm qua, VAMC đã thực hiện mua nợ xấu và phát hành trái phiếu đặc biệt được khoảng 32.000 tỷ đồng; trong đó mua theo cơ chế thị trường tập trung vào quý IV/2017 được xấp xỉ 3.200 tỷ đồng.

Nhìn từ góc độ khác, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu chỉ ra một nút thắt nữa trong quá trình xử lý nợ xấu. Đó là Nghị quyết 42 cho phép người dân mua nợ xấu nhưng thật sự người có nhu cầu mua vẫn chưa biết mua ở đâu, mua thì có ai bán không hay người ta có quyền mua hay không. Vấn đề pháp lý chưa hoàn chỉnh, thị trường mua bán nợ chưa có... là một số nguyên nhân chính dẫn đến việc xử lý nợ xấu còn chậm chễ.

Nợ xấu là một thị trường rất đặc biệt, không giống như một siêu thị bình thường bởi hàng hóa trên thị trường này là tài sản tài chính, hơn nữa, còn bị gắn cái mác "xấu" nên dù Nghị quyết 42 tạo điều kiện cho phát triển thị trường mua bán nợ thì không thể một sớm một chiều hình thành ngay được. Chưa kể, đôi khi nợ xấu chưa hẳn đã là xấu. Bởi có thể do năng lực quản lý tài chính yếu kém dẫn đến phát sinh nợ xấu nhưng khi món nợ đó vào tay người quản lý tốt lại biến thành tài sản sinh lời.

Để phát triển thị trường này còn cần tới nhiều tổ chức, định chế như tư vấn, định giá, môi giới nợ xấu... Và với thời gian, sự phát triển của thị trường cũng hình thành nên kinh nghiệm cho các tổ chức, định chế đó.

Trong bối cảnh còn thiếu khuôn khổ pháp lý, thị trường mua bán nợ…, các tổ chức tín dụng phải xử lý nợ xấu bằng chính nội lực của họ. Một kế hoạch xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 với các biện pháp tích cực và quyết liệt đã được Vietcombank xây dựng, dự kiến tỷ lệ xấu đến năm 2020 chỉ còn dưới 1%.

Trong khi đó tại Sacombank, mục tiêu đặt ra cho năm 2018 là sẽ giải quyết được giá trị nợ xấu ít nhất tương đương với số nợ đã xử lý trong năm 2017. Xử lý nợ không chỉ phụ thuộc vào sự cố gắng của ngân hàng, mà còn vào cả biến động thị trường bất động sản, thị trường tài chính, nhưng Chủ tịch Sacombank bày tỏ tin tưởng rằng với các chỉ số kinh tế vĩ mô đã và đang tiếp tục được cải thiện, nền kinh tế tăng trưởng cao hơn, việc tháo gỡ nợ của Sacombank sẽ thuận lợi.

Ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch HĐTV Công ty VAMC. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN.

Ông Nguyễn Tiến Đông cho biết, các chỉ tiêu trong năm 2018 về mua nợ hay bán trái phiếu đặc biệt của VAMC sẽ bằng hoặc giảm so với năm trước; trong đó VAMC tập trung vào việc mua nợ theo cơ chế thị trường.

Nhưng để đạt được những mục tiêu đề ra , theo ông Đông trước tiên, VAMC cần tăng cường cơ sở vật chất hạ tầng để có đủ thiết bị, điều kiện cũng như một hệ thống công nghệ thông tin để quản lý được tất cả các khoản nợ xấu của VAMC và các tổ chức tín dụng để từ đó thiết lập một kênh đưa những “hàng hóa” này tiếp cận nhanh, minh bạch hơn với các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước có khả năng, nhu cầu mua nợ. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực cán bộ hiện có, ngoài chuyên môn còn cần nắm rõ pháp luật để đảm bảo tốt việc phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý nợ.

Những tín hiệu khởi sắc này cho phép chúng ta kỳ vọng, việc xử lý tài sản bảo đảm và thu hồi nợ xấu sẽ được thông thoáng hơn, hiệu quả hơn để trong 5 năm tới có thể phá vỡ “cục máu đông” của nền kinh tế, tạo nguồn vốn để cấp tín dụng cho các tổ chức, doanh nghiệp... kinh doanh hiệu quả, từ đó thúc đẩy phát triển nền kinh tế./.

>>> Xử lý nợ xấu – nhiệm vụ tất yếu của các nền kinh tế

>>> Xử lý nợ xấu: Triệt "bệnh" từ gốc

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục