Lạm dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi đang diễn biến phức tạp

13:35' - 05/04/2016
BNEWS Kết quả kiểm tra từ các địa phương và Cục Chăn nuôi cho thấy, có 58 cơ sở vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trong đó chủ yếu là Salbutamoll và một số rất ít là chất Vàng o (Auramine).
Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Giải pháp quản lý chất cấm và lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm các tỉnh phía Bắc”. Ảnh: Diệu Linh/BNEWS/TTXVN

Gần 300 khách mời là đại diện các cơ quan quản lý thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế cùng các địa phương, các doanh nghiệp, chủ trang trại chăn nuôi và nông dân đã tham gia Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Giải pháp quản lý chất cấm và lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm các tỉnh phía Bắc”.

Diễn đàn do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức ngày 5/4 tại huyện Thanh Trì (Hà Nội).

Theo ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tổng hợp năm 2015 và 2 tháng 2016, kết quả kiểm tra từ các địa phương và Cục Chăn nuôi cho thấy, trong số 1.893 cơ sở kiểm tra, có 58 cơ sở có vi phạm chất cấm (chiếm 3,1%), trong đó chủ yếu là Salbutamoll và một số rất ít là chất Vàng o (Auramine).

Như vậy, việc triển khai các đợt cao điểm về kiểm soát chất lượng vật tư và an toàn nông sản đã có tác dụng tích cực góp phần giảm thiểu rõ rệt tỷ lệ các mẫu dương tính với chất cấm trong chăn nuôi.

Ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết, với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng, đến thời điểm này hành vi sử dụng chất Salbutamoll đã giảm và có xu hướng đẩy lùi.

Trên thị trường hiện tại không còn hiện tượng bày bán công khai các sản phẩm thức ăn chăn nuôi có chứa Salbutamoll. Bộ Y tế đã phối hợp với các cơ quan chức năng quản lý rất chặt nguồn nhập khẩu và cung cấp Salbutamoll nên việc đưa sang chăn nuôi, sử dụng sai mục đích đã bị triệt tiêu.

Hiện tại, hầu hết các nhà máy sản xuất, gia công thức ăn chăn nuôi không còn sử dụng chất cấm trộn vào thức ăn chăn nuôi. Ở các tỉnh phía Bắc từ sau Tết âm lịch qua kiểm tra chưa phát hiện trang trại, lò mổ sử dụng chất, cấm. Ở các tỉnh phía Nam, vẫn phát hiện thịt lợn có tồn dư chất cấm, nhưng tỷ lệ thấp hơn nhiều so với trước đây.

Tuy nhiên, vấn đề lo ngại khác là tình trạng sử dụng thuốc kháng sinh sai mục đích, lạm dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản kém chất lượng, ngoài danh mục, nhập lậu đang diễn biến phức tạp, khó kiểm soát và thực sự trở thành vấn nạ n trong đời sống xã hội.

Ông Hoàng Thanh Vân cho biết, việc quản lý sử dụng kháng sinh trong trại chăn nuôi chưa được quan tâm đúng mức. Chính điều này đã dẫn đến việc sử dụng các loại kháng sinh không có trong danh mục được phép sử dụng hoặc sử dụng không theo đúng hướng dẫn, dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh ở gia súc, gia cầm, tăng kháng sinh tồn dư trong sản phẩm và lãng phí về mặt kinh tế.

„Nguy hiểm hơn, việc sử dụng kháng sinh sai mục đích, lạm dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi sẽ tạo ra những dòng vi khuẩn kháng kháng sinh thâm nhập vào chuỗi thực phẩm và ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Hiện WHO và FAO đang cảnh báo rất gay gắt về tình trạng này” - ông Phạm Hồng Ngân, Phó trưởng khoa Chăn nuôi - Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh.

Tại diễn đàn, rất nhiều câu hỏi được đặt ra đối với vấn đề kiểm soát chất cấm và tồn dư kháng sinh trong chăn nuôi. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng đưa ra những hướng dẫn nhận biết và phân biệt sản phẩm thực phẩm sử dụng chất cấm.

Các giải pháp chính được thống nhất là tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức về tác hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; rà soát hoàn thiện thể chế liên quan trong kiểm soát chất cấm sử dụng trong chăn nuôi; tiến hành kiểm tra, thanh tra việc buôn bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi ở tất cả các khâu có liên quan đồng thời trên phạm vi cả nước và tập trung làm trọng điểm ở một số địa phương có nguy cơ cao.

Đồng thời với đó, việc gia tăng các chuỗi cửa hàng, thương hiệu sản phẩm an toàn từ phía các nhà sản xuất, kinh doanh và việc lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng từ phía người tiêu dùng cũng là những hành vi đẩy lùi thực phẩm “bẩn” khỏi chuỗi tiêu thụ…

Bên cạnh đó, một vấn đề rất quan trọng là chế tài xử lý các hành vi vi phạm. Ông Nguyễn Văn Việt cho biết, sau khi rà soát và thống nhất với các cơ quan chức năng liên quan, dự kiến từ ngày 1/7, các hành vi vi phạm về sản xuất, kinh doanh, tàng trữ, sử dụng không chỉ chất cấm trong chăn nuôi mà cả các loại kháng sinh, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp sẽ bị xử lý hình sự./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục