Làm sao để tích tụ ruộng đất mang lại hiệu quả nhất ?

08:45' - 31/05/2017
BNEWS Phóng viên TTXVN đã ghi nhận từ những người trực tiếp tham gia vào hoạt động sản xuất nông nghiệp, xung quanh vấn đề này.

Tại phiên họp Chính phủ tháng 2/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tư pháp tiến hành rà soát, đề xuất sửa đổi chính sách đất đai, tạo thuận lợi cho tích tụ, tập trung ruộng đất, mở rộng hạn điền cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, hoàn thành trong quý 3/2017.

Chính phủ thống nhất mở rộng hạn điền, tích tụ ruộng đất. Ảnh: TTXVN

Điều này đang được hầu hết người dân và doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này hết sức quan tâm. Phóng viên TTXVN đã ghi nhận từ những người trực tiếp tham gia vào hoạt động sản xuất nông nghiệp, xung quanh vấn đề này.

Ông Huỳnh Thế Năng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Nam kiêm Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA):

Khi tiếp xúc với những nông dân tiến bộ ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tôi thấy nếu một hộ gia đình 4 người với diện tích canh tác dưới 6.000 m2 thì sẽ không “sống” nổi và chắc chắn sẽ rơi vào hộ nghèo. Họ cho rằng, nếu cho nông dân tích tụ ruộng đất được 5 ha/hộ và được phép phá bờ mẫu thì canh tác nông nghiệp sẽ có lợi nhuận ổn định, cuộc sống gia đình sẽ tốt hơn.

Tuy nhiên, nếu tích tụ 5 ha/hộ thì số lao động dôi dư ở khu vực này sẽ rất lớn. Việc giải quyết việc làm cho số lao động dôi dư này là một vấn đề rất lớn, nếu không xử lý tốt sẽ tác động lớn đến vấn đề xã hội.

Do vậy, theo tôi, trước khi bàn đến việc sửa đổi chính sách đất đai, cần làm rõ những ưu đãi cho doanh nghiệp trong Nghị định 210/2013/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn. Dù trong này đã có những ưu đãi liên quan đến vấn đề đất đai dành cho doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực này, thế nhưng đến nay chính sách vẫn chưa thực sự phát huy được hiệu quả cũng như đi vào thực tiễn đời sống.

Còn tích tụ ruộng đất trong nông dân thì có thể thực hiện các mô hình liên kết cánh đồng lớn, có sự ràng buộc rõ ràng và chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân. Đây cũng là hình thức mà một số doanh nghiệp đang thực hiện để có đủ diện tích canh tác cũng như áp dụng được các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất, tăng tính hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.

Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vinamit:

Đối với các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp như Vinamit rất cần có một diện tích đất đủ lớn để đầu tư, khai thác ra những sản phẩm có ích cho xã hội. Theo tôi, Nhà nước nên khuyến khích và áp dụng cho doanh nghiệp giải pháp hạn mức giao đất không lấy tiền thì mới đúng.

Hiện Nhà nước quy định có 2 hình thức giao đất, thu tiền và không thu tiền. Đối với hạn điền của người dân là không thu tiền, còn các doanh nghiệp lại phải đóng tiền. Doanh nghiệp muốn có đất sản xuất thường phải bỏ tiền bồi hoàn cho người dân, nhưng vẫn phải trả tiền thuê đất cho Nhà nước trên chính diện tích đất mà mình đã bỏ tiền ra mua của dân trước đây.

Như vậy, doanh nghiệp sẽ phải bỏ ra 2 lần tiền - một là mua đất của dân trước đây và nay phải chi phí thêm khoản lớn để thuê lại của Nhà nước. Để mảnh đất trở thành tài sản thực sự, doanh nghiệp phải thuê đất của Nhà nước trong vòng 50 năm và điều này ít có doanh nghiệp nào dám “liều mạng” để làm. Do vậy, việc sửa đổi chính sách đất đai hiện nay quan trọng nhất là gia tăng hạn điền nhưng cần trao quyền cho người sử dụng.

Đối với những lo ngại khi tích tụ ruộng đất về tay doanh nghiệp về khi đầu tư quy mô lớn, tôi cho rằng điều này khó có thể xảy ra. Bởi thực tế các doanh nghiệp khi quyết định đầu tư, thường đi từ thị trường, còn nông dân hầu hết là phát triển theo phong trào, ít áp dụng biện pháp công nghệ tiên tiến vào sản xuất.

Do vậy, nếu đầu tư cho doanh nghiệp thì sẽ ít lo ngại vấn đề ứ đọng đầu ra của nông sản như nhiều sản phẩm nông nghiệp hiện nay. Xét theo cơ chế thị trường, nếu nông dân không có thị trường thì khó có thể tồn tại lâu dài, bền vững.

Bản thân họ không tiếp cận được thị trường, không cải tiến nâng cao công nghệ sản xuất thì chỉ có thể tham gia vào các chuỗi giá trị sản xuất của doanh nghiệp, từ đó, sản xuất nông nghiệp của Việt Nam mới có thể cạnh tranh được trong bối cảnh mới.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ):

Vấn đề quan trọng nhất hiện nay trong việc sửa đổi chính sách đất đai là nên cho phép người dân, doanh nghiệp được tích tụ ruộng đất và công nhận quyền sở hữu để có quyền lực thật sự trên mảnh đất đó.

Hiện nay, chính sách đất đai vẫn chưa thực sự phát huy được hiệu quả. Có rất nhiều địa phương người nông dân đang có đất nhưng lại bỏ hoang hoặc diện tích đất manh mún, không mang lại hiệu quả cho xã hội. Rõ ràng doanh nghiệp phải bỏ tiền đi mua khi sang nhượng đất từ nông dân, nhưng trong giấy tờ thì ghi “Nhà nước cho thuê quyền sử dụng đất”.

Điều này, dẫn đến tâm lý không ai dám đầu tư, luôn trong tâm trạng phập phồng lo sợ mai mốt sẽ bị thu hồi lại.

Tôi cho rằng, nếu gặp chính quyền có tầm nhìn thì không sao, nhưng ngược lại nếu họ thích thu hồi khi nào thì thu hồi, đền bù bao nhiêu thì đền bù, đây cũng là điều đang diễn ra ở nhiều nơi. Khi đó, coi như doanh nghiệp đầu tư không công.

Do vậy, hãy để cho những nông dân, doanh nghiệp có điều kiện tích tụ ruộng đất, làm ăn lớn, tạo ra được những sản phẩm mang tính cạnh tranh cao, không lợi cho người này sẽ lợi cho người kia, tạo hiệu quả kinh tế cho xã hội.

Luật càng chặt chẽ bao nhiêu, xác định quyền sở hữu chính thức bao nhiêu thì càng thúc đẩy cho mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển, nếu không sẽ bị lợi dụng, có khi làm xã hội không phát triển.

Nông dân Huỳnh Văn Sơn, ấp 1, xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An:

Hiện nay vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều trong vấn đề tích tụ ruộng đất, mở rộng hạn điền. Tuy nhiên dưới góc độ của một người nông dân trực tiếp sản xuất, tôi cho rằng Chính phủ nên thực hiện chính sách mở rộng hạn điền và không nên có quy định giới hạn về vấn đề này.

Trên thực tế, đất đai dành cho sản xuất nông nghiệp chỉ giới hạn trong vài triệu héc-ta, muốn mở rộng hạn điền chỉ có thể thu gom từ những ông có diện tích nhỏ hơn, với điều kiện đôi bên cùng có lợi.

Ai có diện tích nhỏ hơn sau khi nhượng đất cho người khác có thể chuyển đổi nghề nghiệp, hai vợ chồng đi làm công nhân, như vậy sẽ “dễ thở” hơn còn hơn so với việc ôm khư khư vài công đất đó. Còn ai có diện tích lớn hơn có thể đưa cơ giới hóa vào sản xuất, khi đó giá thành sản xuất sẽ thấp hơn so với làm thủ công và lợi nhuận sẽ cao hơn.

Liên quan đến những lo lắng việc tích tụ ruộng đất, mở rộng hạn điền sẽ khiến người nông dân lao đao, tôi cho rằng suy nghĩ này rất “ấu trĩ”. Tôi lấy ví dụ thế này, khi một người có ruộng ít chuyển nhượng, dồn cho tôi làm nhiều, khi đó tôi sẽ chỉ tập trung vào việc làm ruộng.

Còn người nông dân kia có thể tập trung vào chăn nuôi hoặc đi làm công nhân cho các xí nghiệp. Thậm chí, họ cũng có thể làm thuê trên chính mảnh ruộng từng là của mình, nhưng thu nhập sẽ ổn định hơn.

Trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, vai trò “chủ - tớ” hầu như có sự chia sẻ lợi nhuận như nhau, còn việc “bóc lột” đã vào dĩ vãng và hiếm lắm rồi. Trong một gia đình ở nông thôn hiện nay vừa có người làm ruộng, vừa có người chăn nuôi, vừa có người đi làm công nhân… cái gì cũng có, nhưng tất cả chỉ mang tính chất manh mún, không giải quyết được vấn đề gì.

Để giải bài toán việc làm cho các hộ nông dân sau khi chuyển nhượng đất, theo tôi, Nhà nước có thể mở các khóa đào tạo dạy nghề cho nông dân,;trong đó kinh phí một phần của Nhà nước và của chính người nông dân.

Chẳng hạn, bây giờ tôi có 0,5 ha đất sản xuất nông nghiệp, tôi chuyển nhượng lại cho người khác được 300 triệu đồng. Khi đó, Nhà nước sẽ giữ lại 10-20 triệu đồng và bỏ tiền thêm tiền để đào tạo nghề cho tôi, chẳng hạn như nghề may, cơ khí... Như vậy, Nhà nước sẽ không bị thất thoát ngân sách nhiều, còn bản thân tôi cũng không cảm thấy phiền hà.

Với tình hình phát triển hiện nay, các xí nghiệp mọc lên rất nhiều, những công việc chỉ cần lao động phổ thông hoặc tay nghề đơn giản có mức thu nhập khoảng 5 triệu đồng/người/tháng là không hiếm. Ngược lại, nếu vẫn giữ 0,5 ha để sản xuất thì thu nhập bấp bênh, còn phụ thuộc vào yếu tố thời tiết, thị trường… Thực hiện được như vậy, nông dân sẽ thoát ly nông nghiệp, nhưng sẽ chuyển đồi nghề một cách bền vững hơn. Tôi nghĩ như thế.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục