Màu xanh từ vùng "rốn hạn" Bình Thuận

09:54' - 19/04/2025
BNEWS Vượt qua giai đoạn đầy cam go, thử thách, giờ đây Bình Thuận đã chuyển mình từ những công trình thủy lợi mang về màu xanh ngút ngàn với những mầm sống mới.

Trải qua 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), 50 năm Ngày Giải phóng Bình Thuận (19/4/1975 - 19/4/2025), từ một vùng đất chiến tranh ác liệt và có khí hậu khắc nghiệt nhất cả nước, thiếu mưa, thừa nắng, đất đai cằn cỗi chỉ có những cành xương rồng già nua, xơ xác... Đảng bộ và nhân dân Bình Thuận đã nỗ lực khắc phục khó khăn, đồng lòng chung tay xây dựng tỉnh đạt nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Vượt qua giai đoạn đầy cam go, thử thách, giờ đây Bình Thuận đã chuyển mình từ những công trình thủy lợi mang về màu xanh ngút ngàn với những mầm sống mới.

 

Dấu ấn những công trình thủy lợi tiên phong

Trong những năm tháng chiến tranh, Bình Thuận là vùng kháng chiến gian khổ, ác liệt. Sau ngày giải phóng không còn tiếng súng, nhưng người dân lại bắt tay vào cuộc chiến mới - cuộc chiến chống hạn hán. Hàng năm Bình Thuận chịu ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt, lượng mưa ít (lượng mưa trung bình hàng năm chỉ khoảng 1.000 mm). Phần lớn diện tích đất canh tác là cát pha bạc màu nằm trong vùng thiếu nước nên người dân vẫn không sao thoát khỏi vòng luẩn quẩn của đói nghèo... Nông dân loay hoay dầm mưa dãi nắng cả năm với một vụ lúa bấp bênh và vài ba loại cây trồng có năng suất và sản lượng rất thấp. Thời điểm năm 1985- 1996, năng suất lúa chỉ đạt khoảng 15 tạ/ha. Lúc thời tiết thuận lợi thì cũng chỉ đạt trung bình 25 tạ/ha.

Công trình thủy lợi hồ Sông Quao thuộc huyện Hàm Thuận Bắc là một trong những công trình thủy lợi được xây dựng tiên phong của tỉnh. Trước khi công trình được xây dựng, đất đai nơi đây cằn cỗi do thiếu nước. Hầu hết các cánh đồng chỉ sản xuất một vụ lúa trong năm và phải trông chờ vào nguồn nước trời, nên năng suất cây trồng thấp, cuộc sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn. Năm 1988, hồ thủy lợi Sông Quao được khởi công xây dựng với niềm mong mỏi, hy vọng của những người dân nơi đây. Tuy nhiên, do điều kiện còn khó khăn và thời tiết vô cùng khắc nghiệt nên phải tốn thời gian hơn 7 năm (năm 1995) công trình mới hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bình Thuận cho biết, hồ Sông Quao có dung tích 73 triệu m3, công trình cung cấp nước tưới cho hơn 8.100 ha đất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Bắc. Hiện nay, do được bổ sung nguồn nước từ sông Lũy về nên tổng diện tích tưới toàn bộ hệ thống công trình thủy lợi Sông Quao khoảng 11.000 ha và cấp nước sinh hoạt cho thành phố Phan Thiết với công suất 25.000 m3/ngày.

Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Bí thư Huyện ủy Hàm Thuận Bắc khẳng định, có thủy lợi, nhiều vùng đất hoang hóa, cằn cỗi, nhiều cánh đồng lúa 1 vụ bấp bênh trở thành 3-4 vụ. Diện tích tưới chủ động hiện nay trên 90%, gấp hơn 9 lần so với năm 1983. Bên cạnh lúa vẫn là cây trồng chính, đã hình thành các vùng cây ăn trái tập trung như thanh long, sầu riêng… trên 11.000 ha; vùng cây công nghiệp như cao su, điều, cà phê trên 2.000 ha. Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 190 triệu đồng/ha vào năm 2024, gấp hơn 14 lần trước khi có công trình thủy lợi Sông Quao (năm 1995).

Để khai thác hiệu quả những công trình thủy lợi, đồng thời tận dụng triệt để nguồn nước xả từ các nhà máy thủy điện, tỉnh Bình Thuận đã triển khai xây dựng hệ thống kênh chuyển nước, còn gọi là kênh “nối mạng”. Kênh này sẽ chuyển nước từ các hồ chứa lớn đến các hồ chứa nhỏ cũng như điều tiết nước từ lưu vực dư thừa sang lưu vực thiếu, hạn chế được sự thiếu nước trong mùa khô tại một số vùng.

Với sáng kiến “nối mạng” liên thông giữa các hồ chứa nước đã khai thác tối đa hiệu quả những công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng. Trong số các công trình phát huy hiệu quả phải kể đến là hệ thống kênh tiếp nước Sông Móng - Đu Đủ - Tân Lập dài gần 40 km phủ kín vùng chuyên canh thanh long của huyện Hàm Thuận Nam; hệ thống kênh Châu Tá dài 32 km đưa nước từ đập 812 về tận vùng hạn Hồng Sơn, Hồng Liêm của huyện Hàm Thuận Bắc... Trên địa bàn tỉnh đã xây dựng 15 tuyến kênh “nối mạng” với chiều dài 265 km, đang phát huy hiệu quả tốt với nhiệm vụ tiếp nước, tưới tăng vụ cho 19.700 ha và mở rộng khu tưới 18.000 ha.

Ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bình Thuận cho biết, việc đưa vào hoạt động công trình kênh chuyển nước đã giải quyết rất nhiều vấn đề trong việc di chuyển nguồn nước. Đặt biệt, tại huyện Bắc Bình thì các kênh chuyển nước này đã kết nối hồ Cà Giây với kênh kênh chuyển nước 812- Châu Tá để cung cấp nước về cho huyện Hàm Thuận Bắc. Gần đây, các đơn vị đã triển khai đầu tư hệ thống kênh chuyển nước Cà Giây - Cây Cà để “nối mạng” với hệ thống thủy lợi huyện Tuy Phong… Việc kết nối này đã giúp huyện Bắc Bình chủ động trong sản xuất nông nghiệp, cũng như chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp.

Chiến lược đầu tư đúng hướng

Theo ông Huỳnh Văn Tí, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Bình Thuận (nhiệm kỳ 2005 - 2010, 2010 - 2015), nhìn lại chặng đường từ ngày giải phóng quê hương Bình Thuận, cái được đầu tiên đó là những thành quả của công tác thủy lợi. Bình Thuận là một tỉnh thiếu mưa, thừa nắng, nhiều gió, nhiều vùng đất đai cằn cỗi, có những lúc cả người và gia súc đều thiếu nước uống, chính vì thế, mỗi nhiệm kỳ, các thế hệ cán bộ lãnh đạo của tỉnh luôn coi đây là trọng trách hàng đầu. Ban Chấp hành Đảng bộ qua các thời kỳ điều xác định muốn tỉnh phát triển chỉ có ưu tiên một vấn đề hàng đầu đó là nước.

Tỉnh Bình Thuận xác định để mở lối ra cho nông nghiệp phát triển, vấn đề xây dựng thủy lợi là cần ưu tiên hàng đầu. Được sự đầu tư của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, ngân sách tỉnh và nhân dân đóng góp, Bình Thuận đã hình thành một hệ thống thủy lợi đầu mối quan trọng, đưa nguồn nước về tưới mát những cánh đồng khô hạn.

Đảng bộ và nhân dân Bình Thuận đã sử dụng hàng triệu ngày công lao động và hàng nghìn tấn vật tư để đầu tư xây dựng nhiều công trình thủy lợi phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế xã hội của tỉnh.

Theo ông Nguyễn Hữu Phước, từ một địa phương khô hạn, chủ yếu có các công trình thủy lợi vừa và nhỏ với năng lực thiết kế tưới 27.400 ha; nhưng đến nay, toàn tỉnh có 78 hệ thống công trình thủy lợi đã đưa vào khai thác sử dụng với tổng năng lực tưới thiết kế 70.300 ha, tổng dung tích trữ 324 triệu m3. Được sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, tỉnh đã nỗ lực, dồn sức đầu tư, hoàn thành nhiều công trình thủy lợi lớn như: hồ Sông Quao, dung tích hơn 73 triệu m3; hồ Cà Giây, dung tích gần 40 triệu m3; hồ Lòng Sông, dung tích trên 35 triệu m3…

Những công trình thủy lợi đã góp phần quyết định vào việc phát triển nông nghiệp và nông thôn trên địa bàn tỉnh. Đến nay toàn tỉnh đã chủ động tưới trên 50% diện tích đất canh tác cần tưới hàng năm; xấp xỉ 75% diện tích đất lúa theo quy hoạch; cung cấp nước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Việc đầu tư hạ tầng thủy lợi đã tạo sự phát triển đồng đều giữa các vùng trong tỉnh, góp phần mở rộng diện tích gieo trồng được tưới toàn tỉnh từ 32.600 ha (năm 1992) tăng lên 114.500 ha (năm 2024), cấp nước phục vụ sinh hoạt và các ngành kinh tế khác đạt 38 triệu m3 năm 2024.

Từ khi các công trình thủy lợi đưa vào hoạt động, những vùng đất khô cằn của các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc… đã nhanh chóng hồi sinh. Hàng nghìn hộ dân được thụ hưởng từ những công trình thủy lợi đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ mảnh đất của mình.

Năng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp được nâng lên. Năng suất lúa từ 29,9 tạ/ha (năm 1992) tăng lên 60 tạ/ha (năm 2024); sản lượng lương thực từ 180.242 tấn tăng lên 846.600 tấn. Cơ cấu cây trồng chuyển đổi đúng hướng, đến năm 2024, diện tích cây lâu năm đạt 113.100 ha, tăng 98.000 ha, gấp 7,49 lần so với năm 1992…

Nhờ nguồn nước thủy lượi, cuộc sống của người dân Bình Thuận đã thay đổi từng ngày. Từ một tỉnh nghèo, kinh tế kém phát triển, tổng thu ngân sách nội địa của tỉnh chỉ 140 tỷ đồng (năm 1992) đã tăng lên 10.700 tỷ đồng (năm 2024); thu nhập bình quân đầu người năm 2024 đạt 59 triệu đồng/người/năm. Kinh tế phát triển đã tạo điều kiện cho tỉnh đầu tư giải quyết các vấn đề xã hội đạt nhiều kết quả tích cực, bộ mặt của quê hương ngày càng khởi sắc…

Kỳ vọng vươn mình với nông nghiệp công nghệ cao

Với những thành tựu nổi bật về thủy lợi, Bình Thuận đã cơ bản giải quyết tốt bài toán chống hạn, đáp ứng nhu cầu nguồn nước cho phát triển nông nghiệp. Do đó, định hướng của tỉnh trong giai đoạn phát triển mới là ưu tiên phát triển ngành nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao.

Sản xuất hữu cơ gắn với liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị và bảo vệ môi trường sinh thái là nhiệm vụ, giải pháp then chốt để phát triển ngành nông nghiệp trở thành 1 trong 3 trụ cột trong nền kinh tế của tỉnh…  Xác định tầm quan trọng đó, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 05- NQ/TU về Phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị kinh tế cao.

Theo đó, chủ trương của tỉnh là cơ cấu lại sản xuất các lĩnh vực; tập trung cơ cấu lại quy mô sản xuất, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ. Đồng thời, chuyển đổi mạnh mẽ việc trồng giống mới có năng suất, chất lượng, khả năng thích ứng với điều kiện khí hậu của tỉnh đối với các loại cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao; nghiên cứu, phát triển các sản phẩm cây ăn trái được ưa chuộng trên thị trường, hạn chế phát triển quá lớn diện tích cây thanh long; khuyến khích phát triển dược liệu, phấn đấu đưa dược liệu trở thành một trong những sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp Bình Thuận.

UBND Bình Thuận đang kêu gọi đầu tư vào khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hơn 2.000 ha của tỉnh. Mục tiêu của khu nông nghiệp công nghệ cao nhằm hỗ trợ về kỹ thuật, công nghệ sản xuất cho ngành nông nghiệp khu vực duyên hải Nam Trung Bộ nói chung và tỉnh Bình Thuận nói riêng, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao; đồng thời, tư vấn, chuyển giao công nghệ và phổ biến nhân rộng mô hình, ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao… phục vụ cho ngành nông nghiệp khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và tỉnh Bình Thuận.

Tỉnh Bình Thuận đang tiếp tục kêu gọi đầu tư các dự án nông nghiệp thông minh, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại (công nghệ tưới tiêu tự động, tiết kiệm nước; công nghệ kiểm soát côn trùng theo phương pháp sinh học; công nghệ bảo quản sau thu hoạch,…), xây dựng chuỗi giá trị trồng trọt, chăn nuôi, chế biến tiêu chuẩn quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, mang giá trị kinh tế cao vào Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bình Thuận. Tỉnh phấn đấu nâng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp của vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến cuối năm 2025 đạt từ 6 - 7%. Các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải đạt các tiêu chí VietGAP, GlobalGAP…

Hiện nay, các mô hình nông nghiệp công nghệ cao đã được áp dụng trên nhiều loại cây trồng với quy mô, diện tích lớn. Điển hình như sản xuất trong nhà màng, nhà lưới kết hợp hệ thống tưới tiết kiệm tự động hóa trên nhiều loại cây trồng (cây táo, dưa lưới, rau các loại…) ngày càng được mở rộng với diện tích hơn 700 ha; hơn 27.300 ha cây trồng áp dụng biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; 100% diện tích thanh long áp dụng bóng đèn compact, đèn led để xử lý ra hoa trái vụ; 42.000 ha lúa áp dụng các phương thức canh tác tiên tiến; 10.000 ha thanh long canh tác theo các tiêu chuẩn an toàn (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ)…

50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 50 năm Ngày Giải phóng Bình Thuận, tỉnh đã khẳng định hướng đi đúng khi từ một “vùng đất chết” đã hồi sinh mạnh mẽ vững bước đi lên bằng cả nội lực và sự quyết tâm một lòng của toàn thể Đảng bộ và nhân dân. Hiện nay, tỉnh đang đứng trước nhiều cơ hội mới để vươn mình và nông nghiệp vẫn là trụ cột vững chắc để Bình Thuận tiến vào kỷ nguyên mới.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục