Làm thế nào để xây dựng lòng tin về thực phẩm an toàn ở Việt Nam?

15:21' - 07/11/2017
BNEWS Đối thoại xây dựng lòng tin và năng lực cho thực phẩm an toàn ở Việt Nam do Diễn đàn đối tác an toàn thực phẩm toàn cầu - Ngân hàng Thế giới tổ chức, đã diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 7/11.
Nông dân thu hoạch rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Theo bà Huỳnh Thị Kim Cúc, Phó trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, tâm lý chung của người tiêu dùng Việt Nam hiện nay là mỗi khi đi chợ, nhìn thấy miếng thịt, con cá, mớ rau có màu sắc bắt mắt, tươi xanh sẽ nghi ngờ các loại thực phẩm này có chứa chất tăng trưởng, chất bảo quản.

Quan niệm này chưa hẳn đúng bởi có những loại thực phẩm an toàn cũng có thể có màu sắc tương tự. Do đó, làm sao lấy lại niềm tin để người tiêu dùng có cái nhìn đúng về thực phẩm an toàn là điều cần thiết.

Bà Huỳnh Thị Kim Cúc phân tích, vấn đề quản lý an toàn thực phẩm hiện nay tại Thành phố Hồ Chí Minh gặp nhiều khó khăn khi đa phần việc sản xuất, phân phối thực phẩm chủ yếu là nhỏ lẻ, manh mún. Gần 80% nguồn thực phẩm tiêu thụ tại thành phố được đưa đến từ các địa phương khác, do đó việc kiểm soát thực phẩm từ nguồn còn hạn chế.

Trong khi đó, ý thức chấp hành các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm của người sản xuất, kinh doanh chưa cao; vẫn còn tình trạng lạm dụng chất cấm, kháng sinh, chất tăng trưởng vượt mức cho phép…

Phân tích thêm nguyên nhân khiến người tiêu dùng mất niềm tin vào thực phẩm ngày càng tăng, ông Võ Thành Sơn, Phụ trách dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng là do quy trình xử lý sự cố an toàn thực phẩm của Việt Nam hiện nay chưa đồng nhất và còn mất quá nhiều thời gian để xác minh.

Khi các cơ quan chức năng chậm thông tin về thực phẩm không an toàn sẽ khiến người tiêu dùng lo sợ và lúc đó, mạng xã hội lại càng khiến nỗi sợ hãi được "tiếp sức" và lan rộng.

Theo ông Sơn, hiện nay, vấn đề quản lý an toàn thực phẩm của Việt Nam đang do ba cơ quan phụ trách là Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương, do đó sẽ có những "khoảng trống" nhất định trong việc truyền thông nguy cơ về an toàn thực phẩm.

Đề xuất giải pháp, ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh nêu, cần có chính sách hỗ trợ quảng bá các sản phẩm thực phẩm sạch, an toàn để người tiêu dùng biết đến các sản phẩm này.

Lâu nay, truyền thông mới chỉ chú trọng đến các vấn đề bê bối của thực phẩm, đưa tin về thực phẩm bẩn mà chưa quảng bá thực phẩm sạch đúng mức.

Ông Kim Jihoon, Giám đốc chiến lược tiếp thị và công nghệ, Công ty TNHH Cargil Việt Nam cho rằng, muốn lấy lại niềm tin của người tiêu dùng rất cần các sản phẩm thực phẩm đảm bảo sạch, an toàn trên thị trường. Muốn có sản phẩm sạch phải huy động sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân.

Với nguồn lực sẵn có, các doanh nghiệp tư nhân sẽ giúp đào tạo, tập huấn cho người nông dân cải thiện thực hành trong chăn nuôi, trồng trọt. Những doanh nghiệp như Cargil Việt Nam sẽ sẵn sàng hợp tác trên cơ sở đối tác công – tư để hỗ trợ cho nông dân Việt Nam.

Đồng tình với ý kiến này, bà Lystra Antoine, Giám đốc Diễn đàn đối tác an toàn thực phẩm toàn cầu cho rằng, sự tham gia của khu vực tư nhân rất quan trọng trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm. Chính phủ Việt Nam cần kéo sự đầu tư của khu vực này cả về nguồn vốn, đào tạo, nhân lực.

>>>Nhu cầu thực phẩm sẽ tăng cao đến cuối năm

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục