Làng biển Cà Mau vào mùa khô Tết

18:01' - 18/12/2017
BNEWS Hiện nay, nhiều làng biển tại Cà Mau đang vào cao điểm chế biến khô nhằm cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán 2018 đang đến gần.

Ghi nhận tại thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, nơi có làng nghề làm khô truyền thống lớn nhất, nhì của tỉnh Cà Mau thì không khí còn tất bật hơn, nhờ đó, hàng trăm lao động nhàn rỗi của địa phương có thêm việc làm, tăng thêm thu nhập.

Các làng biển vào mùa khô Tết. Ảnh minh họa: TTXVN

Ông Nguyễn Văn Chẵn, ngụ khóm 4, thị trấn Cái Đôi Vàm cho biết, gia đình đã theo nghề làm khô gần 20 năm.

Mùa này, là lúc làng cá khô biển hoạt động mạnh nhất vì ai cũng tranh thủ nguồn hàng để cung ứng vào dịp Tết. Như gia đình tôi đã phải nâng sản lượng cá khô lên gấp đôi mới cung cấp đủ cho nhu cầu thị trường. Hiện, giá các loại cá khô của gia đình làm có giá dao động từ 50.000-100.000 đồng/kg, tùy theo kích cỡ, loại cá.

“Có thể xem đây là nghề truyền thống của không chỉ riêng gia đình tôi mà còn của rất nhiều bà con ở làng biển này. Nhờ nghề này, nhiều gia đình nơi đây có thu nhập ổn định, vươn lên”, ông Chẵn bộc bạch.

Còn chị Nguyễn Thị Nguyên Chị, cùng ngụ khóm 4, thị trấn Cái Đôi Vàm cho hay, nhờ có nghề làm cá khô mà nhiều lao động nhàn rỗi tại địa phương có thêm việc làm.

Vào mỗi dịp cận Tết, khi các cơ sở nâng công suất làm cá khô thì lao động tại địa phương lại có thêm việc làm, từ đó tăng thêm thu nhập. Trung bình, một nhân công làm cá khô mỗi ngày kiếm từ 150.000-200.000 đồng.

Hiện, thị trấn Cái Đôi Vàm có khoảng 230 phương tiện khai thác biển. Bên cạnh đó, để phát huy hơn nữa nghề biển, thị trấn có 3 tàu được đầu tư đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ; trong đó, có 1 tàu đã đưa vào vận hành và hoạt động có hiệu quả với dịch vụ hậu cần nghề cá.

Theo thống kê, tổng sản lượng khai thác thuỷ sản của thị trấn những tháng đầu năm gần 6.000 tấn, tăng hơn cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, trên toàn địa bàn thị trấn hiện có hơn 800 cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, góp phần thúc đẩy giao lưu hàng hoá, nổi bật là các ngành, nghề thuộc lĩnh vực chế biến thuỷ sản.

“Vào những mùa này những chuyến biển cũng thuận lợi hơn, đồng nghĩa với việc làng khô cũng tất bật hơn vì có nhiều cá. Mỗi ngày, các cơ sở sản xuất lớn nhỏ có thể cung cấp cho thị trường tầm 2 - 3 tấn khô các loại.

Những ngày cận Tết tới đây thì số lượng còn tăng lên nhiều lần”, ông Nguyễn Thanh Lâm, thị trấn Cái Đôi Vàm, hồ hởi nói.

Làng nghề cá khô Cái Đôi Vàm nổi tiếng khắp nơi bởi các mặt hàng đặc trưng như: khô cá cơm bánh tráng, ruốc, cá mối, cá đù… Trong đó, nổi bật nhất là khô cá khoai. Nhắc tới cá khoai, ai cũng nghĩ ngay đến đặc trưng riêng nơi miền biển Cái Đôi Vàm mà không nơi nào có được.

Theo đó, mùa Tết cũng rơi vào thời điểm chính vụ đánh bắt cá khoai của ngư dân trên vùng biển Tây Nam này. Bởi dù cá khoai có thể đánh bắt được quanh năm, nhưng vụ chính thường bắt đầu từ khoảng cuối tháng 10 đến tháng 4 âm lịch hằng năm.

Thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân hiện có hơn 100 doanh nghiệp và hộ dân sản xuất, kinh doanh sản phẩm cá khoai. “Cá Khoai Cái Đôi Vàm – Cà Mau” cũng là một trong 8 sản phẩm được chứng nhận nhãn hiệu tập thể của tỉnh Cà Mau.

Anh Trần Hữu Nghị, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Cái Đôi Vàm thông tin thêm, nghề làm cá khô được xem là nghề truyền thống có từ lâu đời tại thị trấn Cái Đôi Vàm.

Tại đây, nghề làm cá khô cho thu nhập khá, tập trung nhiều ở khóm 4, khóm 6 với khoảng 50 hộ làm nghề. Cũng từ đây, nghề làm khô đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương ổn định cuộc sống.

Điều kiện thuận lợi nữa là việc cá khoai Cái Đôi Vàm vừa được công nhận nhãn hiệu tập thể. Theo đó, địa phương đã xác định đây sẽ là tiền đề quan trọng để phát triển hơn nữa thương hiệu khô cá khoai nói riêng và làng khô Cái Đôi Vàm nói chung.

Từ đó, chú trọng nhất là về liên kết sản xuất, kết hợp với hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật trong chế biến, bảo quản cũng như quảng bá sản phẩm.

>>>Phát triển thương hiệu đặc sản của Cà Mau

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục