Làng gốm Kim Lan: Bài 1 - Tìm về mảnh đất văn hóa bị quên lãng

11:15' - 05/06/2016
BNEWS Một thời gian dài, gốm Kim Lan bị lãng quên, phải “sống” nhờ danh của gốm Bát Tràng nhưng nay làng nghề gốm này đã dần lấy lại tên tuổi, khẳng định vị thế trên thị trường.
Nghề gốm ở xã Kim Lan. Ảnh: Lại Minh Đông/TTXVN

Xã Kim Lan nằm kế cận với làng Bát Tràng thuộc huyện Gia Lâm (Hà Nội) nhưng không mấy ai biết đến cái tên làng gốm này đã từng nức danh một thời, là cái nôi của nền văn minh gốm sứ vùng Đồng bằng sông Hồng, có tuổi đời sớm hơn cả gốm Bát Tràng.

*Nôi của gốm sứ Đồng bằng sông Hồng

Theo các nhà nghiên cứu về khảo cổ và lịch sử, nghề gốm ở Kim Lan đã xuất hiện từ rất lâu, khoảng hơn 1000 năm và từng có thời kỳ phát triển đến cực thịnh. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều người mới biết đến Kim Lan là một ngôi làng cổ có truyền thống nghề gốm lâu đời.

Đi chặng đường chừng 30km từ trung tâm Hà Nội, tìm về Kim Lan – ngôi làng cổ đã có tuổi thọ lên đến hơn nghìn năm.

Vào thăm Nhà bảo tàng gốm sứ và lịch sử Kim Lan, nơi đây trưng bày 300 hiện vật cổ của làng là đóng góp qua những cuộc khai quật và tìm kiếm do ông Nguyễn Việt Hồng làm trưởng nhóm cùng các thành viên trong nhóm “Tìm về nguồn cội của làng” và cố TS Nishimura Masanari – nhà khảo cổ học người Nhật Bản.

Nghề gốm ở xã Kim Lan đã xuất hiện từ lâu. Ảnh: Lại Minh Đông/TTXVN

Trong số những hiện vật được trưng bày tại nhà bảo tàng gồm có tấm ngói mũi hài, gạch trang trí với hoa văn và hình chim, phượng, những mảnh gốm từ các chậu, bát sứ cổ, tiền đồng, viên gạch có khắc chữ Hán…

Trong số này có một số hiện vật cao cấp như đĩa lớn vẽ hoa văn phượng bằng hoa lam, âu men ngọc, bát to vẽ hoa cúc bằng nâu sắt. Ngoài ra còn có tiêu bản gốm trang trí cả hoa lam và nâu sắt.

Dựa trên kết quả ba lần khai quật (2001 – 2003), các nhà khảo cổ đã đưa ra kết luận: Thời kỳ hưng thịnh nhất của nghề sản xuất gốm sứ của Kim Lan là vào khoảng thế kỷ XIII - XIV và là trung tâm sản xuất gốm sứ của kinh thành Thăng Long.

Hơn thế nữa, gốm Kim Lan có khả năng xuất khẩu ra nước ngoài, do những mảnh gốm thời Trần có hoa văn gần giống những mảnh gốm tìm thấy ở Philippines và Indonesia.

Từ thời Lý, Trần, làng gốm Kim Lan đã phát triển rực rỡ và từng là trung tâm cung cấp vật liệu xây dựng cho kinh thành Thăng Long, sản xuất các vật liệu sinh hoạt bằng gốm sứ cho hoàng cung và cả dân thường.

Thế kỷ XIII – XIV, làng đã sản xuất gốm sứ, đất nung cổ kéo dài qua nhiều thế kỷ, phát triển hưng thịnh nhất.

Gốm Kim Lan được xếp vào loại hàng cao cấp, luôn mang một sắc thái giản dị cùng vẻ đẹp tao nhã.

*Thăng trầm làng gốm

Phát triển hưng thịnh là thế, vậy mà một thời gian dài làng Kim Lan mất nghề làm gốm. Lý do là bởi Kim Lan là xã có nhiều ruộng đất, nhận thấy có thể phát triển nhờ nghề nông, người dân trong làng lần lượt bỏ nghề làm gốm chuyển sang nông nghiệp.

Thời gian ấy, người Kim Lan chăm chỉ phát triển nông nghiệp lãng quên đi nghề làm gốm truyền thống. Lúc bấy giờ, ai còn tiếc nghề, muốn theo nghề, sang làm công cho làng gốm Bát Tràng.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Mừng, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Lan cho biết, so với làng nghề Kim Lan, Bát Tràng có lợi thế hơn nhiều về vị trí địa lý, giao thông.

Thêm vào đó, phần lớn các hộ gia đình sản xuất gốm của Kim Lan đều buôn bán dưới hình thức nhỏ lẻ, không có khu tập trung trưng bày gốm để quảng bá cho khách du lịch. Bởi vậy, làng cổ nghề gốm Kim Lan không được mấy ai biết đến.

Xưởng gốm ở Xã Kim Lan. Ảnh:Lại Minh Đông/TTXVN
Cũng theo ông Mừng, năm 1964, công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải được xây dựng. Xét về mặt hành chính, xã Kim Lan thuộc Hà Nội, nhưng trên thực địa thì Kim Lan bị chia cắt hoàn toàn với phần còn lại của Hà Nội bởi con kênh Bắc Hưng Hải.

Để đến được Kim Lan phải đi “nhờ” một đoạn đường thuộc tỉnh Hưng Yên. Điều này khiến sản phẩm của Kim Lan gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ.

Cùng chung suy nghĩ, anh Đào Việt Bình, Chủ tịch Hiệp Hội Gốm sứ Kim Lan cho rằng, điều kiện giao thông không thuận lợi, hơn nữa, người Kim Lan lại chỉ quen với làm nghề mà chưa quen với việc tiếp thị, quảng bá sản phẩm dẫn đến hàng hóa tiêu thụ chậm.

Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều người chuyển sang “làm thuê” cho Bát Tràng. Bởi vậy, nghề gốm Kim Lan dần bị mai một.

"Qua một thời gian dài làng gốm cổ Kim Lan bị mai một, chỉ đến khi những cổ vật được tìm thấy, những bằng chứng cho thấy rằng Kim Lan đã phát triển hưng thịnh với nghề gốm, người dân trong xã mới bắt đầu dần khôi phục lại nghề truyền thống của mình" ông Nguyễn Việt Hồng, người góp công khai phá ra các cổ vật tại làng gốm sứ của Kim Lan cho hay.

Ngày nay, nghề gốm Kim Lan đang từng bước khôi phục và phát triển trở lại. Tuy nhiên để có thể gây dựng lại được thương hiệu gốm như xưa cần một quá trình, nỗ lực bền bỉ của người dân và chính quyền địa phương, khi mà bên cạnh người hàng xóm Bát Tràng vẫn luôn chiếm ưu thế trên thị trường gốm sứ./.

>> Làng gốm Kim Lan: Bài 2 - Quyết gây dựng lại thương hiệu

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục