Làng nghề truyền thống: Gian nan xây dựng thương hiệu

17:21' - 14/11/2017
BNEWS Sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các làng nghề truyền thống tại Hà Nội khi xuất khẩu lại phải mang thương hiệu của nước ngoài.
Làng nghề truyền thống: Gian nan xây dựng thương hiệu cho hàng thủ công mỹ nghệ. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Việt Nam có thế mạnh về hàng thủ công mỹ nghệ, với hàng nghìn làng nghề lâu đời nhưng trên thực tế các sản phẩm này khi xuất khẩu ra nước ngoài lại không mang thương hiệu Việt Nam mà của nước khác.

Bởi do lâu nay các làng nghề truyền thống không mấy quan tâm tới xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình, nhất là khâu thiết kế, mẫu mã còn đơn điệu chưa được chú trọng. Để hàng thủ công mỹ nghệ vươn ra tầm thế giới mang thương hiệu Việt Nam rất cần sự đầu tư, sáng tạo của các doanh nghiệp, nhất là xây dựng thương hiệu.
Yếu về thiết kế, sáng tạo
Với lợi thế có 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm 58,8% tổng số làng toàn thành phố Hà Nội, trong đó có 286 làng nghề đã được công nhận. Các làng nghề chủ yếu tập trung vào các nghề thủ công mỹ nghệ như: sơn mài, khảm trai, nón lá mũ, mây tre đan, tăm hương, chế biến lâm sản, mộc dân dụng, gỗ cao cấp, thêu ren, dệt may… Các làng nghề đã thu hút hàng vạn lao động thời vụ, cũng như tạo việc làm thường xuyên và là nguồn thu nhập chính của hàng nghìn gia đình.
Có thể nói, sự phát triển của làng nghề đã góp phần tăng nhanh sản xuất công nghiệp, đóng góp quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam khi xuất khẩu vẫn chưa tạo được thương hiệu trên thị trường quốc tế một phần là do hàng thủ công mỹ nghệ của việt Nam chưa chú trọng đến xây dựng thương hiệu.
Thời gian qua, 90% hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam vào thị trường thế giới thông qua các trung gian dưới dạng sản phẩm thô hay gia công cho những thương hiệu nước ngoài. Đã có trường hợp, sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam chỉ được bán với giá vài chục USD nhưng nhà nhập khẩu gắn mác thương hiệu của họ, giá trị sản phẩm đã tăng 40 lần.
Nguyên nhân của tình trạng này là do các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ trong nước không đầu tư vào việc thiết kế mẫu mã sản phẩm, cơ sở này có thể lấy mẫu mã của cơ sở khác để sản xuất.

Thông tin từ Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam cho thấy, so với các nước trong khu vực, như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia… thì hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam kém cạnh tranh về thiết kế. Bởi 90% sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam dựa trên thiết kế của khách hàng nước ngoài cung cấp và sử dụng nhãn mác của nước ngoài.
Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Đỗ Kim Lang cho biết, có tình trạng này là do số lượng doanh nghiệp, làng nghề thấy được giá trị gia tăng hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam không nhiều, năng lực còn yếu nên đành chấp nhận xuất khẩu sản phẩm dưới một cái tên khác hoặc sản xuất theo đơn đặt hàng.
Đồng quan điểm với Cục Xúc tiến thương mại, ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam chia sẻ, phần lớn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề chưa ý thức được tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển thương hiệu. Vẫn còn quan điểm cho rằng làng nghề có truyền thống lâu đời nên tự khắc sẽ có người biết đến. Trong khi, thực tế nếu không đầu tư xây dựng, quảng bá thương hiệu, thì “tên tuổi” làng nghề khó vượt qua địa giới hành chính của địa phương, chứ đừng nói đến ra ngoài biên giới quốc gia.
Tạo bản sắc cho sản phẩm
Để hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam không phải núp bóng các thương hiệu quốc tế khi xuất khẩu, đòi hỏi doanh nghiệp, làng nghề phải chú trọng xây dựng thương hiệu cho riêng mình, đồng thời phải đẩy mạnh quảng bá thương hiệu Việt.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Tôn Gia Hóa trăn trở, xây dựng thương hiệu đã thực sự trở thành một tài sản của cá nhân, doanh nghiệp, thậm chí là của một quốc gia trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay. Để làm được điều đó trong quá trình xây dựng được thương hiệu các doanh nghiệp, làng nghề thủ công mỹ nghệ cần giảm bớt việc sao chép mẫu mã của nước ngoài.
Đặc biệt, các doanh nghiệp, làng nghề cần chú trọng tới khâu thiết kế, để tạo ra các kiểu dáng, bản sắc riêng, tạo yếu tố mới cho sản phẩm phù hợp với nhu cầu khách hàng. Có như vậy là bởi người tiêu dùng quốc tế không chỉ thích những sản phẩm mang bản sắc văn hóa Việt Nam mà còn cần những sản phẩm có dấu ấn văn hóa quê hương họ.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, làng nghề thủ công mỹ nghệ xây dựng, phát triển thương hiệu, thời gian qua thành phố Hà Nội đã dành kinh phí đáng kể cho hoạt động này. Ông Hoàng Xuân Thủy, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội cho biết: UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch triển khai quy chế hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và quảng bá thương hiệu.

Đối với các làng nghề đang phát triển mạnh, thị trường tiêu thụ rộng, thành phố sẽ tập trung phát triển những sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu lớn và giá trị kinh tế cao; nghiên cứu đổi mới mẫu mã sản phẩm.
Nghệ nhân làm Nón làng Chuông (huyện Thanh Oai), Lê Văn Tuy cho biết, với sự hỗ trợ của thành phố trong việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ như Nón Chuông hiện số lượng nón làm ra đã tiêu thụ tăng cao hơn so với trước và được nhiều khách hàng trong nước và quốc tế biết đến. Đặc biệt, Nón làng Chuông cũng nhờ đó vinh dự được tham gia vào nhiều sự kiện lớn của đất nước, như APEC, SEA Games...
Từ đầu năm 2017 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội cũng đã triển khai 10 dự án xây dựng nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm đặc sản làng nghề truyền thống, gồm: Tương nếp Việt Hùng (Đông Anh); Hành phi Dương Xá (Gia Lâm); Cam Kiêu Kỵ (Gia Lâm); Củ cải Tráng Việt (Mê Linh); Miến Minh Khai (Hoài Đức); Dệt Phùng Xá (Mỹ Đức); Bánh dày Thượng Đình (Thường Tín); Làng hoa Tây Tựu (Bắc Từ Liêm); Mật ong rừng và dược liệu Ba Vì (Ba Vì).
Mặc dù, nhà nước đã hỗ trợ doanh nghiệp, làng nghề xây dựng quảng bá thương hiệu nhưng để hàng thủ công mỹ nghệ mang thương hiệu Việt thâm nhập sâu rộng thị trường thế giới bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước, chính bản thân các doanh nghiệp, làng nghề phải đầu tư thỏa đáng cho thương hiệu, vì đó chính là quyền lợi sát sườn của doanh nghiệp, của làng nghề./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục