Liên kết ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất ngô

05:01' - 07/07/2016
BNEWS Cây ngô được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định là đối tượng cây trồng số 1 cần tập trung phát triển trong thời gian tới.
Người dân thu hoạch ngô lai trên cánh đồng trước đây trồng lúa cho năng suất thấp tại xã Quế Trung, huyện Quế Sơn. Ảnh: Đỗ Trưởng-TTXVN

Ngoài việc phát triển ổn định diện tích ngô vụ Xuân, mở rộng diện tích ngô vụ Đông trên đất hai vụ lúa ở các tỉnh có diện tích trồng lúa lớn ở Đồng bằng sông Hồng, thì việc liên kết sản xuất các giống ngô theo công nghệ mới, với nhiều đặc tính tốt cũng góp phần tăng năng suất và sản lượng, ổn định nguồn cung lương thực, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt.

Tại các tỉnh phía Bắc, định hướng phát triển cây ngô là sản xuất ngô lai gắn kết đồng bộ từ khâu sản xuất kỹ thuật về giống, canh tác, quy trình công nghệ, phơi sấy chế biến để nâng cao năng suất chất lượng và tăng giá trị sản xuất.

Mặc dù vậy, theo Cục Trồng trọt, phát triển sản xuất ngô của Việt Nam còn những hạn chế trong thời gian qua như năng suất tuy cao so với bình quân khu vực nhưng vẫn thấp hơn một số nước trong khối ASEAN và châu Á, thấp xa so với năng suất ngô thế giới.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cũng cho rằng, dù Việt Nam đã có những giống ngô tốt với năng suất trên 10 tấn/ha nhưng biện pháp mấu chốt để chuyển đổi hiệu quả chính là khoa học kỹ thuật, trong khi người nông dân cũng chỉ mới nhận được những gói hỗ trợ kỹ thuật đồng bộ.

Một trong số những tỉnh bước đầu triển khai được những hỗ trợ kỹ thuật đồng bộ cho nông dân trong sản xuất ngô công nghệ mới đạt hiệu quả là Thanh Hóa.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, hàng năm tỉnh gieo trồng khoảng 60.000 ha diện tích ngô. Hiện, tỉnh đang đặt mục tiêu đạt 72.000 ha vào năm 2020 theo chủ trương của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Để đạt được điều này, Thanh Hóa đã triển khai kế hoạch xây dựng các mô hình liên kết, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân; trong đó có mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống ngô kháng sâu và thuốc trừ cỏ trong vụ Xuân năm 2016.

Ông Lê Huy Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa cho biết, vụ ngô Xuân 2015-2016, huyện Thọ Xuân đã phối hợp với Công ty TNHH Dekalb Việt Nam thực hiện mô hình liên kết sản xuất ngô DK6919S, DK6818S và DK9955S với diện tích 50 ha tại 2 xã Thọ Hải (37ha) và Xuân Yên (13ha). Mô hình nhằm đánh giá toàn diện về năng suất, chất lượng, khả năng chống chịu, thích nghi và hiệu quả của giống để nhân rộng ra các vụ tiếp theo, đưa vào cơ cấu sản xuất đại trà.

Theo ông Lê Huy Hoàng, qua thời gian gieo trồng, theo dõi cho thấy, các giống ngô trên chỉ phải phun thuốc trừ cỏ một lần duy nhất ở giai đoạn cây con đã giúp nông dân quản lý hiệu quả cỏ dại, giảm được công làm cỏ và phun thuốc trừ sâu.

Đặc biệt, việc này đã giúp cho cây ngô sinh trưởng, phát triển tốt, cây hấp thụ được dinh dưỡng, giúp tăng năng suất, sản lượng ngô.

Trong cùng điều kiện canh tác, chế độ chăm sóc như nhau nhưng ruộng ngô theo mô hình ở huyện Thọ Xuân được quản lý cỏ dại tốt hơn, ngoài ra không bị sâu gây hại nên cây ngô sinh trưởng tốt hơn hẳn so với giống ngô đối chứng, năng suất đạt 71,3 tạ/ha, cao hơn giống ngô thường khoảng 6 tạ/ha.

“Trong cùng điều kiện đầu tư phân bón như nhau, các giống ngô công nghệ mới có chi phí đầu tư là hơn 12 triệu đồng/ha, thấp hơn giống ngô thường 1,22 triệu đồng/ha, do giảm được công làm cỏ, xáo xới đất và phun thuốc trừ sâu. Hiệu quả kinh tế tổng thể cao hơn khoảng 5,12 triệu đồng/ha so với giống ngô lai thường”, ông Hoàng nói.

Là một trong những nông dân tham gia trồng ngô theo mô hình trên, ông Trịnh Đình Luân, thôn 2, xã Xuân Yên, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa cho biết, mặc dù khi gieo hạt gặp hạn nặng đến 8-9 ngày sau ngô mới mọc nhưng tỷ lệ nảy mầm vẫn rất cao, đồng thời ngô có thể trồng dày hơn các loại ngô khác. Việc chăm sóc đơn giản hơn, dù bắp ngô không quá to nhưng hạt rất đều, chắc nên năng  suất cao.

Đánh giá về mô hình hiệu quả liên kết sản xuất ngô công nghệ mới này, ông Mai Nhữ Thắng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa cho rằng, mô hình này đóng vai trò như chuỗi liên kết trong sản xuất, tạo sự gắn kết từ đầu vào sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Ông Mai Nhữ Thắng cho biết, mô hình liên kết đã được triển khai ở Thanh Hóa từ lâu, ngoài huyện Thọ Xuân, còn được thực hiện ở huyện Yên Định, Thiệu Hóa, Quảng Xương, Nông Cống và một số huyện khác.

Tuy nhiên, theo ông Thắng, mức độ quy mô còn nhỏ vì suy cho cùng vai trò tham gia của doanh nghiệp là rất quan trọng. Nếu như sắp tới, các doanh nghiệp tham gia sâu vào vấn đề xây dựng mô hình này thì sẽ phát triển mạnh hơn.

“Nếu chúng ta đẩy mạnh mô hình này sẽ tạo ra được chuỗi sản xuất trong vùng. Tôi tin rằng những điều này sẽ mang lại hiệu quả. Không những vậy, việc liên kết còn thúc đẩy hình thành sản xuất tập trung, quy mô lớn, tạo ra được sản phẩm thế mạnh có tính cạnh tranh cho từng vùng”, ông Mai Nhữ Thắng nói./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục