Nông nghiệp hữu cơ: Bài 2: Tìm lối đi

12:00' - 19/06/2016
BNEWS Các doanh nghiệp theo đuổi “nghiệp hữu cơ” còn gặp nhiều khó khăn, vì vậy, Nhà nước cần có giải pháp để giúp đỡ doanh nghiệp.
Cần tìm lối đi cho doanh nghiệp hữu cơ. Ảnh: Phạm Kha/TTXVN

Nhu cầu về sản phẩm hữu cơ rất lớn, song việc mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở nước ta hiện còn khiêm tốn.

Các doanh nghiệp theo đuổi “nghiệp hữu cơ” còn gặp nhiều khó khăn, trong đó quan trọng nhất là các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Do đó, đã đến lúc phải có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý Nhà nước để định hình nền sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững.

* Hình thành tổ chức chứng nhận uy tín

Tiến sĩ Phạm Đồng Quảng, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, đến thời điểm hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có tổ chức chứng nhận được Nhà nước thành lập hoặc chỉ định hoạt động chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

“Lý do của việc chậm trễ này là chúng ta vẫn chưa xác định rõ cách thức quản lý sản phẩm hữu cơ. Hiện đang có quan niệm rằng, sản xuất hữu cơ chưa bắt buộc áp dụng nên sản phẩm hữu cơ được quản lý như sản phẩm nhóm 1.

Nghĩa là tổ chức, cá nhân sản xuất tự công bố tiêu chuẩn áp dụng và không bắt buộc chứng nhận hợp chuẩn và công bố hợp chuẩn.” - ông Quảng cho hay.

Mặt khác, theo ông Phạm Đồng Quảng, đến nay Việt Nam vẫn chưa có cơ quan nào đứng ra kiểm tra, thanh tra, xử phạt vi phạm liên quan đến sản xuất, kinh doanh sản phẩm hữu cơ.

Tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Ảnh: TTXVN

Trong khi đó, thực tế sản phẩm hữu cơ đã được các đơn vị kinh doanh tuyên truyền quảng cáo, in bao bì nhãn mác và bày bán ở nhiều địa phương.

Điều này đã dẫn đến tình trạng thiếu minh bạch, một số cửa hàng kinh doanh lợi dụng bán giá cao, làm mất niềm tin của người tiêu dùng.

Từ thực tế trên, là một chuyên gia trong ngành nông nghiệp, Giáo sư Nguyễn Quốc Vọng, Đại học RMIT (Australia) cho rằng, việc phát triển nông nghiệp hữu cơ là bước đi cần thiết và kịp thời đối với nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay.

Tuy nhiên, nông nghiệp hữu cơ hiện nay không phải là nông nghiệp như thời xưa, mà phải tuân thủ các nguyên tắc về sức khỏe, môi trường, sự quan tâm và công bằng.

Do đó, Việt Nam cần phải hết sức cẩn trọng trong việc phát triển nông nghiệp hữu cơ, phải tạo được niềm tin rằng, khi người tiêu dùng mua một sản phẩm hữu cơ, đó là một sản phẩm sạch và an toàn.

Lấy ví dụ từ nền nông nghiệp hữu cơ ở Australia, Giáo sư Nguyễn Quốc Vọng cho biết, với chính sách xuất khẩu và nông nghiệp sạch, xanh làm động lực phát triển, nông nghiệp hữu cơ Australia đã xây dựng một quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ mang tính quốc tế.

Nhưng quan trọng hơn là họ có hệ thống kiểm tra cực kỳ nghiêm khắc, minh bạch và hiệu quả. Nhờ vậy, sản phẩm hữu cơ Australia là một trong những mặt hàng uy tín, được tin cậy nhất thế giới. Ngay cả giới tiêu dùng của nước này rất tin tưởng vào nhãn hữu cơ của nước mình.

"Quan trọng nhất là làm sao hình thành được các tổ chức chứng nhận uy tín, được người tiêu dùng thừa nhận.

Các tổ chức này phải làm việc một cách nghiêm túc, liêm chính và nghiêm khắc trong việc đánh giá sản phẩm hữu cơ.

Khi đã có thương hiệu, chúng ta không những có cơ hội giải quyết vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trong nước mà có thể đáp ứng nhu cầu xuất khẩu”- Giáo sư Vọng nói.

Tuy nhiên, Giáo sư Nguyễn Quốc Vọng cũng lưu ý việc xây dựng các tổ chức chứng nhận phải hoàn toàn độc lập với các cơ quan Nhà nước để tránh tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi".

* Cần chính sách đột phá

Dù nhu cầu thị trường rất lớn nhưng diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam hiện còn khiêm tốn.

Để mở rộng sản xuất nông nghiệp hữu cơ cũng như thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, ông Võ Minh Khải, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và Sản xuất Viễn Phú (nông trại tại Cà Mau) cho rằng, Nhà nước cần có những chính sách cụ thể mang tính đột phá nhằm mục đích chuyển đổi dần từ canh tác hóa học sang nền sản xuất thân thiện với môi trường để đáp ứng xu thế hội nhập, cạnh tranh với thế giới cũng như cải thiện sức khỏe cộng đồng.

Theo ông Khải, chính sách cần làm rõ sự khác biệt trong việc khuyến khích ưu đãi cho đối tượng từ người nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp, nhà đầu tư thấy được sự rõ ràng trong việc sản xuất, đầu tư giữa hai xu hướng nông nghiệp hóa học và nông nghiệp thân thiện môi trường như chính sách đất đai, tín dụng, thị trường...

Liên kết các doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ. Ảnh minh họa: TTXVN

Để tạo mối liên hệ giữa sản xuất, thị trường và các nhà khoa học, mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ và các công ty tiên phong trong ngành đã xây dựng mô hình “Ngôi nhà Organic - thực phẩm hữu cơ”, nhằm liên kết các doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ.

Mô hình này cũng có chương trình phối hợp với các địa phương xây dựng các trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm organic đến người tiêu dùng. Hoạt động này được kỳ vọng bước đầu sẽ được nhiều người tiêu dùng biết đến dòng sản phẩm hữu cơ cũng như tạo động lực để các doanh nghiệp phát triển.

Ở góc độ thị trường, ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp. Hồ chí Minh (Saigon Co.op) cho biết, mặc dù giá thành các nông sản hữu cơ còn cao, nhưng lợi ích của sản phẩm mang lại cho người tiêu dùng là rất lớn.

Do đó, đơn vị sẽ chủ động liên kết hợp tác, ứng vốn, phối hợp cùng các nhà cung cấp tiếp thị sản phẩm hữu cơ chất lượng cao đến khách hàng trên toàn hệ thống bán lẻ của doanh nghiệp.

Đồng thời, tại mỗi siêu thị sẽ dành một khu vực nhận diện dành riêng cho các sản phẩm hữu cơ, trước mắt là ở khu vực Tp. Hồ Chí Minh.

“Các nhà sản xuất hữu cơ nên có một dòng sản phẩm “hướng về Organic” để người tiêu dùng có thu nhập trung bình có thể tiếp cận được. Đây cũng là dòng sản phẩm tốt đơn vị sẽ nghiên cứu phối hợp với các doanh nghiệp trong thời gian tới” - ông Nhân đề nghị.

Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập các tổ công tác đến từng doanh nghiệp đang sản xuất nông nghiệp hữu cơ để tìm hiểu các khó khăn của doanh nghiệp.

Đồng thời, rà soát lại các chính sách đã ban hành để đề xuất bổ sung, ban hàn h mới nhằm tạo điều kiện khuyến khích doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp hữu cơ phát triển./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục