Lotte Shopping với vị thế "ông lớn" ở "xứ sở Kim Chi"

11:46' - 19/12/2015
BNEWS Dù phải đối mặt với tình hình cạnh tranh gay gắt và thói quen mua sắm thay đổi liên tục của người tiêu dùng, Lotte Shopping vẫn duy trì vị thế “ông lớn” trong lĩnh vực bán lẻ của "xứ sở Kim chi".

Lotte Shopping Co., Ltd, nhà bán lẻ trực thuộc tập đoàn mẹ Lotte của Hàn Quốc, ra đời năm 1979 và hiện đang sở hữu bốn công ty con là Lotte Department Store, Lotte Mart, Lotte Super and Lotte Cinema.

Hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực quản lý chuỗi cửa hàng bán lẻ, hệ thống siêu thị và rạp chiếu phim, thị phần của Lotte Shopping chiếm một phần đáng kể ở Hàn Quốc và đầy triển vọng tại Trung Quốc, Nga, Việt Nam và Indonesia.

Lotte Center Hà Nội. Ảnh: lottecenter.com.vn

Dù phải đối mặt với tình hình cạnh tranh ngày càng tăng và thói quen mua sắm thay đổi liên tục của người tiêu dùng, Lotte Shopping vẫn duy trì vị thế “ông lớn” trong lĩnh vực bán lẻ của "xứ sở Kim chi" bằng việc mở rộng quy mô và số lượng cả trong và ngoài nước, đồng thời phát triển các mô hình đa kênh bán hàng.

Tính đến hết tháng 7/2015, nhà bán lẻ này sử dụng gần 29.000 lao động và có giá trị vốn hóa thị trường đạt 2,848 tỷ USD.

Thị trường bán lẻ Hàn Quốc nhìn chung ghi nhận chiều hướng tăng trưởng tích cực, mặc dù tốc độ có xu hướng chậm lại trong năm 2014. Nguyên nhân chủ yếu là hoạt động bán lẻ tại các cửa hàng truyền thống trì trệ, nhưng doanh thu của ngành bán lẻ phi truyền thống vẫn duy trì đà tăng tốt và có tác động tích cực đến toàn ngành bán lẻ.

Bán lẻ trực tuyến qua ứng dụng Lotte Mart dành cho thiết bị di động

Ứng dụng tiện ích Lotte Mart trên thiết bị di động. Ảnh: beweidigital.com

Đầu tháng 11/2014, Lotte Shopping công bố ứng dụng Lotte Mart dành cho thiết bị di động, theo đó khách hàng sẽ nhận được các coupon mua hàng, thông tin sản phẩm giảm giá hay chương trình tri ân khách hàng đang diễn ra tại siêu thị Lotte gần nhất dựa trên công nghệ xác định vị trí của điện thoại.

Dịch vụ mới này giúp xóa bỏ rào cản giữa mô hình bán lẻ truyền thống và trực tuyến và Lotte Mart là siêu thị đầu tiên áp dụng công nghệ này. Dự kiến Lotte Shopping sẽ tiếp tục mở rộng ứng dụng này tại nhiều siêu thị và trung tâm mua sắm khác của họ và cung cấp thêm nhiều thông tin hữu ích cho người tiêu dùng.

Bán hàng miễn thuế tại Lotte Duty Free

Mặc dù Tập đoàn Lotte đã có nhiều nỗ lực nhằm duy trì hoạt động bán hàng miễn thuế Lotte Duty Free khi giấy phép hoạt động của hai cửa hàng miễn thuế tại Seoul hết hạn trong tháng 12 năm nay, chỉ một cửa hàng tại trung tâm thủ đô được tiếp tục mở cửa trong 5 năm tới.

Đây là một trong những mảng kinh doanh có lãi nhất của Tập đoàn Lotte, với doanh thu của cả hai cửa hàng tại Seoul chạm mức 2.500 tỷ won (2,2 tỷ USD) trong năm 2014.

Chuỗi cửa hàng miễn thuế lớn nhất Hàn Quốc, Lotte Duty Free. Ảnh: businesskorea.co.kr

Trước đó, là nhà sở hữu chuỗi cửa hàng miễn thuế lớn nhất Hàn Quốc, Lotte Duty Free công bố một kế hoạch táo bạo với mục tiêu trở thành người đi tiên phong trong ngành bán lẻ hướng tới khách du lịch, bằng việc đạt doanh số bán hàng 29.000 tỷ won ở nước ngoài và thu hút 13 triệu khách du lịch nước ngoài trong 5 năm tới.

Các cửa hàng miễn thuế của tập đoàn đã thu hút 1,55 triệu lượt khách du lịch nước ngoài trong năm 2014, chiếm 11% tổng số du khách đến Hàn Quốc.

Mở rộng kinh doan trên phạm vi toàn cầu

Hồi tháng 10 năm nay, Chủ tịch Tập đoàn Lotte Shin Dong-bin cho biết Tập đoàn sẽ thành lập một quỹ phát triển với số vốn 150 tỷ won từ nay đến năm 2020 để thúc đẩy các dịch vụ cộng đồng, nhằm mục tiêu vừa mở rộng kinh doanh vừa “hoàn thành trách nhiệm đối với xã hội” của doanh nghiệp này.

Bên cạnh việc củng cố vị thế và hình ảnh ở thị trường trong nước, Lotte Shopping cũng đẩy mạnh chiến lược mở rộng hoạt động trên phạm vi toàn cầu. Tuy đã có sự đầu tư ở nước ngoài trong nhiều năm trở lại đây, doanh thu của Lotte Shopping ở nước ngoài chưa đạt được như kỳ vọng.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này mà Lotte và hàng loạt tập đoàn bán lẻ khác đang phải đối mặt là tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại, kinh tế Nhật Bản trì trệ và những thông tin trái chiều xung quanh chính sách đối với doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài ở Ấn Độ.

Trong khi đó, theo đánh giá của Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) trực thuộc The Economist (Anh), tăng trưởng trong lĩnh vực bán lẻ truyền thống chủ yếu đến từ doanh thu của các kênh như cửa hàng tiện lợi và bán lẻ du lịch.

Năm 2016, Trung Quốc dự kiến sẽ dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng doanh thu trong lĩnh vực bán lẻ ở châu Á, với mức tăng 8,6%, đứng thứ hai là Việt Nam (7,8%) và Ấn Độ (6,2%).

Thay cho các thị trường lớn, những nền kinh tế nhỏ hơn của châu Á như Việt Nam với chính sách vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tương đối thân thiện, hay Indonesia với dân số đông và thu nhập tăng đều, sẽ là những sân chơi mới và hấp dẫn hơn đối với các “đại gia” lĩnh vực bán lẻ, trong đó có Lotte Shopping.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục