Minh bạch giúp nâng cao hiệu quả quản lý ngân sách nhà nước

13:35' - 30/03/2018
BNEWS Ngày 30/3, tại tỉnh Vĩnh Phúc, Liên minh châu Âu (EU) phối hợp với Tổ chức Oxfam đã tổ chức hội thảo Quản lý ngân sách nhà nước: Từ các sáng kiến thực tiễn đến giải pháp chính sách.

Trong 3 năm qua, trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự tham gia trong quản lý ngân sách nhà nước” do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ, Tổ chức Oxfam và Liên minh Minh bạch Ngân sách (BTAP) đã hỗ trợ các đối tác ở các tỉnh Hòa Bình và Quảng Trị triển khai nhiều sáng kiến nâng cao hiệu quả quản lý ngân sách nhà nước. Các sáng kiến này đều được xây dựng dựa trên nguyên tắc cơ bản về minh bạch, sự tham gia và trách nhiệm giải trình. Quá trình thực hiện sáng kiến đã mang lại rất nhiều kết quả tích cực.

Cần cải cách mạnh mẽ hệ thống ngân sách nhà nước. Ảnh: Thùy Dương/BNEWS/TTXVN

Ông Nguyễn Đức Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị cho biết việc áp dụng bộ tiêu chí chấm điểm Công khai Ngân sách cấp tỉnh (POBI) đã giúp Hội đồng nhân dân tỉnh có được những cơ sở khoa học khi ra quyết định lựa chọn dự án đầu tư công, đảm bảo sự khách quan, công khai và minh bạch. Năm 2016, HĐND tỉnh Quảng Trị đã đưa khỏi danh sách 4 công trình đầu tư công được đánh giá là chưa cần thiết với tổng số vốn đầu tư là 144 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Trị đã áp dụng cơ chế này để người dân đánh giá và phản hồi về chất lượng của các dự án đầu tư công cũng như các chương trình của nhà nước.

Theo ông Nguyễn Đăng Ánh, Phó Ban Kinh tế Ngân sách, HĐND tỉnh Quảng Trị, sau quá trình tham vấn 678 hộ dân đã phát hiện những bất cập trong việc phân bổ ngân sách cho chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và kinh tế tập thể. Nhờ cắt bỏ những hạng mục không cần thiết với người dân, tỉnh Quảng Trị đã tiết kiệm hơn 4 tỷ đồng tiền ngân sách hàng năm.

Hòa Bình và Quảng trị đang hỗ trợ các nhóm cộng đồng tham gia giám sát ngân sách và đầu tư công. Các nhóm cộng đồng hiện đang tích cực giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo và các công trình đầu tư công tại địa phương. Theo ông Hà Văn Pởi, xã Tòng Đậu, huyện Mai Châu, sau khi tham gia dự án, nhóm cộng đồng hiểu rõ hơn vai trò của mình và cảm thấy có trách nhiệm trong việc giám sát các chương trình ở địa phương.

Ông Hà Văn Pởi, nhóm cộng đồng xã Tòng Đậu, huyện Mai Châu chia sẻ kinh nghiệm giám sát ngân sách tại địa phương. Ảnh: Thùy Dương/BNEWS/TTXVN

Việc giám sát của cộng đồng giúp các công trình có chất lượng tốt hơn và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân. Tại xã Tòng Đậu, nhờ giám sát của cộng đồng, con mương ở xã đã được thiết kế hợp lý hơn và được kéo dài hơn 100 m so với ban đầu.

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng các sáng kiến quản lý ngân sách ở địa phương là những bài học tốt để cơ quan liên quan nghiên cứu và phát triển thành các giải pháp chính sách để có thể áp dụng ở quy mô rộng hơn. Cụ thể, cần nghiên cứu xây dựng các tiêu chí trong phân bổ ngân sách và lựa chọn dự án đầu tư để đảm bảo khách quan, công khai và minh bạch.

Bên cạnh đó, nhà nước cần hỗ trợ sự tham gia giám sát của công chúng thông qua việc cung cấp thông tin đầy đủ và kịp thời cho người dân. TS. Lê Đăng Doanh, thành viên Ban Chính sách Phát triển – Liên Hợp Quốc cho rằng, cần nâng cao minh bạch và trách nhiệm giải trình để chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước. Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thu Hương, Quản lý Chương trình cao cấp – Tổ chức Oxfam tại Việt Nam cho hay, minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự tham gia là yếu tố tiên quyết để đảm bảo hệ thống chính sách hoạt động hiệu quả./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục