Nhà đầu tư toàn cầu “quay xe” với đồng yen giữa loạt bất ổn kinh tế

06:00' - 04/07/2025
BNEWS Chính sách tiền tệ hiện là rào cản lớn nhất đối với đồng yen, sau khi BoJ ra tín hiệu không vội tăng lãi suất thêm trong năm nay, sau lần tăng hồi tháng 1/2025.
Nhiều nhà đầu tư quốc tế đang dần từ bỏ kỳ vọng vào việc đồng yen Nhật Bản sẽ tăng giá nhanh do Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) giữ lập trường thận trọng, chiến tranh thương mại và chi phí nắm giữ đồng yen trở nên quá đắt đỏ. Tất cả những yếu tố này đã khiến một trong những lựa chọn đầu tư được ưa chuộng nhất đầu năm mất dần sức hút.

Phần lớn các nhà phân tích và nhà đầu tư dài hạn vẫn tin rằng đồng yen cuối cùng sẽ mạnh lên khi Nhật Bản chuyển dần khỏi chính sách lãi suất siêu thấp. Tuy nhiên, quan điểm này đang gặp phải loạt trở ngại trong ngắn hạn, từ tiến độ đàm phán thương mại Mỹ - Nhật không rõ ràng đến những bất định trước cuộc bầu cử quốc gia tại Nhật Bản.

Chính sách tiền tệ hiện là rào cản lớn nhất đối với đồng yen, sau khi BoJ ra tín hiệu không vội tăng lãi suất thêm trong năm nay, sau lần tăng hồi tháng 1/2025. Cơ quan này muốn chờ xem đầy đủ tác động từ các mức thuế thương mại sâu rộng mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp đặt.

 
Ông James Athey – Giám đốc đầu tư thu nhập cố định tại Marlborough (London) – cho biết ông đã cắt giảm vị thế mua đồng yen so với đồng USD vì lo ngại các yếu tố bất lợi ngắn hạn và sự "án binh bất động" của BoJ. Ông nói: “Về dài hạn, chúng tôi vẫn thấy nhiều yếu tố hỗ trợ cho đồng yen. Vấn đề là phải điều chỉnh chiến lược giữa giai đoạn đầy bất ổn và biến động này”.

Dữ liệu hàng tuần từ cơ quan giám sát thị trường Mỹ cho thấy các nhà đầu tư hiện nắm giữ lượng hợp đồng mua ròng đồng yen trị giá 11,41 tỷ USD, giảm mạnh so với mức kỷ lục 15,7 tỷ USD hồi cuối tháng 4/2025.

Đồng yen từ lâu đã nhạy cảm với lãi suất nước ngoài, do lợi suất trong nước thấp và các khoản đầu tư nước ngoài khổng lồ. Chênh lệch lãi suất lớn giữa Mỹ và Nhật Bản trong vài năm qua đã kéo đồng yen xuống mức thấp kỷ lục, buộc Chính phủ Nhật Bản phải can thiệp tốn kém.

Chênh lệch này cũng khiến việc nắm giữ đồng yen trở thành một khoản đầu tư đắt đỏ: trái phiếu Nhật Bản chỉ trả lợi suất trung bình 0,5%, trong khi chi phí đi vay bằng đồng USD vượt 4%. Nếu đồng yen còn tiếp tục mất giá, nhà đầu tư sẽ chịu thiệt kép.

Đầu năm 2025, thị trường dự đoán Nhật Bản sẽ nhanh chóng tăng lãi suất, trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu hạ lãi suất vào cuối năm. Kỳ vọng này dường như đã thành hiện thực khi loạt thuế quan của ông Trump công bố vào tháng Tư làm rung chuyển thị trường, khiến niềm tin vào USD suy yếu và đẩy đồng yen tăng vọt 9%, đạt mức cao nhất trong nửa đầu năm kể từ 2016.

Tuy nhiên, kể từ đó, đồng yen dường như đang diễn biến ảm đạm khi BoJ quay lại lập trường chính sách dè dặt. Xu hướng tiếp theo của đồng yen sẽ phụ thuộc lớn vào kết quả đàm phán thương mại Mỹ - Nhật, sau khi Tổng thống Trump trong tuần này đưa ra những phát biểu kém lạc quan về khả năng đạt được thỏa thuận. Ông thậm chí gợi ý có thể áp mức thuế nhập khẩu 30% hoặc 35% với hàng hóa từ Nhật Bản, cao hơn hẳn mức 24% từng công bố trước đó.

Thuế suất cao sẽ đe dọa xuất khẩu ô tô - một ngành mũi nhọn của Nhật Bản - và khiến con đường rút khỏi chính sách tiền tệ siêu nới lỏng của BoJ càng thêm chông gai.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục